Nhật Bản hỗ trợ sản xuất, tiêu thụ trái cây cách nào?
- Thứ năm - 21/06/2012 23:52
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Trồng quýt rải vụ để điều tiết thị trường
Tại tỉnh Shizouka, chúng tôi đến thăm Trung tâm Nghiên cứu cây có múi Quốc gia Okitsu, Sở Nông nghiệp tỉnh Shizouka, và các mô hình trồng cây có múi tiên tiến trong vùng... Shizouka là tỉnh SX trà, quýt và dâu tây nổi tiếng ở Nhật, đây cũng là tỉnh du lịch nổi tiếng vì có núi Phú Sĩ. Nông nghiệp chỉ chiếm 1% GDP của tỉnh, vì nguồn thu chủ yếu là từ công nghiệp SX xe hơi, và đàn Piano hiệu Yamaha nổi tiếng.
Các Viện Nghiên cứu, Trường Đại học Trung ương đóng ở tỉnh, Viện Nghiên cứu tỉnh và Khuyến nông tỉnh liên kết chặt chẽ với nhau. Trung tâm Nghiên cứu cây có múi Quốc gia Okitsu trực thuộc Viện Nghiên cứu cây ăn quả Nhật Bản. Ở đây, họ bố trí 3 người báo cáo cho đoàn. Trong đó, có một số điểm tôi quan tâm là:
- Người thứ nhất báo cáo về kỹ thuật trồng, ông cho biết có thể tăng độ ngọt trái quýt bằng cách phủ bạt tạo khô hạn lúc gần thu hoạch, làm tăng độ ngọt từ 1,5-2 độ brix so với không phủ bạt. Họ thích quýt có độ ngọt trên 13 độ brix.
- Người thứ hai báo cáo về công nghệ sinh học, ông cho biết đã sử dụng gen CiFT để rút ngắn thời gian lai tạo giống quýt, đưa gen này vào con lai F1 sẽ làm trổ hoa sớm chỉ trong 7 tháng sau khi gieo hạt, và như vậy sau khi gieo hạt F1 chừng 15 tháng thì đã cho trái. Từ hạt đến hạt chỉ còn 15 tháng thay vì phải mất 6, 7 năm như trước đây. Đối với nhà tạo giống cây có múi, thì đây là một việc rất mới vì đã giúp rút ngắn thời gian tạo giống mới rất nhiều. Bên cạnh đó, việc dùng marker phân tử, DNA marker, để phân loại các dòng quýt nhằm rút ngắn thời gian lai tạo giống cũng rất phổ biến ở đây.
- Phòng tạo giống bằng phương pháp cổ điển cho biết đã rút ngắn thời gian tạo giống. Trước đây sau khi gieo hạt F1, họ phải mất 6 năm mới cho trái, bây giờ chỉ còn 3, 4 năm. Điều này, có được bằng cách ghép cây lai F1 lên cây gốc ghép đã lớn. Khi cây F1 này phát triển được trên một tuổi thì được uốn cong, động tác này sẽ làm cho trái sớm trong vòng 3, 4 năm, thay vì phải mất 6 năm nếu gieo thẳng như trước đây. Như vậy, trong vòng khoảng 3 năm sẽ có trái để tiến hành đánh giá đặc tính mong muốn. Đã rút ngắn được thời gian tạo giống khoảng 3 năm so với trước.
Ông này cũng cho biết đã lai tạo ra rất nhiều giống cam, quýt mới như sau: Trung tâm Okitsu lai tạo 40 giống; các Viện nghiên cứu trực thuộc các tỉnh lai tạo 35 giống (khác với VN, ở Nhật tỉnh nào cũng có viện nghiên cứu trực thuộc để phục vụ cho tỉnh), các Cty và nông dân tạo ra 84 giống. Tổng cộng các giống đã lai tạo và được công nhận đến nay là 159 giống mới, trong đó 60% giống từ đột biến.
PGS.TS Nguyễn Minh Châu (trái) bên mô hình trồng cam ở Nhật Bản
Họ mời chúng tôi nếm thử nhiều giống quýt ngon đang được trồng phổ biến, hầu hết không hạt, nhiều nước, trái to, nhưng tôi thấy những giống này không thể phổ biến ở VN được, do khác hương vị yêu thích của người Việt. Quýt đường VN tuy có hạt nhưng hương vị rất phù hợp với người mình, và dễ bóc vỏ hơn so với các giống quýt được lai tạo ở đây. Họ quy hoạch rất hay, nhằm điều tiết thị trường tiêu thụ, tỉnh A trồng giống quýt thu hoạch sớm, tỉnh B phải trồng giống thu hoạch muộn hơn, rồi tỉnh C trồng giống muộn hơn nữa.
Sau đó họ đưa chúng tôi ra thăm vườn cây F1. Các cây lai F1 được ghép lên gốc ghép và uốn cong. Tôi thấy một gốc được họ ghép lên vài ba nhánh thuộc các cây lai F1 khác nhau.
Chiều hôm đó, họ cho đoàn đi thăm điểm du lịch sinh thái trồng các loại trái cây ôn đới trực thuộc tỉnh Shizouka. Ở đây họ tạo tán tất cả các cây ăn trái rất đẹp. Đây là điểm du lịch xem cách trồng các loại cây ăn trái ôn đới rất tốt (quýt, mận (plum), lê, đào, hồng và nho). Phải nói người Nhật là bậc thầy trong việc tạo tán cây.
Liên kết chặt chẽ
Hôm sau chúng tôi đi thăm Sở Nông nghiệp tỉnh Shizouka. Cách họ tổ chức các cơ quan nhà nước rất khác VN. Tất cả các sở ban ngành và văn phòng của tỉnh đều ở trong cùng một tòa nhà. Ở mỗi tỉnh, đều có viện nghiên cứu và trung tâm khuyến nông trực thuộc tỉnh. Bên dưới viện nghiên cứu tỉnh có đến 6, 7 trung tâm nghiên cứu chuyên từng cây, con quan trọng đối với tỉnh đó.
Ví dụ, ở tỉnh Shizouka có cây trà quan trọng, thì họ có trung tâm nghiên cứu trà đặt ngay ở vùng SX để hỗ trợ kỹ thuật cho nông dân,... Trung tâm Khuyến nông tỉnh cũng có 6, 7 Trạm Khuyến nông nằm ở tất cả các huyện. Ngoài ra, tỉnh này may mắn có Trường Đại học Quốc gia Shizouka và Trung tâm Nghiên cứu cây có múi Quốc gia Okitsu. Như vậy, họ tổ chức các cơ quan ở cấp tỉnh khác với VN hoàn toàn, chúng ta không có viện nghiên cứu trực thuộc tỉnh, và cũng không có các trung tâm nghiên cứu chuyên cho các cây, các con đặc thù từng tỉnh.
Buổi chiều, họ chở đi thăm một nông dân tiên tiến trồng quýt chất lượng cao nhờ phủ bạt. Ở vườn này tôi thấy một bên có phủ bạt và một bên không phủ bạt. Tôi hỏi phủ bạt thì độ đường tăng được bao nhiêu phần trăm? Ông chủ vườn cho biết việc phủ bạt đã giúp độ đường tăng được 2%. Sau đó, họ đưa đi thăm một nhà đóng gói nhỏ trực thuộc một HTX trồng quýt. HTX này có quy mô nhỏ, chỉ vài chục hộ tham gia, tuy nhiên họ có nhà đóng gói rất hiện đại, hệ thống băng chuyền có thể phân loại trái theo kích cỡ và độ ngọt.
Những trái hạng nhất, vừa to vừa ngọt hơn, được đóng gói riêng, được đưa đi Tokyo bán giá cao. Trước khi về, HTX đãi chúng tôi ăn quýt Satsuma. Một số người trong đoàn mua quýt về ăn, ở đây họ bán giá chỉ 100 yen/kg so với 300 yen/kg ở ngoài chợ. Tối hôm đó, về phòng khảo sát kỹ, tôi thấy trái Satsuma có kích cỡ thay đổi nhiều, có trái rất to, có trái nhỏ, tuy nhiên tất cả đều không hạt, dễ bóc vỏ, vỏ mỏng; đặc biệt giống này sau khi đã bóc vỏ vẫn còn nhiều xơ và hương vị thì giống với quýt hồng Lai Vung.
Hình dạng trái Satsuma thì tương tự như cam đường Canh của Hà Nội, vỏ có màu cam đậm. Tôi cảm thấy độ ngọt quýt Satsuma thua quýt đường VN? Tôi thấy trái quýt nhập từ Trung Quốc được bán ở VN có hình dáng tương tự như quýt Satsuma bên Nhật (Satsuma thật ra là giống quýt Unshu nhập từ Trung Quốc), nên quýt Trung Quốc bán ở VN rất có thể là giống quýt Unshu.
Như vậy, đến tháng 3 dương lịch thì không còn quýt Unshu tươi nữa, mà đã được thu hoạch từ tháng 2 rồi được bảo quản và bán qua Việt Nam, vì giống quýt này được thu hoạch đợt cuối vào tháng 2. Cho nên, ở VN quýt Trung Quốc bán từ tháng 4 đến hết tháng 10 là quýt đã được xử lý thuốc bảo quản. Trong khi quýt VN cho trái quanh năm, tươi, ngon, hợp khẩu vị, chỉ có điều giá còn cao. Nếu được tổ chức lại SX lớn, chắc chắn quýt VN sẽ nhiều hơn, giá sẽ rẻ hơn. Lúc đó, người có thu nhập kém không cần phải ăn quýt giá rẻ Trung Quốc như hiện nay.
Dây chuyền phân loại cam theo kích cỡ và độ ngọt
Thăm Trường Đại học Nông lâm Quốc gia Shizoula, ông giáo già Takagi cho biết, ở Nhật để hỗ trợ SX, Nhà nước sẽ đào tạo, hỗ trợ cho cả hệ thống SX mà trung tâm của hệ thống này là người nông dân. Cả hệ thống Viện và ĐH trực thuộc Trung ương, Viện trực thuộc tỉnh và Trung tâm Khuyến nông tỉnh liên kết rất chặt chẽ. Mỗi năm, họ đều ngồi lại với nhau để thông tin các kết quả đã làm được năm rồi, và thống nhất các vấn đề cần phải làm trong năm tới.
Việc làm này rất khác ở ta, đôi khi chúng ta cũng có ngồi lại giữa các cơ quan nghiên cứu và chuyển giao, nhưng không có thảo luận công việc nào sẽ được ai làm trong năm tới, mà phổ biến là mạnh ai nấy làm, thiếu sự liên kết. Trung tâm Khuyến nông tỉnh hoặc HTX sẽ chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật mới tới nông dân. Tất cả các cơ quan này, từ Trung ương đóng tại tỉnh cho đến các cơ quan trực thuộc tỉnh, liên kết chặt chẽ với nhau dưới sự hỗ trợ, chỉ đạo của Ủy ban tỉnh. Nông dân sẽ nhận các tiến bộ kỹ thuật mới từ các trung tâm thí nghiệm cấp tỉnh, Trung tâm Khuyến nông tỉnh và HTX.
Về các nghiên cứu mới, ông giáo cho biết các kết quả cho thấy các giống quýt có độ đường rất khác nhau, có giống có độ đường lên tới 18 độ brix. Ông cũng giới thiệu một kết quả khác về nghiên cứu hàm lượng β cryptoxan trong trái quýt, đây là chất chống ung thư, hàm lượng chất này rất khác nhau giữa các giống quýt, giống Unshu có hàm lượng chất này cao hơn các giống khác. Đặc biệt là cách tạo tán mới, cây sẽ cho tán rất thấp và trống ở giữa tán sẽ giúp tăng tỷ lệ trái.
Mô hình HTX tiêu thụ nông sản
Thăm nhà máy đóng thùng quýt xuất khẩu lớn tại tỉnh Nagoya của HTX Mikkabi (thuộc Liên hiệp HTX JA (Japan Agricultural Cooperative). Đây là HTX rất lớn ở Nhật chuyên đóng thùng quýt để xuất khẩu. HTX Mikkabi có đến 873 hộ, 1.200 ha quýt, bình quân 1,5 ha/hộ, năng suất bình quân 25 tấn/ha, lãi ròng bình quân 2,5 triệu yen/ha, tức khoảng 2,5 tỷ đồng/ha, hơn nhiều ở VN. Chúng ta chỉ lãi trung bình khoảng 200-300 triệu đồng VN/ha (nếu trồng cam sành hoặc quýt).
HTX có một nhà máy đóng thùng, tôi chưa từng được thấy nhà máy nào lớn cỡ này. Nhà máy có hệ thống thiết bị phân loại được từng trái chạy qua theo kích cỡ, và theo độ ngọt ở quy mô lớn hơn HTX Hainan hôm qua rất nhiều. Đóng gói xong, họ gửi quýt đi Canada, Thượng Hải, Tokyo ...
Thăm nhà máy xong, họ chở đoàn đến một vườn SX quýt 5 ha của một nông dân ở gần đó. Chủ vườn cho biết nhờ phủ bạt mà năng suất, độ đường, chất lượng tăng lên rõ rệt. Nhận xét về HTX Mikkabi này, tôi thấy quy mô nhà máy quá lớn. Tiếp tục thăm một siêu thị có bán nhiều dụng cụ nông nghiệp. Tôi thấy giá một cây giống cam, quýt là 998 yen (khoảng 13,3 đôla, tức hơn 270.000 đồng, gấp 12 lần VN). Cửa hàng bán đủ các loại nông sản do nông dân địa phương SX ra với giá rẻ nên người tiêu dùng đến mua rất đông.
Tiếp tục hành trình, chúng tôi bay xuống đảo Okinawa để tham quan, học tập về cây có múi ở Trung tâm Nghiên cứu Nông nghiệp Nago, thuộc Viện Nghiên cứu Nông nghiệp tỉnh Okinawa. Đảo Okinawa rất lớn nằm ở phía dưới nước Nhật (3 giờ bay từ Shizouka mới tới Naha). Đảo Okinawa nằm gần ở giữa Nhật và Đài Loan.
Giám đốc Sở Nông nghiệp tỉnh này cho biết, mía là cây trồng chính, sau đó là cây ăn trái như xoài, đu đủ, khóm, rau các loại, hoa cắt cành... Để khuyến khích du lịch, tỉnh có chính sách cung cấp dịch vụ với giá phải chăng, nhờ chính sách này, mỗi năm Okinawa thu hút hơn 6 triệu du khách.
Mô hình trái cây SX theo công nghệ cao của Nhật Bản
Đến thăm Viện Nghiên cứu Nông nghiệp tỉnh Okinawa. Viện trưởng Yoshifumi cho biết, do Okinawa thường xuyên có bão và hạn hán, nên họ phải trồng xoài, đu đủ, khế... trong nhà lưới để tránh gió.
Tiếp tục tham quan Trung tâm Nghiên cứu Nông nghiệp Nago (tỉnh Okinawa). Khác với Trung tâm Okitsu thuộc tỉnh Shizouka, ở đây họ chỉ có nghiên cứu ứng dụng. Tôi nghe báo cáo viên nói họ đã giải quyết được bệnh vàng lá ở một khu vực nằm trên một đồi cao ít người lui tới. Cách làm này cũng dễ, chặt hết nguồn bệnh và hỗ trợ cho nông dân cây giống sạch bệnh để trồng lại và tiếp tục cho thuốc trừ sâu để họ bảo vệ cây tiếp tục sạch bệnh.
Cách làm này thì đúng bài rồi, nhưng chúng ta không học được, vì ta không có kinh phí để hỗ trợ cây giống và thuốc bảo vệ thực vật như họ. Tôi thấy một Trung tâm Nghiên cứu trực thuộc một Viện của tỉnh mà họ được trang bị rất nhiều thiết bị nghiên cứu, nhiều hơn cả viện nghiên cứu quốc gia như Viện cây ăn quả miền Nam. Họ cũng không phải lo việc tìm thêm kinh phí để đủ trả tiền điện, nước, xăng và lo ăn trưa cho nhân viên như ở các viện của mình.
KINH NGHIỆM Qua chuyến đi, tôi thấy người Nhật đã làm tốt những việc sau đây: - Về nghiên cứu họ đã làm rất cơ bản, rất sâu, nhất là ở Trung tâm, Viện Nghiên cứu Trung ương và Trường ĐH Quốc gia Shizouka. - Nhưng những kết quả mà chúng ta có thể ứng dụng ngay là kỹ thuật canh tác làm cho trái cây ngọt hơn nói chung, và trái cam quýt nói riêng. - Họ tạo tán cây quýt rất thấp, và cho rất nhiều cành, điều này hoàn toàn khác với SX ở bên mình, cây cam sành cao lêu nghêu và rất ít cành nên hậu quả là năng suất ở ta thấp hơn ở Nhật. - Có những giống quýt có độ đường đến 18 độ Brix. Cần tiến hành tìm kiếm, rồi dùng làm cây cha trong lai tạo giống có độ đường cao. - Ngoài ra, cũng có thể rút ngắn thời gian lai tạo giống cây ăn quả nói chung và cây có múi nói riêng, bằng cách ghép cây F1 lên gốc ghép to, rút thời gian đánh giá con lai từ 6, 7 năm còn khoảng 3 năm. - Điều tuyệt vời nhất là sự liên kết giữa các cơ quan nghiên cứu và các cơ quan chuyển giao rất chặt chẽ, không có việc mạnh ai nấy làm. - Tôi ấn tượng nữa là hiệu quả của Liên hiệp HTX JA đối với nông dân rất cao. JA có cửa hàng bán lẻ khắp nơi to như siêu thị loại lớn, giúp nông dân trong vùng bán được sản phẩm. Nhờ JA giúp tiêu thụ sản phẩm tại chỗ, không mất chi phí di chuyển nên giá bán lẻ rất thấp, người mua rất đông. Mong sao Liên hiệp HTX hoặc hệ thống Coop- Mart của mình cũng mạnh như vậy để giúp nông dân tiêu thụ hàng hóa như JA. Điều này chắc không đến nỗi khó, nếu chính quyền từng địa phương hỗ trợ nông dân làm GAP, rồi liên hệ với Coop-Mart để giúp nông dân đưa nông sản vào siêu thị. Chúng ta đang thiếu một nhạc trưởng điều hành SX và tiêu thụ hàng hóa cho nông dân. Ở Nhật, vai trò này là của Nhà nước, còn ở ta, có người cho là vai trò của DN. - Giá bán tất cả các thứ hàng hóa ở Nhật đều được niêm yết công khai, cho nên dù là người ngoại quốc hay người bản xứ tất cả đều phải mua cùng một giá... |
Theo nongnghiep.vn