Phòng trừ những loại bệnh do vi khuẩn gây ra trên cây lúa

Phòng trừ những loại bệnh do vi khuẩn gây ra trên cây lúa
Việc sản xuất lúa thu đông trong điều kiện thời tiết mưa nhiều và kéo dài liên tục nhiều ngày như hiện nay là điều kiện thuận lợi cho các loại bệnh do vi khuẩn gây ra trên cây lúa phát triển mạnh, trong đó phổ biến nhất là bệnh thối thân, bệnh vàng lá vi khuẩn, bệnh cháy bìa lá và bệnh lép vàng, làm ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của cây lúa.

Đến thời điểm này ở một số tỉnh ĐBSCL, bà con nông dân đã xuống giống cơ bản xong vụ lúa thu đông. Phần lớn diện tích đang trong giai đoạn từ đẻ nhánh tích cực đến làm đòng và trổ. Đây cũng là thời điểm cây lúa thường bị các đối tượng sâu bệnh tấn công gây hại, trong đó các loại bệnh do vi khuẩn phát triển ngày càng nhiều, và có khả năng gây thiệt hại nặng cho cây lúa. 

Nếu trước đây các loại bệnh do vi khuẩn gây hại chủ yếu trên lá, thì nay chúng còn phát triển cả trên thân và hạt lúa, thậm chí còn tấn công gây hại ngay khi cây lúa còn nhỏ. Trong đó có thể kể đến một số bệnh phổ biến như bệnh thối thân, bệnh cháy bìa lá (hay còn gọi là bệnh bạc lá) và bệnh lép vàng … 

Bệnh do vi khuẩn trên cây lúa phát triển mạnh trong điều kiện thời tiết  mưa bão nhiều, độ ẩm không khí cao và môi trường canh tác không tốt. Mặt khác việc sản xuất lúa của bà con ngày nay hầu như diễn ra quanh năm, kết hợp với một số sai lầm trong kỹ thuật canh tác, mà đặc biệt là tập quán sạ dày, bón phân thừa đạm trong quá trình sản xuất lúa của bà con đã góp phần làm cho bệnh vi khuẩn càng có điều kiện thuận lợi để tồn tại và phát triển ngày càng mạnh hơn. Bệnh do vi khuẩn lây lan rất nhanh trên đồng ruộng,và một khi đã xảy ra ở cấp độ nặng thì việc phòng trị sẽ gặp nhiều khó khăn.

Trên cây lúa non từ 15 đến 20 ngày tuổi thì vi khuẩn xâm nhập gây ra bệnh thối thân, thối bẹ làm chết cây. Nếu nặng thì có khả năng lan ra cả ruộng . Khi lúa lớn hơn, trên 20 đến 30 ngày tuổi, vi khuẩn có thể tấn công gây ra bệnh vàng lá (được gọi là bệnh vàng lá do vi khuẩn). Biểu biện của bệnh này là trên lá có vết vàng sậm hơi nâu chạy dọc theo lá lúa, làm cho cây lúa chết lụi dần.  Lúc cây lúa lớn ở giai đoạn trổ, bị vi khuẩn tấn công gây bệnh cháy bìa lá. Lúc đầu bệnh chỉ xuất hiện trên những lá đòng, nhưng sau khi lúa trổ thì bệnh sẽ phát triển rất nhanh làm cho lá cháy khô và hạt bị lép lửng. Ngoài ra vi khuẩn còn tấn công cả trên hạt lúa, gây ra bệnh lép vàng. Bệnh do vi khuẩn tấn công khi bông lúa đang trổ, làm cho bông không thụ phấn, ngậm sữa và vào chắc được. Các nhánh gié bị mắc bệnh sẽ đứng thẳng, mang nhiều hạt bị lép có màu vàng. 

Cây lúa bị nhiễm các loại bệnh do vi khuẩn sẽ khó phát triển lá. Sau đó sẽ bị  khô và chết; bông lúa bị lép lửng hoặc lép hoàn toàn, gây thiệt hại rất nặng về năng suất. Do vậy bà con nông cần phải có biện pháp phòng trị, ngăn chặn bệnh kịp thời và hiệu quả, tránh để lây lan ra diện rộng.

Việc diệt trừ các loại bệnh do vi khuẩn trên cây lúa thường hiệu quả không cao và rất tốn kém. Do vậy phòng bệnh là biện pháp tối ưu. Yếu tố đầu tiên là cần phát hiện bệnh sớm và biết được tác nhân gây bệnh là loài vi khuẩn gì, thì việc phòng trị bệnh mới đạt hiệu quả.

Ở giai đoạn đầu, với bệnh thối thân. Khi mới phát hiện một vài bụi lúa có nhiễm bệnh thì bà con nên tháo nước trong ruộng ra cho cạn, rải vôi bột 20 kg/ công, sau đó cho nước mới vào lấp xấp mặt ruộng. Kết hợp phun thuốc trừ vi khuẩn trên thân lá.

Đối với giai đoạn lúa làm đòng trở về sau, với bệnh cháy bìa lá và lép vàng. Hai đối tượng bệnh hại này thường chỉ có phòng ngừa là tốt nhất, chứ khi bệnh đã xuất hiện thì lây lan rất nhanh. Biện pháp phòng ngừa cũng phải  tháo nước trong ruộng ra đến cạn, rồi dùng thuốc trừ vi khuẩn phun trên lá, thân và bông thì sẽ chặn đứng được chúng. 

Điều cần lưu ý là bà con không nên để ruộng lúa bị nhiễm bệnh nhiều rồi mới xử lý thuốc, mà phải phun xịt ngay khi bệnh vừa chớm xuất hiện. Khi phát hiện bệnh nên giảm bớt lượng phân đạm, tăng cường phân kali ; và khi phun thuốc phòng ngừa bệnh do vi khuẩn phải dùng thuốc đặc trị  vi khuẩn thì mới đạt hiệu quả cao. Chú ý, khi phun thuốc phải sử dụng lượng nước vừa đủ và phun đúng kỹ thuật, sao cho tất ca các bộ phận của cây lúa, từ lá, thân đến bẹ lá và gốc lúa đều được tiếp xúc với thuốc thì mới đạt hiệu quả cao.

Ngoài việc sử dụng thuốc BVTV, để đối phó có hiệu quả với những loại bệnh do vi khuẩn trên cây lúa, bà con nông dân còn cần chú ý áp dụng tốt kỹ thuật canh tác và bón phân chăm sóc lúa. Trong đó hai yếu tố quan trọng là phải gieo sạ với mật độ vừa phải, và bón phân cân đối, không lạm dụng phân đạm.

Tóm lại, để quản lý tốt những loại bệnh do vi khuẩn gây ra trên cây lúa, bà con nông dân phải phát hiện sớm, nhận diện bệnh chính xác, và có biện pháp phòng ngừa kịp thời và hữu hiệu. Trong quá trình xử lý bệnh cần tuân thủ nghiêm túc nguyên tắc“4 đúng”.

 

Theo thvl.vn