Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Trong những năm qua, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn thành phố có nhiều thay đổi tích cực. Nhất là sau thành công của việc dồn điền đổi thửa, gắn với quy hoạch vùng sản xuất, đầu tư cải tạo hệ thống kênh mương, thủy lợi, giao thông nội đồng, nhiều tổ chức, hộ gia đình đã mạnh dạn đầu tư ứng dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp. Nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, mang lại hiệu quả kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân đã xuất hiện như mô hình trồng hoa lan hồ điệp, nuôi cấy đông trùng hạ thảo, lai tạo một số giống lúa chất lượng cao, lai ghép các loại cây đặc sản của địa phương…

 

Tuy nhiên, nhìn chung sản xuất nông nghiệp trên địa bàn thành phố vẫn còn nhỏ lẻ, manh mún, lạc hậu. Việc ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp còn hạn chế. Cụ thể, tỷ lệ ứng dụng công nghệ cao đối với lĩnh vực giống, vật nuôi và thủy sản chiếm 30%; chăn nuôi chiếm 25%, còn diện tích cây trồng chỉ chiếm 5%... thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực. Đáng chú ý, việc ứng dụng công nghệ cao trong việc bảo quản, chế biến các loại nông sản chưa được quan tâm, cho nên tỷ lệ thất thoát trong khâu thu hoạch cao. Người dân sản xuất ra nhiều sản phẩm, nhưng khó tiêu thụ hoặc bị thương lái ép giá, dẫn đến tình trạng được mùa mất giá thường xuyên xảy ra, gây thiệt hại lớn cho người sản xuất. Quá xót xa khi các nông sản bị giảm chất lượng, giá cả thấp, nhiều người dân đã tự sơ chế nông sản sau thu hoạch, nhưng quy mô còn nhỏ lẻ, hiệu quả thấp. Trong khi đó, các doanh nghiệp với thế mạnh về nguồn vốn, khoa học công nghệ dường như vẫn đứng ngoài cuộc. Thành phố đã ban hành một số chính sách thu hút các doanh nghiệp tham gia đầu tư ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, nhưng vẫn ít doanh nghiệp tham gia.

Từ thực trạng nêu trên, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội đã triển khai xây dựng Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thành phố Hà Nội giai đoạn 2016-2020, với mục tiêu đến năm 2020, diện tích sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt 12% diện tích trồng rau, 20% diện tích trồng hoa, 10% cây ăn quả, 33% diện tích trồng chè, 10% diện tích nuôi trồng thủy sản, 50% trang trại chăn nuôi tập trung. Để thực hiện mục tiêu này, thành phố sẽ xây dựng một khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, 20 cơ sở sản xuất giống cây, vật nuôi, thủy sản; 34 cơ sở chế biến, bảo quản sản phẩm nông nghiệp; 50 mô hình trình diễn… Chương trình sẽ đào tạo nghề cho khoảng 4.300 người và tập huấn kỹ thuật cho 42 nghìn lượt người. Đầu tư hạ tầng, cứng hóa gần 290 km đường giao thông, hơn 330 km kênh mương nội đồng, xây dựng gần 500 giếng cấp nước tưới cây trồng…

Với địa bàn có diện tích đất sản xuất nông nghiệp lớn, tỷ lệ người dân sinh sống tại nông thôn đông, việc đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn và nông dân, nhất là chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là chủ trương lớn và lâu dài của thành phố Hà Nội. Tuy nhiên, đây là chương trình lớn, có liên quan đến nhiều lĩnh vực, nguồn vốn đầu tư lớn. Vì vậy, để chương trình nhanh chóng đi vào thực tế, thành phố cần chỉ đạo các cơ quan chức năng cần cụ thể hóa các cơ chế, chính sách nhằm thu hút các nguồn lực từ các nhà đầu tư, doanh nghiệp, hộ gia đình tham gia. Cùng với đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, lắng nghe ý kiến của các nhà chuyên môn, chuyên gia để lựa chọn cây trồng, vật nuôi và ứng dụng công nghệ phù hợp. 

MINH VÂN
Theo nhandan.com.vn