Nông dân chưa mặn mà với khoa học kỹ thuật

“Với quy mô ruộng đất nhỏ của các hộ nông dân như hiện nay, nếu biết cách tổ chức sản xuất, chúng ta vẫn có được những vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, áp dụng KHKT đồng bộ để tạo khối lượng hàng hóa lớn và đồng đều về chất lượng, đáp ứng nhu cầu thị trường, nâng cao thu nhập cho nông dân”.

 

TS Phan Huy Thông - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông (KN) quốc gia nói như vậy trong cuộc trả lời phỏng vấn của Báo NTNN nhân dịp Trung tâm này sắp kỷ niệm tròn 20 năm hoạt động.

 

Tích cực tham gia quy hoạch sản xuất

Ông có thể cho biết những kết quả mà KN đã đạt được trong thời gian vừa qua, nhất là trong Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) hiện nay?

- Thứ nhất: Hệ thống KN nhất là KN địa phương và cơ sở đã tích cực tham gia ngay từ khâu quy hoạch xây dựng nông thôn mới cấp xã. Với vai trò tư vấn, đào tạo và chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân, hệ thông KN chủ động tham gia vào khâu quy hoạch, sản xuất nông nghiệp; đề xuất những lĩnh vực, sản phẩm có lợi thế, để phát huy thế mạnh, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu sản xuất của địa phương.

Khi đã có quy hoạch sản xuất, cán bộ KN hướng dẫn, hỗ trợ nông dân lựa chọn các tiến bộ kỹ thuật phù hợp, thay đổi tập quán sản xuất theo hướng tiến bộ, cung cấp thông tin thị trường để giúp nông sản xuất và tiêu thụ sản phẩm đạt hiệu quả kinh tế và thu nhập cao.Thứ hai, hướng phát triển của nông nghiệp hiện nay được đặt ra là đi từ sản xuất nhỏ lẻ sang sản xuất hàng hóa, từ sản xuất lạc hậu sang áp dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại. Từ chỗ sản xuất riêng lẻ sang phối hợp giữa các hộ gia đình; giữa nông dân, doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước và nhà khoa học. Trong các mối liên kết đó, ngành KN đóng vai trò kết nối.

Không chỉ tổ chức sản xuất, ngành KN còn đóng góp cho Chương trình NTM trong việc nâng cao nhận thức của người nông dân. Thứ nhất là cung cấp cho nông dân những kiến thức, kỹ năng, các quy định của Nhà nước về sản xuất nông nghiệp. Thậm chí, ngành KN còn góp phần thay đổi nhận thức, giúp bà con bảo vệ môi trường sống, văn hóa của chính họ. Chẳng hạn, cán bộ KN đã luôn hướng dẫn, khuyến cáo bà con nông dân nuôi cá, nuôi tôm không xả nước tự do ra môi trường để tránh ảnh hưởng đến cộng đồng; sản xuất nương rẫy không đốt phá rừng.

Ông đánh giá thế nào về trình độ canh tác của nông dân Việt Nam so với các nước?

- So với các nước trong khu vực, trình độ nông dân chúng ta khá cao, đặc biệt là trong trồng lúa. Năng suất lúa của Việt Nam so với các nước trong khu vực, kể cả Thái Lan cũng cao hơn. Thủy sản, gia cầm cũng là thế mạnh. Tuy nhiên, đối với một số nông sản như gia súc gồm trâu bò, lợn... thì chưa bằng Thái Lan hay Indonesia.

Công ty Cường Tân (Nam Định) tổ chức cho nông dân sản xuất dưa bao tử quy mô lớn ngay trên các thửa ruộng nhỏ của họ.

Nhìn chung, những loại chúng ta có thế mạnh, có kinh nghiệm thì kỹ thuật canh tác rất cao. Tuy nhiên, hạn chế ở đây là do quy mô sản xuất còn nhỏ nên nông dân chúng ta không chú tâm đến nâng cao khoa học kỹ thuật. Ở các nước, mỗi trang trại từ rộng từ 50-70ha; mỗi ha nâng năng suất lên được vài tạ thì tổng giá trị nâng lên rất lớn. Nếu chúng ta chỉ có 1- 2ha thì đầu tư khoa học kỹ thuật cũng không hiệu quả; trong khi đầu tư cho khoa học kỹ thuật lại không nhỏ. Có nhiều công nghệ chỉ quy mô lớn mới đầu tư được.

Trong khi đó, thị trường hiện nay cần số lượng hàng hóa lớn, đồng đều trong một thời gian nhất định. Điều đó khiến nền nông nghiệp quy mô nhỏ khó có thể thực hiện được, sản phẩm tiêu thụ khó khăn, giá thành thấp.

Sản xuất tập trung trên ruộng đồng manh mún

Như ông nói, điểm yếu lớn nhất là nền nông nghiệp hiện nay là manh mún. Trong xây dựng NTM hiện nay, các địa phương đang tiến hành dồn điền đổi thửa rầm rộ nhưng chưa có được những thửa ruộng rộng trên 1ha hay hàng chục ha. Ông có thể đánh giá hiệu quả của biện pháp này trong việc hình thành nền sản xuất quy mô lớn?

- Tôi cho đây là một tiền đề rất quan trọng để hình thành nên nền sản xuất tập trung mang tính chất hàng hóa. Ở đây, tôi chưa đề cập đến việc sản xuất quy mô lớn vì ở Việt Nam, để nông dân chuyển đổi nghề, tập trung ruộng đất quy mô lớn còn là một quá trình lâu dài.

Việc dồn điền đổi thửa hiện nay sẽ giúp cho nông dân có được những thửa ruộng lớn hơn. Nhưng sau đó phải là các biện pháp tổ chức sản xuất để có được nền nông nghiệp hàng hóa. Chẳng hạn như Nhật Bản, các thửa ruộng của họ cũng nhỏ, nhưng trên cùng các khu ruộng đó, các nông dân cùng sản xuất một loại hàng hóa, cùng một kỹ thuật để tạo ra một loại sản phẩm đồng đều. Như vậy, chưa cần cánh đồng lớn vẫn tạo ra nông nghiệp hàng hóa. Đây cũng là cách để chúng ta làm.

Nói về vai trò của ngành KN trong công cuộc xây dựng nông thôn, đặc biệt là Chương trình xây dựng NTM hiện nay, TS Phan Huy Thông đánh giá: Nông thôn mới là phong trào rộng lớn, là cuộc cách mạng đối với nông thôn để xây dựng nông thôn giàu đẹp, văn minh, hiện đại nhưng vẫn gìn giữ được bản sắc văn hóa dân tộc. Một trong những tiêu chí quan trọng của nông thôn mới là phát triển sản xuất để nâng cao thu nhập cho nông dân. Đây cũng chính là nhiệm vụ quan trọng và xuyên suốt của các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể và ngành NNPTNT từ T.Ư đến cơ sở, trong đó hệ thống khuyến nông là lực lượng chủ lực.
Hiện nay, Trung tâm KN quốc gia đang triển khai các mô hình cánh đồng mẫu, cánh đồng mẫu lớn để thực hiện cách làm này. Các mô hình này sẽ nâng cao nhận thức của nông dân và là điển hình về trình diễn kỹ thuật. Trong các mô hình này, chúng tôi cũng tạo ra mối liên kết giữa nông dân, địa phương, các nhà đầu tư và nhà khoa học. Các cánh đồng này không cần rộng đến hàng chục ha mà chỉ cần vài ha cũng có thể làm được; các cánh đồng hàng trăm, hàng nghìn ha sẽ là các bước tiếp theo.

Trong các kỳ họp Quốc hội gần đây, các đại biểu Quốc hội “ví” nông nghiệp nước ta vẫn như thời kỳ tự cung tự cấp, một sản phẩm nông nghiệp hầu như ở tỉnh nào cũng có, một tỉnh có đến trăm nghìn sản phẩm. Ông bình luận thế nào về những ý kiến này?

- Tôi chia sẻ quan điểm như vậy của các đại biểu Quốc hội. Tuy nhiên, đặc thù của nông nghiệp Việt Nam là nông nghiệp nhiệt đới, tính đa dạng rất cao. Ở các nước ôn đới, thời tiết, khí hậu trong năm thay đổi rất ít; còn ở Việt Nam, thời tiết thay đổi liên tục, trong các tiểu vùng rất khác nhau.

Vì thế, không thể nói một cách tuyệt đối rằng, trong một vùng phải nuôi trồng một loại cây, con nhất định. Chúng ta chỉ quy hoạch được trong một vùng có một số cây, con chủ lực; nhưng ở các khu vực nhỏ hơn không thể chỉ trồng, nuôi một loại cây, con đó. Chẳng hạn, ở đồng bằng sông Cửu Long, chúng ta quy hoạch 3 sản phẩm chính là lúa, thủy sản và cây ăn trái. Nhưng các vùng như miền núi phía Bắc, đồng bằng sông Hồng hay miền Trung không thể quy hoạch cứng như vậy được.

Ở Trung Quốc, Bộ Nông nghiệp của họ quy hoạch 9 loại cây trồng chủ lực trên cả nước. Xuống đến từng tỉnh, họ khống chế tối đa 3 cây chủ lực trong 9 cây quốc gia. Cấp huyện có thể chỉ chọn một cây quốc gia và vẫn trồng những loại cây thế mạnh ở địa phương.

Như vậy vừa đảm bảo được sản xuất quy mô lớn nhưng vẫn đảm bảo được tính đa dạng tương đối trong sản xuất. Nông nghiệp khác với công nghiệp, phải có tỉnh đa dạng phù hợp với thời tiết, thổ nhưỡng.