Nhà nông chạy đua ứng dụng công nghệ cao

Nhà nông chạy đua ứng dụng công nghệ cao
Việc định hướng xây dựng nền nông nghiệp gắn với công nghệ cao đã đưa thu nhập nông dân liên tục tăng trong những năm qua và góp phần lớn giúp huyện Củ Chi (TP.HCM) hoàn thành sớm Chương trình xây dựng nông thôn mới.

Trang bị máy móc, hợp tác nước ngoài...

Trong những năm qua, huyện Củ Chi tích cực chuyển đổi phương thức canh tác, nuôi trồng theo hướng nông nghiệp công nghệ cao để phù hợp với nền nông nghiệp đô thị. Định hướng này đã làm giảm đáng kể diện tích trồng lúa năng suất thấp ở Củ Chi, chuyển sang trồng hoa lan, rau sạch, nuôi bò sữa và thủy sản. Nhờ đó, hàng nghìn hộ dân Củ Chi đã phát triển sản xuất và vươn lên làm giàu.

 

Nông dân Củ Chi thích thú với công nghệ tưới nhỏ giọt được trưng bày tại Công ty Giống cây trồng miền Nam (Củ Chi, TP.HCM).    Ảnh: TT

Một trong những nông dân điển hình chuyển đổi sản xuất, vươn lên làm giàu ở Củ Chi là chị Đặng Lê Thị Thanh Huyền – chủ trang trại hoa lan Huyền Thoại (ấp Ba Sòng, xã An Nhơn Tây). Từ vài trăm mét vuông ban đầu, chị Huyền đã phát triển vườn lan lên rộng 5ha và tất cả đều đượcứng dụng công nghệ cao. Chưa dừng ở đó, chị đang tiếp tục có kế hoạch hợp tác một trung tâm nuôi cấy mô của Đài Loan để đầu tư xây dựng trung tâm nuôi cấy mô hoa lan cho riêng mình với trị giá hàng tỷ đồng, dự kiến sẽ khánh thành vào năm 2016.

Trong khi đó, nông dân ở lĩnh vực chăn nuôi bò sữa cũng không chịu kém cạnh về việc trang bị công nghệ cao. Anh Nguyễn Thanh Phúc (ấp 1, xã Phạm Văn Cội) dù chỉ nuôi 20 con bò sữa cũng trang bị công nghệ cao với: Máy vắt sữa, máy cắt cỏ tự động, hệ thống làm lạnh, hệ thống làm mát chuồng trại, hệ thống xử lý môi trường... 

“Việc đầu tư hệ thống công nghệ cao đã giúp tôi chủ động trong việc quản lý quy trình khai thác sữa, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, giảm stress nhiệt cho đàn bò sữa, hạn chế khí thải, đảm bảo sức khỏe cho bò, góp phần giảm chi phí thuốc thú y, tăng sản lượng và chất lượng sữa”- anh nói. Anh Phúc đang đầu tư hệ thống làm lạnh sữa tại địa phương nhằm cung cấp dịch vụ bảo quản sữa cho bà con nông dân.

Phát triển nông nghiệp đô thị

Theo UBND huyện Củ Chi, huyện đang thực hiện đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững”. Trong đó, huyện tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị công nghệ cao, gắn xây dựng nông thôn mới.

Bà Huỳnh Thị Kim Cúc - Phó Giám đốc Sở NNPTNT cho biết, thành phố đề nghị Củ Chi rà soát lại quy hoạch diện tích đất nông nghiệp, quy hoạch sản xuất vùng phù hợp. Các sở, ngành chức năng sẽ tiếp tục hỗ trợ Củ Chi phát huy thế mạnh nông nghiệp, ứng dụng khoa học công nghệ và chuyển giao khoa học kỹ thuật.

Một trong những nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội nhiệm kỳ 2015 – 2020 của Đảng bộ huyện Củ Chi là tiếp tục tái cơ cấu nền nông nghiệp theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp đô thị. Theo ông Lê Minh Tấn – Bí thư Huyện ủy, huyện sẽ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện một số nội dung trọng tâm nhằm tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ, đó là: Phát triển nông nghiệp theo hướng công nghệ cao gắn liền nền nông nghiệp đô thị bền vững; xây dựng, hình thành các khu nông nghiệp dân cư, nhà vườn sinh thái kết hợp với du lịch, nghỉ dưỡng, tham quan vườn cây ăn trái ven sông Sài Gòn...

  Hiện Củ Chi có 8.400ha trồng rau (76% diện tích theo quy trình an toàn); 165ha trồng hoa lan; nuôi 65.000 con bò sữa; 242ha nuôi thủy sản; 21,5ha nuôi cá cảnh... Giá trị sản xuất bình quân mỗi ha đạt khoảng 260 triệu đồng/ha/năm. Riêng với những hộ trồng hoa lan thu nhập có thể lên tới 1 tỷ đồng/ha/năm và trồng rau an toàn là 400 triệu đồng/ha/năm.  

Theo Tân Tiến/danviet.vn