Những nông dân "trong cái khó, ló cái khôn"

Những nông dân "trong cái khó, ló cái khôn"
Không có tiền đầu tư hệ thống công nghệ cao như các doanh nghiệp nhưng các bác, các anh chị nông dân vẫn có cách riêng của mình để làm “trang trại thông minh” trong điều kiện của mình, nâng chất lượng sản phẩm lên mà giá thành lại giảm xuống.
 
Sản xuất sạch

Anh Phạm Văn Tiếu ở ấp Phú Lợi C, xã Phú Kiết, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang sau nhiều đợt dịch cúm gia cầm làm đàn gà ác nhà anh chết lên chết xuống, đã “ngộ” ra rằng, phải bỏ cách nuôi truyền thống, hướng tới sản xuất sạch, theo hướng an toàn sinh học.

Trước tiên anh phải bỏ nguồn gà giống cũ, tìm mua nguồn giống mới tốt, chất lượng, bảo đảm không nhiễm bệnh. Sau đó anh thay toàn bộ nguồn nước và nguồn thức ăn cho gà. Nước phải dùng nguồn nước sạch cho người uống. Thức ăn thì tìm đến các nhà máy lớn, uy tín và hợp đồng đặt hàng loại thức ăn riêng không có kháng sinh cho đàn gà của mình. Anh còn tình nguyện tham gia vào mô hình chăn nuôi an toàn sinh học của tỉnh để được hướng dẫn cách nuôi, phòng ngừa dịch bệnh và chích ngừa cho gia cầm đầy đủ. 
Chi phí thuốc men, thức ăn không có kháng sinh có mắc hơn thức ăn thông thường chút đỉnh nhưng bù lại đàn gà nhà tôi hơn một năm nay không hề bị bệnh gì cả nên tính ra lời hơn. Hai năm trước bị dịch bệnh, đàn gà chết nhiều, gầy lứa mới cũng chết, lỗ cả trăm triệu đồng thì năm nay, đàn gà ác cũng với quy mô 4.000 con như thế chăn nuôi theo hướng sản xuất sạch, tôi lời được gần 300 triệu đồng” – anh Tiếu cho biết.

 

Hộ nuôi heo của anh Đậu Trọng Vân ở huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai
đang thực hiện theo mô hình chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP và tự trộn thức ăn. 

 

“Cao tay” hơn, nhiều nông dân ở ĐBSCL còn kiêm cả chức thầy thuốc chữa bệnh cho đàn gia cầm của mình. Chẳng hạn ông Trần Nguyễn Hồ ở xã Long An, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang nổi tiếng là “vua” chim cút của cả vùng với đàn cút cả triệu con, xuất khẩu cả trứng cút qua Nhật. Nhưng mấy ai biết ông cũng chính là bác sĩ chữa bệnh cho đàn cút của mình, khi tự bản thân ông phải mày mò nghiên cứu hàng trăm loại kháng sinh khác nhau để tìm được một loại kháng sinh phù hợp cho đàn cút của mình. 
 

Trang trại nuôi chim cút với hệ thống chuồng trại tự chế
của ông Trần Nguyễn Hồ ở Châu Thành, Tiền Giang.

Ông Hồ tâm sự, nuôi chim cút còn khó hơn nuôi bà đẻ con so đầu lòng, trái gió trở trời tí là bệnh. Ông đã từng mấy đợt vì bị dịch bệnh tràn qua càn quét chết sạch đàn cút dù đã chích ngừa đầy đủ. Trắng tay, nên khi gầy dựng lại đàn cút ông phải đi vay mượn tiền khắp nơi. Thiếu vốn, ông phải tự mình mày mò thiết kế hệ thống chuồng trại, rồi tự chế thức ăn, thuốc kháng sinh riêng cho đàn cút của mình. “Không có đủ tiền nên thời gian đầu tôi phải xây chuồng trại dưới những hàng dừa để nhờ bóng dừa che bớt nắng, làm mát chuồng trại thay cho hệ thống phun sương. Thuốc phun xịt sát trùng chuồng trại thì tôi dùng các bài thuốc dân gian như gừng, sả hoặc vôi để thay thế. Nói chung trong cái khó ló cái khôn thôi” – ông Hồ cười ha hả.

Trăm cách sáng tạo của nông dân

Nhằm hướng tới mục tiêu sản xuất sạch nhưng không tốn quá nhiều tiền, các bác nông dân đã nghĩ ra rất nhiều cách thông minh để hạ giá thành sản xuất. Trong đó, một trong những cách khá phổ biến hiện nay là tự trộn thức ăn cho đàn heo, gà của mình.

Anh Đậu Trọng Vân ở xã Xuân Phú, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai cho biết, khoảng nửa năm nay, anh tự trộn thức ăn cho đàn heo nhà mình, giá thành nhờ đó giảm hơn 200.000 đồng/con heo so với dùng thức ăn công nghiệp. Thức ăn phối trộn được anh tận dụng từ nguồn cám gạo, sẵn có cùng các loại bột bắp, sắn và cám đậm đặc. Đàn heo ăn tốt, khỏe mạnh và tăng trọng đều như nuôi bằng cám tổng hợp.

So với giá của các loại cám tổng hợp hiện bán trên thị trường thì giá thành 1kg thức ăn tự phối trộn rẻ hơn từ 2.000 - 3.000 đồng. “Hiện trang trại của gia đình tôi duy trì thường xuyên 15 con heo nái, 60 con heo thịt, mỗi lứa heo từ khi nuôi đến khi xuất chuồng ăn hết 12 tấn thức ăn. Từ khi chuyển sang nuôi bằng thức ăn phối trộn, bình quân mỗi lứa nuôi gia đình tôi tiết kiệm được hơn 12 triệu đồng tiền thức ăn. Heo ăn nguồn thức ăn tự nhiên này tôi thấy thịt cơ còn chắc hơn thức ăn công nghiệp” – anh Vân nhận định.

Trong khi đó, để tạo ra mùi vị thịt thơm ngon và đặc biệt hơn các loại thịt khác, anh Nguyễn Thanh Liêm ở xã Lương Hòa Lạc, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang còn có bí quyết đặc biệt: Trộn thêm thảo mộc và… sữa bột của em bé vào thức ăn cho đàn gà tre của mình. Thảo mộc vừa tạo ra vị lạ cho thịt gà, vừa còn có tác dụng là bài thuốc kháng sinh tự nhiên giúp gà chống chọi với bệnh tật. Còn sữa bột của em bé được anh thêm vào thức ăn cho gà trong giai đoạn cuối để thịt gà thêm vị thơm, béo bùi của sữa. Nhờ đó, gà nhà anh tạo được thương hiệu riêng, luôn luôn “cháy hàng”, nhất là trong dịp lễ tết. Hiện mỗi ngày anh xuất bán tới 600 – 700 con mà vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu của bà con, trong khi giá bán có rẻ đâu, tới hơn 200.000 đồng/kg loại đã làm thịt, đóng gói sạch sẽ.

“Sở ủng hộ mô hình thông minh này”

Ông Phan Minh Báu - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Đồng Nai cho biết, Sở ủng hộ và đang đẩy mạnh mô hình trang trại thông minh mà người chăn nuôi Đồng Nai đang thực hiện, theo hướng sản xuất sạch theo tiêu chuẩn VietGAHP và tự trộn thức ăn để giảm giá thành. Hiện toàn tỉnh đang có khoảng 1.040 hộ chăn nuôi đang làm theo mô hình này và đã có 279 hộ đạt được chứng nhận VietGAP (thực hành chăn nuôi tốt với 29 tiêu chí chăn nuôi rất khắt khe đảm bảo an toàn về chất lượng, vệ sinh thực phẩm lẫn môi trường).

Nguyên Minh
Theo danviet.vn