Nông nghiệp ĐBSCL chuyển mình với công nghệ 4.0 (Bài 1: Giải mã ưu thế "vàng" vùng châu thổ)
- Thứ năm - 25/10/2018 03:02
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Với diện tích tự nhiên khoảng 3,96 triệu ha, ĐBSCL đóng góp khoảng 27% vào GDP của cả nước, trong đó khu vực I chiếm khoảng 40%. ĐBSCL chiếm 50% sản lượng lúa gạo, 65% sản lượng thủy sản, 70% sản lượng trái cây các loại và ngành trồng trọt, nuôi trồng thủy sản có nhiều cơ hội để phát triển. Gạo, tôm và cá tra là 3 sản phẩm có đóng góp đáng kể vào kim ngạch xuất khẩu quốc gia với trên 1 tỉ USD mỗi năm. Từ những lợi thế này, nông nghiệp ĐBSCL đã và đang nhận được nhiều mối quan tâm từ các nhà khoa học, chuyên gia và nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn tham gia đầu tư.
"Vựa lương thực" quốc gia
Diện tích trồng lúa hàng năm của ĐBSCL khoảng 4,2 triệu ha với sản lượng lúa đạt trên 25 triệu tấn, chiếm trên 56% sản lượng lúa cả nước, đóng góp gần 90% tổng sản lượng gạo xuất khẩu. Tiến sĩ Trần Ngọc Thạch, Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL, chia sẻ: Với ưu đãi của thiên nhiên, ĐBSCL là vựa lúa lớn nhất Việt Nam, góp phần đảm bảo an ninh lương thực, ổn định kinh tế-xã hội và đưa lúa gạo trở thành nông sản xuất khẩu chủ lực của nước ta. Việc gia tăng sản lượng và giá trị xuất khẩu gạo ở ĐBSCL trong thời gian gần đây ngoài việc chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các địa phương còn có sự tham gia tích cực của doanh nghiệp; người nông dân trong sản xuất và kinh doanh, sự đóng góp rất lớn từ các viện trường trong công tác chọn tạo giống lúa có chất lượng, đặc sản.
ĐBSCL còn được biết đến là "vương quốc trái cây". Trong những năm gần đây, kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam tăng nhanh. Nếu năm 2005 chỉ đạt 0,235 tỉ USD thì đến 2017 đã chạm mốc 3,5 tỉ USD. Nhiều loại trái cây của vùng ĐBSCL đã vào các thị trường khó tính như Mỹ, châu Âu, châu Úc. Theo ông Phan Quốc Nam, Giám đốc Công ty TNHH Long Uyên (tỉnh Tiền Giang), được thành lập từ năm 2009, Công ty TNHH Long Uyên chuyên chế biến các loại trái cây, củ quả đông lạnh với hơn 40 mặt hàng đạt tiêu chuẩn xuất khẩu chất lượng cao. Công ty xuất khẩu chủ yếu vào các thị trường như Mỹ, Canada, Úc, châu Âu, Nhật, Hàn Quốc... Mục tiêu của công ty là "Vươn lên chất lượng đỉnh cao" gắn với hệ tư duy "3X: Sản phẩm Xanh - Quy trình Xanh - Tư duy Xanh". Đây cũng là nền tảng cơ bản giúp công ty đạt được những kết quả bước đầu khi đáp ứng yêu cầu nhập khẩu hàng hóa và ngày càng gia tăng sản lượng xuất khẩu vào các thị trường có yêu cầu cao về chất lượng hàng hóa và có tính cạnh tranh gay gắt.
Ở lĩnh vực thủy sản, cá tra và tôm là 2 sản phẩm chủ lực của ĐBSCL và đóng góp đáng kể vào kim ngạch xuất khẩu của đất nước. Cụ thể, xuất khẩu cá tra đóng góp bình quân từ 1,5-1,8 tỉ USD mỗi năm. Riêng con tôm năm 2017 kim ngạch xuất khẩu đạt 3,8 tỉ USD, tăng 181% so với năm 2010. Ông Trương Vĩnh Thành, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Sao Mai, chia sẻ: "Khai sinh tại cái nôi của cây lúa và con cá tra, Tập đoàn Sao Mai đã chọn loài thủy sản này là ngành mũi nhọn đầu tư khai thác, phát triển kinh doanh. Từ năm 2007 đến nay, Sao Mai đã đầu tư 5 nhà máy liên quan đến chuỗi giá trị cá tra; xây dựng được vùng nguyên liệu riêng tại An Giang, Đồng Tháp và TP Cần Thơ với diện tích hơn 200ha, đáp ứng gần 80% nhu cầu nguyên liệu cho các nhà máy chế biến của tập đoàn".
Với những kết quả đạt được có thể khẳng định nông nghiệp ĐBSCL đóng vai trò rất lớn đến an ninh lương thực, góp phần ổn định chính trị và xã hội. Đồng thời, góp phần tăng thu nhập và tạo việc làm nông thôn; hỗ trợ tích cực trong phát triển "tam nông", thúc đẩy tiến trình tái cơ cấu nông nghiệp quốc gia diễn ra nhanh hơn và đạt hiệu quả cao nhất. Nhờ ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, Việt Nam đã vào nhóm 15 nước xuất khẩu các mặt hàng nông sản, lương thực lớn nhất thế giới với các sản phẩm có mặt tại 180 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Hình thành nền tảng mới
Theo các chuyên gia, những thành tựu nông nghiệp ĐBSCL đạt được có sự đóng góp rất lớn từ việc ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất. Qua 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, khoa học và công nghệ đã có bước phát triển mới làm tăng sản lượng và đóng góp trên 30% giá trị gia tăng sản xuất nông nghiệp. Việc ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ ở ĐBSCL đã có tác động rất mạnh mẽ, lan tỏa trong sản xuất, thu hút nhiều doanh nghiệp lớn như Tập đoàn Việt-Úc, Tập đoàn Sao Mai, Tập đoàn Lộc Trời, Công ty Lương Quới, Công ty Tôm King, Tổng Công ty Việt Nam Food… tham gia trong các chuỗi giá trị của các sản phẩm chủ lực nhằm gia tăng năng suất, chất lượng, đảm bảo đầu ra cho sản phẩm, nâng cao hiệu quả sản xuất, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương.
Việc ứng dụng công nghệ vào sản xuất không những giúp nông dân, doanh nghiệp sản xuất ra sản phẩm với số lượng lớn, chất lượng cao mà còn giúp nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm. Ông Phan Thanh Lộc, Phó Chủ tịch HĐQT Công ty Việt Nam Food (VNF), chia sẻ: VNF gia nhập thị trường phụ phẩm tôm dựa trên đầu tư phát triển khoa học công nghệ để chuyển hóa phụ phẩm tôm thành các sản phẩm có giá trị gia tăng cao gồm: các thô phẩm cho ngành dược như chitin, glucosamine, chitosan, phụ gia thức ăn chăn nuôi, thực phẩm gia vị từ thịt tôm và gạch tôm, phân bón hữu cơ vi sinh... Nhờ đó, giá trị gia tăng tạo ra từ phụ phẩm tôm tăng từ 4-5 lần so với ngành chế biến xuất khẩu tôm truyền thống. Công ty cũng đặt mục tiêu ứng dụng công nghệ mới như sản xuất theo định hướng không chất thải ưu tiên ứng dụng công nghệ sinh học, đầu tư nâng cấp thiết bị để nâng giá trị gia tăng của sản phẩm phụ phẩm tôm lên từ 15-20 lần.
Thời gian qua, hệ thống chính sách về khoa học công nghệ tiếp tục được hoàn thiện. Đây là điều kiện thuận lợi để nông nghiệp ĐBSCL phát triển theo hướng gắn kết, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng lực cạnh tranh và tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho doanh nghiệp trong quá trình sản xuất, kinh doanh, chuyển giao, đổi mới công nghệ. Phó Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Văn Sánh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển ĐBSCL, Trường Đại học Cần Thơ, cho biết: "Những năm gần đây, Nhà nước luôn dành sự quan tâm, chỉ đạo kịp thời và hỗ trợ ngành nông nghiệp với quyết tâm đổi mới tư duy, mở cửa thị trường và chấp nhận cạnh tranh, thực hiện tăng cường năng lực về quản lý, quản trị sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó có sự hỗ trợ, vào cuộc của các cấp chính quyền để tổ chức nông dân liên kết với các doanh nghiệp xây dựng những vùng nguyên liệu tập trung, quy mô lớn, gắn với chế biến, tiêu thụ nông sản. Song để đủ sức cạnh tranh quốc tế trong chuỗi giá trị toàn cầu, việc chuyển mình sang nền nông nghiệp 4.0 được xem là việc phải làm ngay trong giai đoạn hiện nay".
Nhìn chung, các cơ chế, chính sách phát triển nông nghiệp hàng hóa ngày càng được bổ sung, hoàn chỉnh, phù hợp với các chuẩn mực và thông lệ quốc tế, tạo sự thuận lợi, minh bạch, ổn định dài hạn để thu hút đầu tư, thúc đẩy các doanh nghiệp có sức cạnh tranh liên kết với nông dân theo chuỗi giá trị. Việc ứng dụng khoa học công nghệ vào lĩnh vực nông nghiệp đang được đẩy mạnh; liên kết theo chuỗi giá trị từng bước được hình thành và phát triển theo chiều sâu. Tuy nhiên, để nông nghiệp ĐBSCL phát triển toàn diện và đạt độ chính xác cao nhất, các địa phương trong vùng phải thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, chuyển giao, công nghệ mới, tiên tiến, ứng dụng nền tảng IoT (Internet of Things - Internet của vạn vật) vào sản xuất nông nghiệp. Từ đó, từng bước cải thiện chất lượng nông sản, tiết giảm chi phí, tiến tới thay đổi phương thức sản xuất từ nông nghiệp truyền thống sang nền nông nghiệp thông minh, hiện đại.
BÀI 2: HỘI TỤ CÔNG NGHỆ, CHUYỂN MÌNH PHÁT TRIỂN