Những điều khó tưởng tượng
- Thứ tư - 20/06/2012 22:03
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Mỗi chai dầu 650ml được bán với giá 500 Đài tệ tương đương với khoảng 600.000 ngàn đồng/lít. Có lẽ đây là loại dầu ăn đắt giá nhất thế giới? Tiến sĩ Trần Lập An, một chuyên gia về trà của Đài Loan, thừa hưởng truyền thống hàng trăm năm trồng trà, chế biến trà của gia tộc ngay từ trong bào thai. “Trà ngon, nhìn trên mặt nước pha như có một lớp dầu mỏng tráng nhẹ”, chị truyền kinh nghiệm. Loại trà núi cao đó có giá tương đương 15 triệu đồng/kg nhưng dường như chỉ hợp khẩu vị của người Trung Quốc, thơm mà không có vị đậm, uống vào nhạt nhẽo chứ không chát rồi ngọt hậu như loại trà “cắm tăm” của người Việt.
Không đánh đổ được thói quen của khách ngoại, một loại trà khác được mang ra có tên lão trà tức trà để lâu năm. Loại trà này có màu sẫm, quý hơn nhiều so với cao sơn trà và đương nhiên giá cũng khủng hơn. Nó có vị như nước gạo cháy hay thậm chí như một số thành viên trong đoàn Việt Nam bảo là…trà mốc. Ở Đài Loan, trà không chỉ cam phận là trà mà còn thành dược phẩm, mỹ phẩm hảo hạng chăm sức khỏe, sắc đẹp. Mỹ phẩm từ trà xuất khẩu Châu Âu, Mỹ, Nhật là loại phối trộn với các thành phần tự nhiên khác, hoàn toàn không chứa có hóa chất, giá rất đắt. Một túi gồm dăm sáu món như son, gel tẩy, phấn trang điểm…tính ra tiền Việt khoảng 10 triệu đồng.
Trong lúc giới thiệu sản phẩm, một màn chiếu được hạ xuống, tiếng nhạc dập dìu nổi lên. Thật tự nhiên, bà giám đốc đã ngoài năm mươi tuổi bận cái váy thanh tú cùng nhân viên sải những bước chân điêu luyện như đang trên sân khấu của bước nhảy hoàn vũ. Hết nhảy, họ lại cầm míc hát say sưa những bài hát không hề trùng với đại lục. “Sang kưa hảo! Sang kưa hảo”. Hát tốt lắm! Hát tốt lắm! Tiếng vỗ tay và những lời nhận xét không hết trầm trồ vì thán phục. Người Đài có giọng thật khỏe, cao vút và phải nói là vượt trội so với số đông người Việt. Không biết có phải đó là kết quả của việc luyện thanh nhạc, tập khí công hay là bởi uống cao sơn trà, lão trà?
2. Khu thí nghiệm của tiến sĩ Lâm Quần Thịnh (gần thành phố Đào Viên) lại hấp dẫn đoàn chúng bởi những công nghệ có một không hai. Này cà dái dê, bình thường trồng một vụ, thu hoạch xong là tàn, giống cà mới của ông nghiên cứu trồng một lần thu trong 6 năm liên tiếp mới quy tiên. Nọ giống đu đủ có 200 quả đeo chĩu chịt từ gọn xuống gốc, nói không ngoa phải bới quả mới thấy được thân cây. Kia giống măng có tên 24 giờ bởi cắt cái măng này 24 giờ sau lại mọc cái măng khác, liên tục cho thu hoạch. Hơn thế, măng thông thường khi trồi lên khỏi mặt đất sẽ bị đắng, còn măng này thì không.
Măng 24 giờ
Ông Lâm còn giới thiệu loại nhãn phun chất đặc biệt, hạt teo lại gần như không có hay loại túi nylon giúp tăng thời gian bảo quản hoa quả gấp đôi, ba túi thông thường. Bữa ăn chiêu đãi, vị tiến sĩ bí hiểm lấy ra một chai nước to đổ vào cái âu đặt ngay trên bàn. Trước những cái mắt tròn vo, để quảng bá cho độ an toàn của loại dung dịch ông uống vài ngụm rồi đưa cho vài người trong đoàn uống: “Đây là nước năng lượng, hoàn toàn từ tự nhiên chứ không phải là hóa chất. Quả táo khi ăn một nửa không hết cho vào dung dịch này bảo quản sẽ tươi ngon được rất lâu”.
Một chùm nho được đưa ra, ngắt phân nửa bỏ vào chậu dung dịch. Mươi phút sau, chúng tôi thử ăn, nho có ngâm dung dịch cứng hơn, ăn có vị khác hơn chút so với nho không ngâm. Lại nữa, ông cầm bát tương đang dùng dở đổ nước năng lượng vào, lau bằng giấy vài lần, nó trở lại trắng bóc.
Sư phụ Trần không chỉ vần vô lăng giỏi mà còn tuyệt đỉnh công phu trong việc chế tác cây cảnh với 30 năm trong nghề, chiếm nhiều giải nhì, giải nhất Đài Loan trong các hội thi cây. Ngoài cây, ông còn có bộ sưu tập hàng ngàn cái ang chậu các loại. Tất cả đều có xuất xứ Nhật Bản. Những chậu mèng mèng nhất của ông có giá 3 vạn Đài tệ (tương đương 22 triệu đồng), chậu vừa vừa bé như bao thuốc lá nhưng giá tương đương cả khối vàng, 15 vạn Đài tệ (tương đương trên 100 triệu đồng), và kỷ lục nhất là chậu 230 vạn Đài tệ (tương đương 1,5 tỉ đồng). Những cái chậu mỏng tang, bé xíu. Những cái chậu thoạt trông chẳng có gì đặc biệt cho đến khi biết giá của nó, nhiều người chẳng dám sờ tay bởi sẩy một cái cả đoàn không còn tiền mà về đất mẹ. Tính ra sản nghiệp của sư phụ Trần cả cây lẫn chậu dễ có đến dăm bảy chục tỉ đồng. |
“Ngoài để bảo quản hoa quả nước năng lượng còn có thể dùng ngâm chân, làm đẹp da mặt, rửa kính sạch đến nỗi khi miết tay không còn tiếng kin kít”. Vừa nói, ông tiến sĩ nông nghiệp lạ thường còn trổ tài ảo thuật khi thì biến cơ thể mình thành cái nam châm hút được kim loại, bận lại lấy được cái dây chuyền dính vào ngón tay ông và ngón tay khách mà có cảm giác hai ngón tay chưa bao giờ lìa xa.
3. Rời đồng bằng, chúng tôi ngược núi, thăm khu thủy sản nước lạnh nằm giữa hai dãy Dương Minh Sơn và Kim Sơn, nơi có những con cá tầm nặng 1, 2 tạ tung tăng bơi lội. Nửa bên kia núi có những suối nước nóng bốc hơi nghi ngút như hỏa diệm sơn, nửa bên này nước trong và lạnh thấu xương là nơi những con cá tầm vùng vẫy. Tại đây kết hợp cả nuôi trồng thủy sản lẫn nhà hàng. Khách đến thích bắt con nào, chế biến các món cháo, gỏi, hấp, xào, nướng…đều được thỏa chí. Mỗi cân cá tầm giá tương đương 1,5 triệu đồng, gấp 5 lần giá ở Việt Nam.
Trần Vạn Thâm, ông chủ nông trường cá Cổ Đạo là người nuôi cá số 1 ở Đài Loan với một cơ sở nuôi cá nước lạnh, một cơ sở nuôi cá thông thường. Ở Đài Loan có 5 đơn vị nuôi cá quy mô và hợp pháp, 3 nước mặn và 2 nước ngọt, trong đó có ông Thâm. Hết xem cá, chúng tôi ghé thăm nhà sư phụ Trần Nghênh Tống (ở Đài Bắc). Cũng như Trung Quốc, Đài Loan hay gọi lái xe là sư phụ. Sư phụ Trần dáng đậm, thô và chậm chạp. Suốt mấy ngày đưa chúng tôi đi, ông chỉ mặc quần soóc, đi dép lê, cười suốt buổi. Bữa ăn sư phụ khoái gọi đậu phụ và cố phiên âm cho tôi cái món đặc sản “tâu phu” quốc hồn, quốc túy ấy.
Vườn cây cảnh trên nóc nhà
Tưởng là một người nhạt, ai ngờ về đến nhà ông, cả đoàn bỗng chực… ngã bổ chửng. Trên sân tầng hai và tầng thượng nhà ông là cả vườn bon sai. Người Đài Loan và Nhật Bản không chơi cây cảnh khai thác từ thiên nhiên về và cũng không chơi dạng cây khổng lồ như ở Việt Nam. Vườn cây của sư phụ Trần có những cây trà cả 100 tuổi và nhiều nhất là thông. Những cây thông muôn hình vạn trạng, hết thế trực rồi thế hoành, hết thác đổ lại đến phong ba. Kinh ngạc nhất là loại thông đặt vừa trong lòng bàn tay tuổi đời 30-40, thân gỗ có chỗ lộ cả vân, có thân tưởng như chết đến phân nửa.