Nuôi thủy sản mùa nước nổi
- Thứ sáu - 07/09/2012 06:15
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Đến hẹn…
Đầu tháng 9, chưa đoán được diễn biến mùa nước lũ năm nay ra sao. Nhưng từ tháng 3 có nông dân quen theo nghề nuôi thủy sản đã đặt mua con giống và không làm lúa vụ HT. Tận dụng lợi thế có nguồn nước bạc dồi dào tràn dâng ngập đồng và nguồn thức ăn từ cá tạp trôi sông mùa lũ, nhiều mô hình nuôi thủy sản từng đem lại thu nhập cao cho hàng ngàn hộ vùng hạ lưu sông Cửu Long. Trong đó, nông dân các tỉnh Long An, Đồng Tháp, An Giang, Vĩnh Long, Hậu Giang và TP Cần Thơ… luôn có sức hấp dẫn là hiệu quả đạt được. Vì vậy diện tích nuôi thủy sản nước ngọt luôn duy trì ổn định, trong đó chiếm nhiều nhất là nghề nuôi cá đồng, tôm càng xanh.
Ở tỉnh đầu nguồn, Đồng Tháp vượt trội với nghề nuôi cá đồng. Hàng năm có 4.000 ha, trong đó nhiều nhất là huyện Tam Nông 2.200 ha. Đến nay nông dân Tam Nông đã thả giống 1.200 ha. Mô hình nuôi cá đồng nuôi trong ao hầm chiếm nhiều nhất tỉnh là cá lóc, thả nuôi được 3.744 ha, với hơn 1.000 bè nuôi cá và 886 lưới mùng.
Ông Dương Nghĩa Quốc, Giám đốc Sở NN-PTNT Đồng Tháp cho biết: Qua theo dõi mực nước sông Tiền tại Tân Châu, Tràm Chim, Sa Đéc còn thấp hơn cùng kỳ năm ngoái 1-1,5 m, nhưng từ trước khi nước lũ về, bên cạnh các mô hình nuôi thủy sản mùa lũ, cán bộ Trung tâm Khuyến nông tỉnh và một số cơ quan chuyên ngành đã tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật cho nông dân một số địa phương trồng cây thủy sinh như ấu, sen; cán bộ kỹ thuật dạy nghề đan lục bình, đan lưới, đan lờ… Hiện thời sinh khí làm ăn đầu mùa lũ nhộn nhịp. Nguồn giống cá đồng không thiếu. Giống tôm càng xanh các cơ sở SX trong tỉnh đáp ứng được 60% nhu cầu.
Tỉnh An Giang có ưu thế nuôi tôm càng xanh mùa lũ. Bà Nguyễn Thị Ngọc Trinh, Giám đốc Trung tâm Giống thủy sản An Giang nói: “Trong khi SX giống các loại cá đồng dồi dào thì nguồn cung giống tôm càng xanh tại địa phương vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu. Các cơ sở chủ yếu trung chuyển tôm giống ngoài tỉnh đưa về.
Các mô hình nuôi tôm càng xanh, cá lóc đồng, lươn hiện thời An Giang có khoảng 300 ha vào vụ thả nuôi tôm, cá. Trung tâm Giống thủy sản tỉnh đang phối hợp ĐH Cần Thơ SX giống cá tra, cá lăng nha theo tiêu chuẩn quốc tế để nâng cao chất lượng con giống; đồng thời tiến tới áp dụng công nghệ nuôi năng suất cao, lợi nhuận cao.
Theo dõi nhiều năm thực hiện các mô hình nuôi tôm, cá mùa lũ, ông Trần Thanh Hải, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Cần Thơ cho rằng: Hàng năm Cần Thơ duy trì SX khoảng 10.000 mô hình nuôi cá trên ruộng và 100 ha nuôi tôm càng xanh. Kết quả nông dân thu lợi nhuận cao gấp 2 đến 5 lần so với sản xuất lúa vụ 3.
Gia tăng lợi tức
Từ năm 2000 đến nay, anh Khiêm, nông dân tại xã Phú Thuận huyện Thoại Sơn, An Giang có 1,5 ha ruộng bền bỉ áp dụng mô hình luân canh lúa-tôm càng xanh. Năm nay anh Khiêm trực tiếp thực hành theo đề tài “Phát triển mô hình lúa-tôm càng xanh nâng cao năng suất và lợi nhuận” của Bộ môn Kỹ thuật Nuôi trồng thủy sản nước ngọt, Khoa Thủy sản, ĐH Cần Thơ phối hợp với tỉnh An Giang thực hiện.
Anh Khiêm hào hứng thuật lại: Thời vụ bắt đầu từ tháng 4, tháng 5 đến tháng 10, tháng 11 thu hoạch; thả tôm mật độ 12-20 con/m2. Đến nay sau 4 tháng tôm đang phát triển tốt, trọng lượng đạt 50-60 g/con, chờ 2 tháng tới thu hoạch. Thành công bước đầu có thể nhận ra yếu tố số 1 là chất lượng con giống khỏe, cách lựa tôm giống toàn đực; kế đến cách quản lý chất lượng nguồn nước.
Với những hộ nghèo, mô hình quy mô nông hộ phổ biến nuôi cá lóc trong vèo 1.000-2.000 con/hộ. Sau hơn 4 tháng thu hoạch đạt 0,5 kg/con, thu 500 kg - 1 tấn, với giá cá 28.000-30.000 đ/kg, tính ra lãi trên 10.000 đ/kg. Một mùa lũ đi qua mỗi hộ có thể tạo ra thu nhập thêm 5-10 triệu đồng. Một phương kế làm ăn hữu ích. |
PGS. TS Dương Nhựt Long, Khoa Thủy sản, ĐH Cần Thơ nhận xét: Qua khảo sát mô hình lúa-tôm trước đây: Lúa lãi 20-25 triệu đồng/ha, tôm càng xanh năng suất đạt 900 kg-1,1 tấn/ha, lãi thu 25 triệu đến cao nhất 61 triệu đ/ha. Tổng lợi nhuận lúa và tôm bình quận đạt 45-81 triệu đ/ha, cao hơn so với mô hình chuyên canh 2 vụ lúa lợi nhuận 35-40 triệu đ/ha.
Tuy vậy do nguyên nhân hao hụt tôm giống nhiều khiến lãi không cao. Do đó, mục tiêu xây dựng mô hình tôm-lúa trong ao và trên ruộng lúa luân canh nhằm khai thác tiềm năng đất và nước, đặc biệt vào mùa nước nổi: Tăng năng suất lên 1,3-1,5 tấn/ha, tổng lợi nhuận thu trên 100 triệu đồng/ha, tỷ suất lợi nhuận đạt trên 50% để gia tăng lợi tức và thu nhập, làm giàu cho nông dân.
Ở ĐBSCL mỗi năm một mùa lũ. Trước đây nông dân không làm lúa vụ 3 thường thả nước vào đầy đồng xem như tưới tắm phù sa và thời gian nông nhàn. Trong mấy năm gần đây, theo mùa lũ về là nguồn lợi thủy sản tự nhiên vừa cải thiện bữa ăn gia đình, đồng thời khai thác nguồn lợi từ ốc bưu vàng, cua đồng, cá tạp… nông dân các tỉnh An Giang, Hậu Giang, Bạc Liêu…phát triển mạnh nghề nuôi cá lóc đồng.
Hữu Đức
Nguồn:nongnghiep.vn