Phát triển tưới tiết kiệm cho cây trồng cạn
- Thứ tư - 30/05/2018 23:47
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Gian hàng triển lãm công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước của các doanh nghiệp Việt Nam (Ảnh: MP) |
Tháng 5/2015, với kế hoạch hành động số 1788, Bộ NN-PTNT đã chính thức chạy đà và bứt tốc trong phát triển tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho cây trồng cạn phục vụ tái cơ cấu ngành thuỷ lợi.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hoàng Văn Thắng chia sẻ: Bài toán mà ngành thuỷ lợi cần phải giải quyết, đó là đến năm 2020 trên cả nước có khoảng 500.000ha cây trồng cạn chủ lực được ứng dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước.
“Ban đầu, chúng tôi rất quan ngại về chỉ tiêu này. Nhưng nhìn lại chặng đường 3 năm thực hiện, chúng tôi rất mừng vì đa số diện tích được tưới tiên tiến, tiết kiệm nước được đầu tư trên diện tích cây trồng cạn”, Thứ trưởng nói.
Theo Tổng cục Thuỷ lợi, thời điểm năm 2015 cả nước mới chỉ có khoảng 150.000ha cây trồng cạn được tưới tiên tiến, tiết kiệm nước thì đến cuối năm 2017 đã tăng lên mốc 276.000ha (tăng khoảng 40%). Thứ trưởng Thắng đánh giá: “Đây là bước phát triển rất nhanh và đột biến. Khả năng ngành thuỷ lợi hoàn thành mục tiêu Bộ NN-PTNT đề ra là rất cao”.
Trong các loại hình công nghệ tưới, diện tích được tưới phun mưa chiếm 79%; tưới nhỏ giọt chiếm 12%; nhà lưới, nhà kính chiếm 9%. Tuy nhiên, phần lớn công nghệ, thiết bị tưới có xuất xứ từ nước ngoài (Israel, Đài Loan, Trung Quốc, Hàn Quốc...) và chỉ có phần nhỏ được SX trong nước, chủ yếu thông qua cải tiến, tích hợp công nghệ của nước ngoài.
Ông Nguyễn Văn Tỉnh, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuỷ lợi cho biết: Áp dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước đã mang lại hiệu quả rõ rệt. Năng suất cây trồng tăng trung bình 10 - 15% tuỳ theo các loại cây trồng. Thậm chí có thể tăng 80 - 120% như đối với cây mía, giảm đáng kể chi phí công lao động để tưới và chăm sóc.
Ở những vùng bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi hạn hán và xâm nhập mặn và biến đổi khí hậu, diện tích cây trồng áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm đã tăng nhanh. Điển hình như hàng trăm mô hình tưới tiết kiệm nước cho cà phê, hồ tiêu và cây ăn quả trên vùng đất dốc Tây Nguyên, Đông Nam bộ, mô hình tưới tiết kiệm nước cho 300ha chuối trên đất đồi huyện Bảo Thắng (Lào Cai); mô hình tưới cho trên 50ha rau, củ, quả trên vùng cát hoang hoá ven biển huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh); mô hình tưới trên đất cát huyện Ninh Phước (Ninh Thuận)... Điều đó chứng tỏ đây là giải pháp căn cơ để chủ động thích ứng, ứng phó hiệu quả với tình hình thiếu nước SX.
Ảnh: M.P |
Mặc dù diện tích được tưới tiết kiệm vượt kế hoạch đặt ra, nhưng Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng cho rằng diện tích này chỉ chiếm 5% diện tích canh tác cây trồng cạn của cả nước là quá ít. Nhận thức của một bộ phận cán bộ các địa phương chưa coi tưới tiết kiệm là giải pháp căn cơ để phát triển nông nghiệp.
Theo Thứ trưởng, để thúc đẩy áp dụng tưới tiên tiến, tiết kiệm nước, một số chính sách quan trọng đã được ban hành. Đặc biệt là Nghị định 57 năm 2018 của Chính phủ; gói tín dụng 100.000 tỷ đồng cho NNCNC, nông nghiệp sạch theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Đến cuối năm 2017, đã có khoảng 6.400 khách hàng (DN, cá nhân) được vay khoảng 36.000 tỷ đồng theo chính sách này. Bên cạnh đó, Luật Thuỷ lợi mới ban hành và Nghị định hỗ trợ phát triển thuỷ lợi nhỏ, thuỷ lợi nội đồng và tưới tiên tiến, tiết kiệm nước chuẩn bị ban hành đã đưa vào những cơ sở pháp lý quan trọng để hỗ trợ, thúc đẩy áp dụng tưới tiên tiến, tiết kiệm nước.
"Bộ NN-PTNT cũng đưa vào kế hoạch đầu tư trung hạn 2016 - 2020 phục vụ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thí điểm tưới tiết kiệm nước cho cây trồng cạn. Cụ thể, đối với nguồn vốn ngân sách trung ương do Bộ quản lý, đã đề xuất 31 dự án thuỷ lợi phục vụ chuyển đổi cơ cấu cây trồng để tưới cho một số cây trồng cạn chủ lực...", Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng. |