Nuôi lươn thương phẩm
- Thứ năm - 20/09/2012 22:53
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Chuẩn bị ao nuôi
Hiện nay, có nhiều phương pháp nuôi lươn nhưng chủ yếu là nuôi lươn trong ao đất, bể xi măng, bể bạt. Tuy nhiên, cần lưu ý một số vấn đề như:
Ao nuôi sâu từ 1 - 1,5m, bờ ao nên xây gạch hoặc phủ bạt nghiêng về phía lòng ao. Đáy phủ một lớp đất ruộng hoặc đất màu lẫn bùn dày khoảng 20 - 30cm. Giữa ao nên tạo các ụ đất lớn (cù lao) hoặc cho các bó rơm, cỏ mục… để làm nơi cho lươn chui rúc và kiếm ăn. Duy trì mực nước trong ao từ 15 - 20cm. Bể xi măng cần trát nhẵn thành, giữ nước tốt, mỗi ao phải có một đường cấp và thoát nước, một ống tràn để giữ mực nước trong ao luôn ổn định.
Chọn và thả giống
Nguồn lươn giống có thể là giống nhân tạo hoặc thu bắt ngoài tự nhiên. Để chọn được giống tốt cần dựa theo các đặc điểm sau:
Lươn có màu vàng đậm (loại 1), lươn loại này lớn rất nhanh. Kích cỡ đồng đều, khỏe mạnh, không bị thương tích hay có dấu hiệu bệnh. Lươn giống có kích cỡ 40 - 50 con/kg là tốt nhất. Không mua lươn giống bị câu, xiệc điện… vì tỷ lệ sống thấp và chậm lớn.
Có thể thu bắt lươn giống từ tự nhiên bằng cách: Hàng năm từ tháng 4 - 10 có thể dùng lờ (rọ) để bắt lươn ngoài mương rãnh ngoài đồng, ruộng lúa… Đây cũng là mùa sinh sản của lươn có thể vớt trứng về ấp. Chỗ lươn đẻ thường có các khối bọt trắng nổi lên, có thể dùng vợt có mắt lưới dày để vớt các ổ trứng.
Mật độ thả nuôi: Tốt nhất từ 20 - 25 con/m2, lươn giống trước khi thả nuôi cần được tắm qua bằng nước muối 3 - 5% trong vòng 5 phút để sát trùng và loại bỏ những con yếu.
Cho ăn và chăm sóc
Khi lươn mới thả 1 - 2 ngày đầu không cần cho ăn. Thức ăn cho lươn là cua, tép, ốc, cá tạp… có thể cho ăn các loại thức ăn khác như trùn quế, giun đất, cám, bã đậu.
Cho lươn ăn 1 - 2 lần/ngày, lươn nhỏ cho ăn từ 3 - 4% trọng lượng thân, lươn lớn cho ăn 5 - 8% trọng lượng thân. Thức ăn cho vào sàng ăn và đặt ở vị trí cố định, sau khi cho ăn 1 - 2h phải vớt bỏ thức ăn thừa để tránh ô nhiễm.
Nuôi lươn trong bể bạt - Ảnh: Phan Thanh Cường
Thức ăn phải tươi, không cho ăn thức ăn cũ, ôi thiu. Bổ sung Vitamin C, men tiêu hóa… để tăng sức đề kháng cho lươn.
Lưu ý: Khi thời tiết âm u, nhiệt độ thấp nên giảm lượng thức ăn, cho lươn ăn đầy đủ vì khi thiếu thức ăn lươn dễ tấn công ăn thịt lẫn nhau.
Quản lý, chăm sóc
Luôn giữ nguồn nước trong bể được sạch, không bị ô nhiễm, đảm bảo lượng ôxy hòa tan luôn > 2mg/l.
Thay nước định kỳ (4 - 7 ngày thay nước 1 lần), ngay cả khi nước không bị ô nhiễm. Dùng hóa chất hoặc vôi bột phòng bệnh cho lươn với liều lượng 10 - 20g/m3 hòa vào nước tạt xuống bể.
Mỗi tháng phân cỡ lươn một lần để tách con lớn, nhỏ nuôi riêng để lươn lớn nhanh, đồng đều. Hàng ngày theo dõi hoạt động và sức ăn của lươn để kịp thời phát hiện lươn bị bệnh và xử lý kịp thời.
Lươn cũng mắc một số loại bệnh do môi trường, nấm, vi khuẩn, ký sinh trùng, cách phòng bệnh tốt nhất là thả nuôi đúng mật độ và quản lý tốt môi trường.
Do mực nước trong ao, bể nuôi lươn thấp nên cần có biện pháp chống nắng, chống rét cho lươn như sử dụng mái che, trồng cây ven ao… Thường xuyên kiểm tra, gia cố ao, bể, bạt… để tránh hiện tượng lươn bò đi, nhất là khi trời mưa.
>> Lươn (lươn đồng) (Monopterus albus), không chỉ là loài đặc sản có giá trị, giàu chất dinh dưỡng, mà đối với các nhà sinh vật học, lươn còn là đối tượng nghiên cứu thú vị bởi sự biến đổi giới tính hiếm thấy. Sau khi lươn cái sinh sản đều biến thành lươn đực, những con lươn đực này sẽ giao phối với con cái đời sau để duy trì nòi giống. |