Phát triển nông nghiệp đi đôi với bảo vệ môi trường

Phát triển nông nghiệp đi đôi với bảo vệ môi trường
Với diện tích đất canh tác nông nghiệp 89 nghìn ha, gồm 80 nghìn ha lúa và 9 nghìn ha đất màu, hằng năm, nông dân tỉnh Nam Định sử dụng hàng trăm nghìn tấn phân bón và hàng trăm tấn thuốc BVTV các loại,...

 

img-854013501144

Mô hình sản xuất hạt giống lúa lai F1 của Công ty TNHH Cường Tân (Trực Ninh, Nam Định)
 

Với diện tích đất canh tác nông nghiệp 89 nghìn ha, gồm 80 nghìn ha lúa và 9 nghìn ha đất màu, hằng năm, nông dân tỉnh Nam Định sử dụng hàng trăm nghìn tấn phân bón và hàng trăm tấn thuốc BVTV các loại, cùng các chất kích thích sinh trưởng có nguồn gốc hoá học. Theo ước tính của ngành chức năng, tổng khối lượng chất thải chăn nuôi ở Nam Định mỗi năm khoảng trên 1 triệu tấn.

Trong nuôi trồng thủy sản, tình trạng ô nhiễm môi trường xảy ra do thức ăn dư thừa phân hủy thối rữa kết hợp với phân và các loại rác thải khác đọng lại dưới đáy ao nuôi... khiến dịch bệnh phát sinh, lây lan nhanh. Để hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường từ hoạt động sản xuất nông nghiệp, những năm qua, các cấp, các ngành và các địa phương trong tỉnh đã triển khai thực hiện nhiều biện pháp như: Tổ chức tập huấn cho cán bộ kỹ thuật, dự báo viên BVTV ở cấp cơ sở về sử dụng thuốc BVTV, quản lý dịch hại tổng hợp trên lúa và rau màu. Đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn nông dân sử dụng đúng thuốc BVTV trong danh mục cho phép và thu gom, xử lý đúng cách bao bì thuốc BVTV sau khi sử dụng để giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường.

Để ngăn chặn, hạn chế việc đốt rơm, rạ sau thu hoạch, một số mô hình được nghiên cứu và triển khai như: sử dụng chế phẩm sinh học xử lý rơm, rạ, phụ phẩm ngay tại ruộng để trả lại lượng mùn, chất hữu cơ cho đất; mô hình trồng khoai tây trên đất hai lúa bằng phương pháp phủ rơm, rạ…

Các ngành chức năng thường xuyên tổ chức đánh giá hiện trạng, tác động của ô nhiễm môi trường đối với phát triển kinh tế - xã hội và có biện pháp xử lý đối với các cơ sở chăn nuôi gây ô nhiễm; đồng thời vận động người dân đầu tư các nguồn lực để xây dựng mô hình chăn nuôi an toàn sinh học như nuôi lợn trên nền đệm lót sinh thái, sử dụng công nghệ khí sinh học biogas để xử lý chất thải, giảm ô nhiễm, nâng cao hiệu quả chăn nuôi; phổ biến rộng rãi việc sử dụng chế phẩm sinh học xử lý chất thải chăn nuôi để giảm mùi hôi thối, diệt khuẩn có hại và tăng khả năng phòng, chống dịch bệnh cho vật nuôi.

Theo Đồng Thái/nongnghiep.vn