Nguy cơ mất an toàn từ chất kích chín trái cây
- Thứ năm - 11/07/2013 03:11
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Trong 6 tháng đầu năm, các cơ quan chức năng của Bộ đã kiểm tra 841 mẫu nông sản có nguồn gốc thực vật và phát hiện 19 mẫu (chiếm 2,2%) vi phạm chỉ tiêu vi sinh vật (nhiễm salmonella. E.coli) và 14 mẫu (chiếm 1,67%) nhiễm dư lượng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), kim loại nặng, nitrat vượt ngưỡng giới hạn cho phép.
Thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT về tăng cường kiểm soát chất lượng, an toàn thực phẩm (ATTP) đối với nông sản nhập khẩu, Cục BVTV đã tiến hành kiểm tra 17.037 lô hàng thực phẩm nhập khẩu có nguồn gốc thực vật (tương đương 1.410.762 tấn) từ 40 nước trên thế giới. Kết quả, phát hiện 1 mẫu chanh tươi Trung Quốc, 291 mẫu rau củ quả có dư lượng thuốc BVTV vượt ngưỡng cho phép.
Việc kiểm tra an toàn thực phẩm rau quả trên thị trường nội địa kết quả thế nào, thưa ông?
Trên thị trường nội địa, từ đầu năm đến nay, Cục BVTV đã tổ chức lấy mẫu, kiểm tra ATTP đối với các loại hạt hướng dương, hạt dưa hấu, bầu, bí; các loại rau (rau ngót, mướp đắng), gừng Trung Quốc. Vừa qua, Cục đã hoàn thành việc phân tích nguy cơ mất ATTP đối với rau quả Việt Nam trên cơ sở 5 năm giám sát, khảo sát địa phương. Cục đã có báo cáo chuyên đề về 20 hoạt chất có nguy cơ cao sử dụng trong sản xuất rau quả. Kết quả chỉ ra, trong tất cả các loại trái cây, nho là sản phẩm có nguy cơ mất an toàn cao nhất.
Với các loại rau thì rau ăn lá, đặc biệt là rau muống, rau ngót mất an toàn cao nhất. Vừa qua, Cục đã tiến hành lấy 25 mẫu rau ngót được trồng tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh thấy, 87% mẫu rau ngót có dư lượng thuốc BVTV. Như vậy, quá trình sản xuất rau ngót có vấn đề, đáng chú ý là nhiều nông dân thường phun thuốc BVTV ngay cả khi rau không bị sâu.
Thưa ông, đâu là điểm "nóng" mất ATTP đối với thực phẩm nguồn gốc thực vật hiện nay?
Một vấn đề rất nóng đối với chất lượng trái cây hiện nay là người kinh doanh đang sử dụng bừa bãi các loại hóa chất bảo quản, ép trái cây chín sớm (còn gọi là chất điều hòa sinh trưởng). Việt Nam sản xuất nhiều loại nông sản, nhưng khâu yếu kém nhất của chúng ta là vấn đề bảo quản. Hiện, giới thương lái thường vào tận ruộng của dân thu mua cả ruộng, bao gồm cả quả xanh lẫn chín, sau đó họ tự rấm chín sản phẩm. Trước kia, người ta thường rấm sản phẩm bằng phương pháp thủ công như dùng đất đèn, hương nhưng bây giờ, họ mua hóa chất biến trái cây xanh chỉ sau 1 ngày thành vàng óng, chín mềm. Thực trạng ép chín mít, sầu riêng, chuối, hồng xiêm… phổ biến trong thời gian qua là minh chứng rõ nét nhất.
Điều đáng nói là chưa có bất kỳ loại hóa chất điều hòa sinh trưởng nào có trong danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng ở Việt Nam. Nói cách khác, việc thương lái sử dụng hóa chất nhập từ Trung Quốc dưới tên gọi "kích thích tố trái cây" để ép trái cây xanh thành chín vàng là bất hợp pháp. Điều này cho thấy lỗ hổng trong quản lý chất bảo quản thực phẩm. Ngoài ra, hiện ở Việt Nam cũng chưa có bất cứ DN nào đăng ký thương mại lưu hành sản phẩm kích thích tăng trưởng.
Chúng tôi đang phối hợp với Cục Trồng trọt tiến hành khảo nghiệm một số hoạt chất bảo quản, dự kiến từ nay đến cuối năm sẽ đưa ra một số hoạt chất trong danh mục sản phẩm được phép lưu hành tại Việt Nam để tránh trường hợp sử dụng bừa bãi chất bảo quản, gây hoang mang cho người tiêu dùng.
Thời gian qua, có thông tin về việc nông dân ở tỉnh Sơn Đông (Trung Quốc) sử dụng aldicarb - một loại thuốc trừ sâu cực độc trong sản xuất gừng. Vậy, tình hình quản lý chất aldicarb ở Việt Nam như thế nào, thưa ông?
Tại Việt Nam, hiện không có thuốc BVTV nào chứa hoạt chất aldicarb và theo quy định về quản lý thuốc BVTV hiện hành thì hoạt chất này không được phép đăng ký, sử dụng ở nước ta do có độ độc cao, tác động mạnh vào thần kinh.
Tại một số quốc gia, aldicarb dùng để diệt các loại côn trùng và sâu hại trong đất, thuốc này được sản xuất dưới dạng hạt, đưa vào đất giống như phân bón. Công ước Rotterdam mà Việt Nam và Trung Quốc đều là thành viên cũng đã đưa aldicarb vào danh sách thuốc BVTV phải kiểm soát nghiêm ngặt từ tháng 10/2011. Tuy nhiên, hiện nay, ở một số nước trên thế giới, trong đó có Trung Quốc, aldicarb vẫn được phép sử dụng hạn chế trên một số cây trồng với sự kiểm soát nghiêm ngặt.
Sau thông tin về việc nông dân trồng gừng ở Trung Quốc sử dụng aldicarb, Cục BVTV đã bổ sung aldicarb vào danh mục các hoạt chất thuốc BVTV bắt buộc phải kiểm tra ATTP đối với gừng và các loại củ nhập từ nước ngoài vào Việt Nam, đồng thời sẽ tiếp tục tăng cường kiểm tra và cung cấp thông tin rộng rãi đến người tiêu dùng trong thời gian tới.
Thưa ông, để bảo vệ người tiêu dùng, Việt Nam đang áp dụng kiểm tra, kiểm soát với các loại rau, củ, quả khác nhập từ Trung Quốc như thế nào?
Mỗi năm, nước ta nhập hơn nửa triệu tấn rau, củ, quả từ Trung Quốc. Ngoài việc tăng cường giám sát mặt hàng gừng, hiện chúng ta đang tập trung vào 5 loại trái cây là táo, lê, cam quýt, dưa, nho. Đây là những loại dân mình ăn nhiều nhất, nhập khẩu nhiều nhất và nguy cơ nhiễm các chất độc hại cũng cao nhất. Hiện có 1.200 hoạt chất thuốc BVTV được sử dụng trên thế giới, nên chúng tôi buộc phải đánh giá nguy cơ rủi ro để loại bỏ dần. Chẳng hạn, với trái cây, sẽ loại bỏ trước hết là thuốc trừ cỏ, thuốc trừ sâu bệnh. Với Trung Quốc, chúng ta đang kiểm tra bắt buộc 15 hoạt chất trên các mặt hàng rau, củ, quả nhập khẩu và nay bổ sung thêm chất aldicarb.
Thời gian tới, Cục BVTV và Cục An toàn thực phẩm sẽ tăng cường phối hợp trong công tác quản lý an toàn thực phẩm nhập khẩu, trong đó có gừng và các loại rau, củ, quả… Đặc biệt, sẽ tăng cường trao đổi thông tin, phối hợp hiệu quả trong việc xử lý các sự cố ATTP để cung cấp thông tin kịp thời, chính xác đến người tiêu dùng.
Xin cảm ơn ông!
Chu Khôi (thực hiện)