Những năm qua, việc phát triển nuôi tôm trên cát đã mở ra hướng đi mới trong nuôi trồng thuỷ sản đối với các tỉnh có tiềm năng về đất đai, đặc biệt là các tỉnh miền trung. Phong trào nuôi tôm trên cát đã giúp nhiều nông dân ở các địa phương ven biển nhanh chóng thoát nghèo, vươn lên làm giàu.
Riêng tại Quảng Bình, diện tích có khả năng chuyển đổi phát triển nuôi thuỷ sản trên cát là 4.000 ha. Từ khi nghề nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát mang lại hiệu quả kinh tế cao, phong trào nuôi tôm trên cát đã trở thành “luồng gió mới” trong cơ cấu sản xuất và phát triển thuỷ sản của tỉnh.
Năm 2006 mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát bắt đầu được thử nghiệm với diện tích một ha, đến năm 2015, toàn tỉnh có 1.087 ha nuôi tôm mặn, lợ, trong đó diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát là 260 ha với sản lượng 2.330 tấn, chiếm 23,9% diện tích và chiếm 52,3% sản lượng tôm nuôi toàn tỉnh.
Tại diễn đàn, các đại biểu đã trình bày tham luận về những tiềm năng và hiện trạng của việc phát triển nuôi tôm trên cát của các tỉnh trong khu vực miền trung, qua đó trao đổi kinh nghiệm và tìm ra những giải pháp tối ưu cho người nuôi tôm.
Đây cũng là dịp để các đại biểu, cùng đại diện các cơ quan quản lý, cơ quan nghiên cứu, doanh nghiệp và bà con nông dân tọa đàm hỏi - đáp, chia sẻ những thắc mắc của mình về phát triển nuôi tôm trên cát bền vững và an toàn dịch bệnh.
Theo Hương Giang/nhandan.com.vn