Nông nghiệp thông minh “made by” sinh viên

Nông nghiệp thông minh “made by” sinh viên
Nhận thức được vai trò của việc ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, nhóm sinh viên khoa Vật lý kỹ thuật và công nghệ nano trường Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội) đã tạo ra công nghệ điều chỉnh thông số ánh sáng giúp nông nông dân “bắt” cây trồng nở hoa theo ý muốn…

Từ cuộc sống, các bạn trẻ nhận thấy nhu cầu về sử dụng thực phẩm sạch của người dân ngày càng cao, tuy nhiên thực tế cho thấy phương pháp canh tác rau sạch truyền thống cho năng suất thấp, thời gian phát triển lâu và hàm lượng dinh dưỡng trong rau không cao. Vì vậy, bốn sinh viên của nhón đã bắt tay vào tìm hiểu và nghiên cứu các phương pháp kích thích sự tăng trưởng và hàm lượng dinh dưỡng của cây rau mà không phải dùng đến các hóa chất độc hại. Dự án “Nông nghiệp thông minh” đã ra đời từ đó.


Nhóm bạn trẻ trồng dưa lứa trái vụ từ việc ứng dụng công nghệ điều chỉnh thông số ánh sáng - ảnh: NVCC

Trần Đức Huy chia sẻ: Trong quá trình nghiên cứu, nhóm phát hiện ra ánh sáng là yếu tố then chốt ảnh hưởng đến quá trình kích thích hoặc ức chế cơ chế sinh học của cây trồng. Từ đó, các thành viên đã tiến hành các thí nghiệm. Kết quả cho thấy ánh sáng có thể can thiệp vào một phần quá trình phát triển của cây. Ví dụ, ánh sáng có thể tăng hàm lượng vitamin và rút ngắn thời gian canh tác cây rau mầm, can thiệp vào thời gian nở hoa của Lan Hồ Điệp đúng thời điểm mà các nhà vườn mong muốn. Hay chúng ta có thể sử dụng ánh sáng vào quá trình trồng cây dưa lưới trái vụ…

Dưới sự hướng dẫn của các thầy cô trong khoa, Nhóm sinh viên đã nghiên cứu và cho ra đời bộ thiết bị để điều chỉnh thông số ánh sáng như: cường độ, mật độ proton, tỉ lệ giữa các bước sóng… Thiết bị bao gồm bộ điều khiển và tấm led baner công suất lớn. Để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người nông dân, nhóm bạn trẻ đã liên tục cải tiến và tích hợp các chức năng. Giá thành của bộ thiết bị này dao động từ 500 – 700 nghìn đồng/m2 nên hoàn toàn hợp với túi tiền của người nông dân.

Theo nhóm bạn trẻ này, trên thị trường hiện nay xuất hiện một vài sản phẩm được cho là có khả năng kich thích phát triển cây trồng bằng các thông số ánh sáng được cài đặt cố định. Tuy nhiên, mỗi loài cây lại có một chu trình sinh học riêng. Vì vậy, nhóm đã xây dựng được một cơ sở dữ liệu (database) cho các loại cây trồng khác nhau. Cơ sở dữ liệu này có thể tối ưu hóa quá trình kích thích phát triển cây trồng nhưng lại rất tiết kiệm năng lượng.

Tuy nhiênđể tạo ra thiết bị điều chỉnh thông số ánh sáng phục vụ nông nghiệp, nhóm bạn trẻ đã phải trải qua không ít khó khăn, trong đó, lớn nhất là vấn đề kinh phí. Họ đều là sinh viên nên nguồn tài chính dành cho dự án khá hạn hẹp. Trong khi việc phân tích, tìm hiểu công nghệ, khảo sát các tính chất bằng hệ máy chuyên dụng lại tiêu tốn một khoản tiền tương đối lớn.

“Có những tháng cả nhóm phải chạy vạy, xoay tiền từ các nguồn khác nhau để thuê các thiết bị phân tích. Đôi khi chúng mình thấy rất mệt mỏi nhưng bù lại tình yêu với nghiên cứu khoa học ngày càng thêm sâu sắc” – Phan Thị Thanh Loan, một thành viên trong nhóm chia sẻ.

Theo Loan, thực phẩm sạch rất quan trọng đối với sức khỏe của con người, nền nông nghiệp công nghệ cao ra đời và đang dần thay thế các phương pháp truyền thống, mở ra thị trường đầy tiềm năng cho những sinh viên khi mới bắt tay vào khởi nghiệp. Đó là lý do nhóm quyết định tập trung tìm hiểu, khai thác tối đa sức mạnh của công nghệ hiện đại để bổ sung mảnh ghép cho nền nông nghiệp thông minh. Ngoài ra, nhóm cũng muốn thể hiện sự năng động và lan tỏa tinh thần khởi nghiệp đến các bạn trẻ khác.

Hiện nay, ngoài việc nghiên cứu, nhóm đã cung cấp nguồn rau mầm sạch cho các giảng viên trong khoa. Nhóm cũng hợp tác với viện Khoa học ứng dụng Việt Nam trồng Lan Hồ Điệp và cùng Elcom thử nghiệm trồng dưa lưới trái vụ trong nhà kính. Nhóm mong muốn, trong tương lai không xa, dự án sẽ giúp người dân được cung cấp nguồn thực phẩm sạch, trái vụ với hàm lượng dinh dưỡng cao. Đặc biệt, việc áp dụng công nghệ này trong trồng các cây thuốc quý vừa mang lại hiệu quả kinh tế vừa đảm bảo nguồn nguyên liệu dồi dào để tạo ra các loại thuốc trị liệu.

“Khi thực hiện Dự án mong muốn đầu tiên của chúng tôi là mọi người đều có thể tiếp cận nguồn rau sạch với giá rẻ hơn. Các nhà vườn có thể điều tiết sự ra hoa kết trái đúng thời điểm để tránh hiện tượng được mùa mất giá và ngược lại. Đặc biệt, dự án sẽ giúp nhà vườn có thể trồng các loại cây có giá trị về mặt y học, kinh tế lớn trong khi điều kiện khí hậu chưa cho phép”. Trần Đức Huy chia sẻ.

Sau khi được cọ sát và nhận được góp ý của các chuyên gia ở nhiều cuộc thi, nhóm đang tập trung hoàn thiện công nghệ để có thể áp dụng trong trồng các cây thuốc quý, cây có giá trị về mặt kinh tế lớn với chi phí ban đầu rất nhỏ. Họ hi vọng, đây sẽ là những đóng thiết thực cho nền nông nghiệp nói riêng, kinh tế đất nước nói chung trong thời gian tới./.

Tác giả bài viết: Hoàng Mẫn

Nguồn tin: cpv.org.vn