"Nhà sáng chế" nông dân
- Chủ nhật - 01/10/2017 10:28
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Nhưng với những người nông dân Hải Dương thì những việc làm của Phạm Văn Hát đã không còn là chuyện lạ. Bởi các sáng chế của anh được ra đời từ những cánh đồng quê và phục vụ rất hiệu quả hoạt động sản xuất của bà con nông dân.
Xã Ngọc Kỳ (huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương)-quê hương của Phạm Văn Hát cách TP Hải Dương hơn 10 cây số. Về Ngọc Kỳ, hỏi bất kỳ ai, họ cũng đều biết rất rõ về Phạm Văn Hát-“nhà sáng chế” tài năng của quê hương.
Là người dám nghĩ, dám làm, năm 2007, Phạm Văn Hát mạnh dạn vay 3 tỷ đồng đầu tư trang trại trồng rau sạch. Tuy đã ký được nhiều hợp đồng với các công ty trong tiêu thụ sản phẩm, nhưng kết cục Phạm Văn Hát vẫn trắng tay. Bởi lẽ, việc các công ty ký hợp đồng với anh chỉ nhằm mục đích "tạo cớ" để dễ dàng đưa rau không đủ tiêu chuẩn vào siêu thị. Sau 3 năm (2007-2010) gắn bó với trang trại, Phạm Văn Hát trở thành người tay trắng. Anh quyết định sang Israel để vừa lao động kiếm sống, vừa học hỏi kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp. Không ngờ, Israel là mảnh đất nảy nở nên “cái duyên” sáng chế máy nông cụ của Phạm Văn Hát.
Trò chuyện cùng chúng tôi, Phạm Văn Hát cho biết: "Năm 2010, tôi sang Israel với mục đích học kinh nghiệm trồng rau sạch, sau này về quê làm kinh tế để trả nợ. Đất nước Israel rất văn minh và có nền khoa học hiện đại, nhưng vẫn còn nhiều công đoạn trong sản xuất nông nghiệp phải làm thủ công. Một hôm, ông chủ yêu cầu tôi đi rải phân. Thấy cái máy làm việc chưa “ngon”; nhưng do không biết ngoại ngữ nên tôi ra hiệu, ý nói với ông chủ cần cải tiến, hoặc làm cái máy khác. Hiểu ý tôi, ông chủ hỏi lại: "Liệu anh có làm được chiếc máy đó không? Anh làm trong bao lâu và nó có thể thay thế được bao nhiêu người?". Nghe ông chủ hỏi vậy, tôi gật đầu và giơ hai bàn tay (ý nói máy thay thế được 10 người). Thế là ông chủ liền gọi người đến phiên dịch để biết rõ ý tưởng của tôi".
Vậy là từ hôm đó, đêm đêm anh thiết kế, tính toán số liệu và bắt tay vào chế tạo chiếc máy rải phân. Máy làm xong, đem ra cánh đồng thử nghiệm mang lại kết quả bất ngờ. Bố con ông chủ ôm chặt lấy anh cảm ơn. Anh nói với họ, chiếc máy vẫn chưa được như ý muốn. Sau đó, Phạm Văn Hát làm tiếp chiếc thứ hai, đến chiếc thứ ba thì kết quả mãn nguyện. Ông chủ thưởng anh 10.000USD và đề nghị được mua bản quyền; đồng thời nâng lương cho anh từ 1.000USD lên 2.500USD (năm 2010) và còn mời Đại sứ quán Việt Nam đến chia vui.
Sau khi chế tạo và cải tiến thành công thêm nhiều loại máy cho ông chủ, hơn một năm sau, anh xin về nước. Mặc dù ông chủ trả lương cao và rất ưu ái, tạo điều kiện cho anh làm việc, cùng với đó, tên tuổi và những sản phẩm máy nông nghiệp của anh được nhiều người ở Israel và người Việt Nam sinh sống, làm việc tại đó biết đến, song năm 2012, anh quyết định trở về quê nhà để cống hiến cho đất nước và được gần vợ con, anh em, làng xóm. Ít lâu sau đó, người của ông chủ ở Israel sang Việt Nam, tìm về quê và mời anh quay lại làm việc, nhưng anh quyết định ở lại quê hương mình.
Khi Phạm Văn Hát về nhà được ít ngày, anh trai của anh là Phạm Văn Ka không thuê được người đặt hạt cho kịp thời vụ, nên mang câu chuyện trên phàn nàn với anh. Biết chuyện, Phạm Văn Hát nảy ra ý tưởng chế tạo một chiếc máy rải hạt. Hơn một năm nghiên cứu, chiếc máy gieo hạt đầu tiên ra đời trong niềm vui của hai anh em. Tuy chiếc máy do anh sáng chế còn những khiếm khuyết và công suất chưa cao, nhưng đó là sự cổ vũ để Phạm Văn Hát có niềm tin vào công việc. Sau nhiều lần quan sát, thử nghiệm trên đồng, anh tiếp tục cải tiến, hoàn thiện để máy đạt đến độ chính xác tuyệt đối.
Năm 2014, chiếc máy gieo hạt của anh lần đầu xuất hiện trên thị trường và lập tức được nhiều người tìm đến đặt mua. Anh gọi sản phẩm của mình là "Robot đặt hạt". Ưu điểm của máy là có thể điều chỉnh đặt hạt chính xác theo cự ly định sẵn. Một "Robot đặt hạt" của anh thay thế được cho 40 người làm việc. Vì thế, nếu có máy, gia đình không phải lo thuê lao động đặt hạt cho kịp thời vụ, mà còn chủ động thời gian gieo hạt, trồng trọt. Sau hai năm nghiên cứu, chế tạo (2012-2014), "Robot đặt hạt" với thương hiệu Phạm Văn Hát đã có mặt không chỉ ở thị trường trong nước, mà còn chiếm lĩnh nhiều thị trường các nước, như: Mỹ, Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan…, với giá 2.500 USD/chiếc. Thông qua internet, khách hàng tìm đến Đại sứ quán Việt Nam ở nước họ để tìm hiểu những thông tin cần thiết về Phạm Văn Hát; địa chỉ giao dịch và đặt hàng. Nhờ sự giúp đỡ của cán bộ, nhân viên Đại sứ quán Việt Nam ở các nước, "Robot đặt hạt" của anh nhiều lúc bị “cháy” hàng. Ở trong nước, khách hàng các tỉnh phía Nam và miền Trung đặt mua khá nhiều. Anh Hát cho biết: “Nhiều người đánh tiếng trả 3 tỷ đồng để mua bản quyền, nhưng tôi không bán. Bởi tôi nghĩ, người nông dân vốn rất vất vả, mua một chiếc "Robot đặt hạt" với giá trong nước khoảng 20 triệu đồng đã là một nỗ lực lớn. Vì thế, nếu bán bản quyền, người ta nâng giá thì đối tượng chịu thiệt thòi chính là người nông dân".
Chúng tôi được Phạm Văn Hát đưa vào xưởng sản xuất để xem chiếc máy phun thuốc trừ sâu có giá 65 triệu đồng do anh chế tạo vừa mới “ra lò”, đang chờ người mua đến nhận. Chiếc máy nhìn khá đơn giản, nhưng lại rất hữu ích đối với người nông dân. Máy phun có sải cánh bề ngang 20m, mỗi lượt phun được 20m. Với thời gian 20 phút, máy phun được 2 mẫu ruộng, có thể thay thế cho 40 lao động. Bánh xe của máy có đặc trưng khi hoạt động dưới ruộng không chèn lên lúa, thiết kế phi trục nhỏ, trên bánh xe có gắn các vấu để máy có thể vượt qua các chướng ngại vật một cách dễ dàng. Đặc biệt, hệ thống điều khiển cánh tay phun được thiết kế bằng thủy lực nên vận hành rất nhẹ nhàng, thuận tiện.
Sau 5 năm miệt mài lao động, đến nay, Phạm Văn Hát không những đã trả được hết khoản nợ 3 tỷ đồng, mà còn có điều kiện để mở rộng quy mô sản xuất, tạo việc làm cho một số lao động ở địa phương với mức lương khoảng 7,5 triệu đồng/người/tháng. Cùng với đó, những loại máy móc do anh sáng chế đã góp phần quan trọng giải phóng sức lao động của người nông dân, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tạo điều kiện để đẩy mạnh thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp theo chủ trương của Đảng.
Với những đóng góp quan trọng trong phát triển nông nghiệp, nông thôn, năm 2016, Phạm Văn Hát được Hội Nông dân Việt Nam tặng danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc” và tham dự Đại hội điển hình nông dân tiên tiến toàn quốc. Anh cũng được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba. Kết thúc bài viết này, chúng tôi xin dẫn lời Đại sứ Việt Nam tại Israel nói về anh: “Người Việt Nam ra nước ngoài, có những tài năng như Phạm Văn Hát, thì thật đáng tự hào và góp phần làm rạng danh đất nước, con người Việt Nam”.