Nông sản hữu cơ - đừng phát triển ồ ạt theo phong trào, lại rơi vào 'vết xe đổ' VietGAP

Vài năm gần đây, trang trại, cửa hàng, thương hiệu sản xuất, kinh doanh nông sản hữu cơ có sự phát triển vượt bậc về số lượng, là tín hiệu tốt cần khuyến khích, song hữu cơ tại Việt Nam cần quy chuẩn, tiêu chí, tiêu chuẩn minh bạch, rõ ràng. Nếu cơ quan quản lý không nhanh chóng có công cụ quản lý... rất dễ đi vào vết bánh xe của VietGAP.
Phong trào sản xuất, kinh doanh nông sản hữu cơ đang phát triển nóng

Hữu cơ Việt Nam đang ở đâu? Theo chia sẻ của ông Nguyễn Như Cường, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT), từ 2015 trở về trước, rau hữu cơ không có cơ quan nhà nước nào quản lí cụ thể do chưa có quy định pháp lý. Nhưng mới đây, Bộ KH-CN đã ban hành Tiêu chuẩn Quốc gia TCVN 11041:2015 hướng dẫn sản xuất, chế biến, ghi nhãn và tiếp thị thực phẩm được sản xuất theo phương pháp hữu cơ

Do đó, nhiệm vụ quản lý, giám sát, thanh, kiểm tra xử lý mặt hàng hữu cơ hiện dựa theo TCVN 11041:2015 của Bộ KH-CN và Nghị định 80/2013/NĐ-CP ngày 19/7/2013 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa.

Nói như vậy không có nghĩa Bộ NN-PTNT né tránh trách nhiệm trong quản lý, thực tế Bộ NN-PTNT có xây dựng dự thảo dự thảo TCVN: Sản xuất, sơ chế, chế biến sản phẩm trồng trọt hữu cơ và chuyển hồ sơ sang Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lượng chất lượng (Bộ KH-CN) thẩm định, nhưng do Bộ KH-CN đã công bố TCVN số 11041:2015, nên việc ban hành thêm TCVN về hữu cơ là không cần thiết.

Trong một báo cáo tham luận tại hội thảo về rau hữu cơ, Phó Vụ trưởng Vụ KH-CN và môi trường (Bộ NN-PTNT) Phạm Đồng Quảng cho biết, do hữu cơ tại Việt Nam hiện là tiêu chuẩn mang tính chất tự nguyện nên ngoài TCVN số 11041:2015 do Bộ KH-CN ban hành, đang tồn tại song song một số hình thức sản xuất hữu cơ khác, là tiêu chuẩn của tổ chức phi Chính phủ hoặc của các nước khác đang hoạt động tại Việt Nam.

Cụ thể, hiện tại Việt Nam đang có các tổ chức chứng nhận hữu cơ như: Tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ PGS - Hệ thống đảm bảo cùng tham gia (Participatory Guarantee Systems - PGS) được Tổ chức IFOAM (International Federation of Organic Agriculture Movements), Liên đoàn Quốc tế các phong trào canh tác nông nghiệp hữu cơ) công nhận.

Tiêu chuẩn hữu cơ của Mỹ (USDA-NOP (US Department of Agriculture - National Organic Product); Tiêu chuẩn hữu cơ Liên minh châu Âu (EU Organic Farming - Ủy ban châu Âu - Europe Commission); Tiêu chuẩn IFOAM và Hiệp hội Nông sản hữu cơ Việt Nam.

Theo nongnghiep.vn