Nghiên cứu về vai trò của cây che phủ

Nghiên cứu về vai trò của cây che phủ
Nghiên cứu của Đại học Purdue cho thấy nông dân sử dụng cây che phủ như một phương pháp bảo tồn đất giúp tăng số lượng thân cây ngô cho sản xuất nhiên liệu sinh học hoặc mục đích khác, đồng thời tăng thu nhập.

Nghiên cứu chỉ ra phương pháp bảo tồn lâu đời này như một cách để bảo vệ đất và tăng thêm thu nhập cho người nông dân. Việc sử dụng cây che phủ là các loài thực vật như cỏ ba lá đỏ thẫm, người nông dân có thể loại bỏ hơn 1,8 tấn rơm trên mỗi mẫu Anh theo cách bền vững.

Wally Tyner, một trong các nhà nghiên cứu cho biết: “Phát hiện quan trọng nhất là doanh thu tăng thêm từ việc loại bỏ rơm có khả năng sẽ đủ để trả các chi phí cho việc trồng cây che phủ trong nhiều trường hợp”.

Các phần thừa của cây ngô hoặc rơm còn lại trên các cánh đồng sau thu hoạch từ lâu đã là nguồn nhiên liệu sinh học có triển vọng. Nghiên cứu được trình bày chi tiết trong Tạp chí Khuyến nông. Nghiên cứu do Tyner và Michelle Pratt thuộc Khoa Kinh tế nông nghiệp và Eileen J. Kladivko thuộc Khoa Nông học thực hiện. Nghiên cứu cũng đã được công bố trực tuyến trên tạp chí Hệ thống nông nghiệp.

Các nhà nghiên cứu đã xem xét liệu doanh thu từ việc bán rơm rạ có đủ chi trả cho các chi phí trồng cây che phủ hay không. Họ cũng phân tích những lợi ích của việc trồng các cây che phủ khác nhau và hỗn hợp các cây che phủ.

Tyner cho biết: “Nếu bạn trồng một cây che phủ, cây sẽ giúp tích tụ chất hữu cơ trong đất và tạo nên các lợi ích khác như giữ thân cây trên mặt đất. Trong thực tế, cây che phủ mang lại nhiều lợi ích hơn. Việc sử dụng thân cây ngô cho sản xuất nhiên liệu sinh học, làm thức ăn gia súc có thể giúp thanh toán các chi phí trồng cây che phủ”.

Điều đó có nghĩa là các trang trại sẽ duy trì được độ màu mỡ của đất đai và các khoản thu tiềm năng se cao hơn. Trong bối cảnh Chính phủ Mỹ khuyến khích chuyển đổi sang nhiên liệu sinh học, nhu cầu rơm có khả năng tăng. Đến năm 2022, Đạo luật Năng lượng Độc lập của Mỹ yêu cầu 16 tỷ gallon nhiên liệu sinh học giống ethanol từ các nguồn nhiên liệu tái tạo. Điều này có thể được thực hiện thông qua việc sử dụng thân cây ngô.

Các nhà nghiên cứu đã xem xét và mô hình hóa các lợi ích khác nhau cho hai nhóm nông dân: những người thu hoạch thân cây ngô và những người không thu hoạch thân cây. Cây che phủ làm tăng lợi ích ròng cho cả hai nhóm. Đối với những người nông dân bán các thân cây ngô, họ thu được lợi ích tài chính. Thay vì tăng giá trị nông học, chẳng hạn như duy trì sức sống của đất, cây che phủ đóng vai trò thay thế cây ngô như một cây duy trì độ màu mỡ của đất.

Nhưng ngay cả khi những người nông dân không loại bỏ thân cây ngô, họ vẫn có thể đạt được lợi thế nông học từ cây che phủ. Đất trồng trọt có nhiều chất dinh dưỡng và ít có khả năng bị xói mòn. Ví dụ, cỏ ba lá đỏ làm tăng 21,28 $ xét về giá trị của chất dinh dưỡng cho đất trên mỗi mẫu Anh và làm tăng chất hữu cơ trong đất, tương đương với giá trị 44,72 $ một mẫu Anh. Cây che phủ như cỏ ba lá đỏ làm giảm độ nén chặt của đất và làm giảm xói mòn, tăng thêm giá trị của đất cho người nông dân.

 

Theo Viện Khoa Học Kỹ Thuật Nông Nghiệp Miền Nam