Nông dân Hà Tĩnh nuôi gà sạch, thương lái mua tận vườn
- Thứ tư - 13/03/2019 05:00
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Khi bạn hàng ngày càng rộng mở, năm 2015 chị Hồ Thị Tình (thôn Tân Phong, xã Thạch Bàn, Thạch Hà) quyết định thành lập trang trại chăn nuôi quy mô hàng ngàn con. Nuôi số lượng lớn nên trang trại luôn đặt chất lượng nguồn giống và công tác phòng chống dịch bệnh lên hàng đầu.
Chị Tình cho hay: “Hiện tại, chúng tôi đang nuôi 2.200 gà thịt và lượng lớn gà giống. Gà đảm bảo chất lượng, giá cả hợp lý nên khách quen đặt mua đều đặn. Doanh thu từ gà mỗi năm của gia đình khoảng 500 triệu đồng”.
Kinh nghiệm nuôi gà hàng chục năm là điều kiện để gia đình anh Nguyễn Văn Châu (xóm Tân Văn, xã Thạch Văn, Thạch Hà) phát triển chăn nuôi quy mô lớn. Anh Châu chia sẻ: “Hiện tại, gia đình đang nuôi trên 1.000 con gà thịt. Thường xuyên tiêu độc khử trùng, vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, tiêm phòng vắc – xin đầy đủ và tuân thủ quy trình chăm sóc khoa học nên gà phát triển tốt, không xảy ra dịch bệnh. Giống gà cỏ Hà Nội lại được nuôi theo hình thức thả vườn, thịt thơm ngon nên thương lái tìm mua tận nhà, giá cả cũng tương đối”.
Ông Nguyễn Văn Bằng – Phó Chủ tịch UBND xã Thạch Văn cho biết: “Những năm gần đây, chính quyền địa phương triển khai nhiều chính sách hỗ trợ chăn nuôi, trong đó có chăn nuôi gà nên bà con phấn khởi đầu tư chuồng trại, mua thức ăn, tăng đàn. Hiện tại, tổng đàn gà của xã đạt trên 60.000 con/lứa. Điều phấn khởi là nếu như nhiều địa phương xảy ra tình trạng cung vượt cầu thì ở Thạch Văn, người dân nuôi gà đến đâu, thương lái thu mua đến đó. Thậm chí, thương lái phải đặt trước cả tháng trời".
Không chỉ Thạch Hà mà vùng bãi ngang Cẩm Xuyên cũng phát triển mạnh chăn nuôi gà, nhất là xã Cẩm Hòa. Từ thực tế ngư trường ngày một khó khăn, diện tích đất nuôi tôm ngày càng thu hẹp bởi nhiều lý do đã khiến cuộc sống của người dân thôn Phú Hòa (Cẩm Hòa) trở nên bấp bênh.
Hướng đi mới đã mở vào năm 2010 khi một gia đình trên địa bàn đưa gà về nuôi thử nghiệm thành công và đến nay mô hình đã được nhân rộng. Hiện riêng thôn Phú Hòa có 115 hộ thì có gần 80% hộ nuôi gà trên cát với số lượng từ vài trăm con trở lên. Đặc biệt, có hơn 20 hộ nuôi quy mô trên 1.000 con. Nghề phụ này từ nhiều năm nay đã trở thành nguồn thu chính cho cuộc sống bà con vùng ven biển.
Chị Trương Thị Thông - Chủ nhiệm tổ hợp tác nuôi gà thôn Phú Hòa cho biết: “Để hỗ trợ nhau trong chăn nuôi cũng như tìm kiếm đầu ra, năm 2011, tổ hợp tác được thành lập với 36 thành viên. Ngoài hỗ trợ con giống, kỹ thuật nuôi, cách phòng chống dịch bệnh, chúng tôi còn thành lập quỹ tiết kiệm. Đến nay, nguồn quỹ của tổ khoảng 200 triệu đồng, số tiền này được chúng tôi dành cho các tổ viên có hoàn cảnh khó khăn vay để mở rộng quy mô chăn nuôi”.
Thực tế cho thấy, mô hình chăn nuôi gà ở nhiều địa phương Hà Tĩnh tiếp tục phát triển nhanh và cho thấy tính hiệu quả, bền vững. Đặc biệt, ngày càng xuất hiện nhiều mô hình trang trại, gia trại chăn nuôi quy mô lớn với hàng ngàn con/lứa. Chăn nuôi gà góp đã phần quan trọng vào công cuộc xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới của các địa phương.
Theo Phương Trâm Ngọc/baohatinh.vn