Những nông dân đời mới "bắt tay" với khoa học kỹ thuật
- Chủ nhật - 30/11/2014 22:10
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Bắt tay với khoa học kỹ thuật
Nằm bên dòng sông Côn hiền hòa, trù phú, huyện Tây Sơn được thiên nhiên ban tặng cho dải đất phì nhiêu, màu mỡ. Trên nền đất giàu phù sa ấy, làng rau Thuận Nghĩa ra đời. Có tiếng trong vùng nhưng rau Thuận Nghĩa vẫn chưa thể khẳng định được thương hiệu để vươn xa. Chủ nhiệm HTX Thuận Nghĩa, ông Quách Văn Cầu nhớ lại: “Có tiếng là vùng đất mỡ màng, trồng thứ gì cũng xanh tốt, nhưng từ năm 2000 trở về trước, địa phương vẫn có đến hàng trăm hécta đất bị bỏ hoang. Thời đó, chuyện người nông dân biết ứng dụng KHKT vào sản xuất hiếm hoi lắm! Việc trồng trọt chủ yếu là dựa vào kinh nghiệm, thói quen là chính. Thậm chí, việc lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật trong trồng trọt không phải là ít”.
Chuyện tương tự cũng xảy ra ở làng rau Luật Chánh, xã Phước Hiệp, huyện Tuy Phước. Tập quán canh tác “được - mất nhờ trời” vẫn cứ bám riết lấy người nông dân. Cách tiếp cận, khai phá vùng đất màu mỡ để phát triển sản xuất một cách phù hợp nhất, bà con vẫn còn rất mù mờ. Câu chuyện “làm trước - ăn sau” hoặc “làm rồi, trắng tay” cứ thế lặp đi lặp lại trong nghiệp nhà nông.
Đầu năm 2011, được sự hỗ trợ của Cơ quan Phát triển quốc tế New Zealand thông qua Dự án Sinh kế nông thôn bền vững, Ban quản lý dự án đã chọn “mảnh đất” Thuận Nghĩa và Luật Chánh để thành lập các nhóm cùng sở thích sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP. Cùng với đó, nhà tài trợ còn tổ chức đào tạo, hướng dẫn nông dân các quy trình sản xuất theo kỹ thuật mới. Như “diều gặp gió”, bà con nơi đây xắn tay vào xây dựng mô hình. Lúc ấy, Thuận Nghĩa có 28 hộ nông dân mạnh dạn tham gia trồng rau an toàn, đồng sản xuất trên 1ha. Tại thời điểm này, ở thôn Luật Chánh, xã Phước Hiệp cũng có 27 nông dân tham gia nhóm cùng sở thích thực hiện thành công mô hình trồng rau an toàn trên diện tích 2ha. Ông Trần Thế Vinh, nông dân trực tiếp tham gia trồng rau, cho biết: “Nhờ sự đào tạo, hướng dẫn của các cán bộ kỹ thuật, qua áp dụng các quy trình sản xuất chuẩn theo tiêu chuẩn VietGAP, người trồng rau nhận thấy sản xuất theo hướng rau an toàn đã giảm được chi phí đầu tư nhờ bón phân cân đối và phòng trừ sâu bệnh đúng cách, đúng thời điểm.
“Chìa khóa” xây dựng nông thôn mới
Nói về hiệu quả kể sau khi “bắt tay” với cách làm mô hình rau VietGAP tại địa bàn, ông Quách Văn Cầu- Chủ nhiệm HTX Thuận Nghĩa, hồ hởi: “Hiệu quả từ cách làm khoa học này mang lại thể hiện rất rõ. Quan trọng hơn, ý thức về việc trồng rau sạch người nông dân ngày được nâng cao”.
Để chứng thực hiệu quả như lời nói của vị Chủ nhiệm HTX, lão nông Đào Văn Minh (54 tuổi, ở tổ 2, khối Phú Phong, thị trấn Phú Phong) chỉ tay về 900m2 đất đang dùng để canh tác cải ngọt theo mô hình VietGAP mà ông học tập và áp dụng trước đó. Ông nói chắc bắp: “1 sào đất trồng cải ngọt vừa thu hoạch cách đây 3 ngày, năng suất đạt 3 tạ (300kg). Giá bán cao hơn rau thông thường từ 20-30%”.
Thấy được hiệu quả từ mô hình sản xuất rau VietGAP, ngày càng có nhiều gia đình tham gia. Đến nay, tại khối Thuận Nghĩa, thị trấn Phú Phong đã có tất cả 65 hộ dân tham gia. Làng rau Luật Chánh, đến nay có 84 hộ tham gia sản xuất VietGAP trên diện tích 6,5ha. Kết quả sản xuất tại các cánh đồng rau ngày càng được nâng cao, từng bước hình thành những cánh đồng chuyên canh cho thu nhập từ 150 - 200 triệu đồng/ha/năm.
Trên con đường đi đến thành công, ngoài đức tính cần cù, chăm chỉ làm ăn của mỗi nông dân, yếu tố KHKT là rất quan trọng. Những thành quả của các làng nghề trồng rau xanh ở Thuận Nghĩa, Luật Chánh, làng chăn nuôi bò vỗ béo Cù Lâm đã minh chứng cho điều đó. Đây cũng là động lực quan trọng, “chìa khóa” giúp các địa phương trong tỉnh xây dựng thành công Chương trình xây dựng nông thôn mới.
Nguồn: Báo An Giang Online