Nông dân chế tạo thành công máy thu gom rơm

Những ngày qua, nhiều nông dân ở huyện Châu Thành A, huyện Phụng Hiệp... cảm thấy thích thú và tò mò khi lần đầu tiên thấy chiếc máy thu gom rơm đang hoạt động trên cánh đồng của mình. Đó là chiếc máy do anh Võ Văn Công, một nông dân ở ấp Tân Phú, xã Tân Bình, huyện Phụng Hiệp tự tay chế tạo và đang hoạt động rất hiệu quả.
Mỗi ngày, chiếc máy của anh Công thu gom được từ 25-30 công rơm.

Không chỉ người dân ở 2 địa phương trên mà bất cứ ai khi lần đầu tiên bắt gặp chiếc máy thu gom rơm của anh Công đang hoạt động cũng đều cảm thấy lạ và tạo sự tò mò. Tuy là một nông dân chân chất, nhưng nhờ qua lớp đào tạo cơ khí và bản thân cũng có lòng đam mê nghiên cứu nên sau nhiều năm ấp ủ và trải qua một thời gian khá dài để chế tạo, cuối cùng, chiếc máy thu gom rơm của anh Công đã chính thức đi vào hoạt động thử nghiệm từ vụ lúa Thu đông vừa qua và đã hoàn thiện hơn trong vụ lúa Đông xuân này. Anh Công chia sẻ: “Khi thấy bà con thu gom rơm bằng thủ công vừa tốn công sức nhưng hiệu quả không được bao nhiêu. Mặt khác, nhiều hộ không thu gom rơm thường có thói quen đốt đồng ở vụ Đông xuân và cày vùi ở vụ Hè thu và Thu đông, từ đó gây ô nhiễm môi trường và ngộ độc hữu cơ cho cây lúa về sau. Xuất phát từ nguyên nhân đó nên tôi đã nảy sinh ý định chế tạo máy thu gom rơm để giải quyết những vấn đề khó khăn trên”.

Chiếc máy thu gom rơm được anh Công chế tạo từ việc tận dụng những chiếc máy gặt đập liên hợp đã lỗi thời, được bà con bán lại với giá rẻ, sau đó anh cải tiến thành máy thu gom rơm rất tiện lợi và hiệu quả. Chiếc máy có cấu tạo khá giống với chiếc máy gặt đập liên hợp, bao gồm: phần đầu (còn gọi là hàm) dùng để hốt rơm có bề ngang 1,2m; tiếp đến là bộ phận máy và bộ điều khiển; còn phía sau là phần để chứa rơm. Do được tận dụng lại từ những chiếc máy gặt đập liên hợp cũ nên tổng chi phí để hoàn thành chiếc máy thu gom rơm khoảng 130 triệu đồng.

Với chiếc máy thu gom rơm của mình, mỗi ngày anh Công thu gom từ 25-30 công rơm, nhanh hơn rất nhiều so với làm thủ công và tỷ lệ rơm được hốt sạch trên ruộng đạt từ 80-90%. Ông Nguyễn Văn Hậu, nông dân ở ấp 4A, xã Tân Hòa, huyện Châu Thành A, cho biết: “Đây là lần đầu tiên tôi thấy chiếc máy thu gom rơm rất tiện lợi và hiệu quả. Với lượng rơm hốt sạch trên ruộng sẽ giúp nông dân giải quyết được bài toán về tình trạng ngộ độc hữu cơ, nhất là trong vụ lúa Hè thu và Thu đông”.

Trước đây, trên địa bàn tỉnh cũng đã xuất hiện một chiếc máy cuộn rơm của người dân địa phương khác đem về, tuy nhiên, chỉ hoạt động được một vụ rồi không thấy nữa. Việc xuất hiện chiếc máy của anh Công trên nhiều cánh đồng hiện nay đã khiến bà con nông dân rất mừng. Theo anh Công, nếu so với chiếc máy cuộn rơm thì chiếc máy thu gom rơm của anh có nhiều tiện lợi hơn khi không cần dùng dây để bó rơm lại và không phải tốn công tháo dây ra, cọng rơm bó thành cuộn thường bị dập nên khi chất nấm rơm sẽ không trúng,…

Ngoài giúp người dân vệ sinh đồng ruộng, chiếc máy thu gom rơm còn giúp anh Công có nguồn thu nhập đáng kể. Hiện anh mua rơm của người dân với giá 50.000 đồng/công, sau khi thu gom lại thành đống sẽ bán lại cho thương lái với giá 190.000 đồng/công, sau khi trừ chi phí, mỗi ngày anh Công kiếm nguồn lợi nhuận từ 2-3 triệu đồng. Riêng vụ Hè thu và Thu đông, nguồn lợi nhuận nhiều hơn vì 2 vụ này bà con thường cho rơm chứ không bán.

Hiện nay, Hậu Giang là một trong những địa phương có diện tích đất trồng lúa nhiều ở ĐBSCL, với diện tích gieo sạ hàng năm trên 200.000ha. Những năm gần đây, với việc đưa cơ giới hóa vào sản xuất lúa, nhất là trong giai đoạn thu hoạch, từ đó có một lượng rơm khá lớn bà con phải bỏ đi. Vì vậy, chiếc máy thu gom rơm mà anh Công sáng kiến và đưa vào sử dụng được xem là một bước tiến mới trong việc cơ giới hóa sản xuất lúa, khi vừa giúp vệ sinh đồng ruộng tốt hơn, vừa mang lại giá trị tăng thêm cho nhà nông sau mỗi vụ thu hoạch lúa…

Nguồn: Báo Hâu Giang