Quản lý từ sản xuất tới tiêu thụ

Quản lý từ sản xuất tới tiêu thụ
Xã Văn Đức, huyện Gia Lâm là vùng rau an toàn (RAT) lớn nhất của Hà Nội. Đây cũng là mô hình kiểm soát, quản lý RAT theo chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ của cả nước được Bộ NN&PTNT chọn làm điểm. RAT Văn Đức đã được dán tem nhãn nhận diện trên bao bì để người tiêu dùng có thể truy xuất nguồn gốc...
 

Chăm sóc rau an toàn tại xã Văn Đức (huyện Gia Lâm). Ảnh: Khánh Nguyên


Xã Văn Đức có 250ha đất nông nghiệp, trong đó có 225ha được Sở NN&PTNT Hà Nội cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất RAT; 25ha chứng nhận theo tiêu chuẩn VietGap. Toàn xã có 1.000 hộ tham gia sản xuất RAT. Ban đầu việc sản xuất RAT tại Văn Đức gặp nhiều khó khăn do người tiêu dùng không phân biệt được giữa RAT và không an toàn. Trong khi đó, giá bán RAT cao hơn so với rau thường nên RAT Văn Đức đã từng rơi vào cảnh "ế ẩm". Được hỗ trợ và chỉ đạo của Chi cục BVTV Hà Nội, hiện nay, RAT Văn Đức đã khẳng định được thương hiệu. Phó Chi cục trưởng Chi cục BVTV Hà Nội Nguyễn Hồng Anh cho biết, tháng 11-2011, Cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản (Bộ NN&PTNT) phối hợp với Sở NN&PTNT Hà Nội ký kết chương trình thí điểm kiểm soát RAT theo chuỗi từ khâu sản xuất đến tiêu thụ. Hà Nội chọn vùng RAT Văn Đức, Gia Lâm làm điểm. Cuối năm 2011, đầu năm 2012 cán bộ Trạm BVTV Gia Lâm và HTX phối hợp thực hiện việc gắn nhãn. Từ tháng 3-2012 trở đi việc gắn tem cho sản phẩm chủ yếu do địa phương thực hiện, cán bộ Trạm BVTV giám sát, kiểm tra. Tem nhận diện gồm có nhãn nhận diện in địa chỉ sản xuất và đóng ngày thu hoạch, dây treo và tem niêm phong.
 
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Thị Xuân Thu: 
Để việc gắn nhãn tem nhận diện cho RAT được kiểm soát chặt chẽ, người nông dân, chính quyền địa phương và nhà quản lý, đơn vị tiêu thụ cần phối hợp chặt chẽ. Đặc biệt việc quản lý nguồn tem phải hết sức chặt chẽ tránh thất thoát tem ra ngoài.
Ngay khi việc dán tem nhãn được triển khai, việc tiêu thụ RAT tại Văn Đức đã tiến triển thuận lợi. Hiện nay, sản lượng rau bán buôn qua các thương lái chiếm khoảng 90%, tương đương 35-40 tấn/ngày. Trong đó, lượng rau được gắn nhãn nhận diện khoảng 25-30 tấn/ngày, đạt khoảng 70-75%. Khoảng 70% sản phẩm RAT của Văn Đức được tiêu thụ rộng rãi tại các chợ đầu mối của Hà Nội (Hà Đông, Mai Dịch, chợ Đền Lừ - Hoàng Mai...), còn 30% tiêu thụ tại các tỉnh Nam Định, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hưng Yên… Theo ông Chử Đức Nhị, Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp Văn Đức, RAT được gắn tem nhãn có giá bán cao hơn RAT tại các vùng khác từ 500 đến 1.000 đồng/kg. Thông qua những thông tin trên nhãn sản phẩm, người tiêu dùng một số tỉnh như Đà Nẵng, Quảng Bình, các nhà hàng, khách sạn, công ty kinh doanh RAT ở tỉnh lân cận đã gọi điện đặt mua rau Văn Đức. Việc gắn nhãn tem nhận diện cho RAT Văn Đức bước đầu đã tạo ra sự cạnh tranh trên thị trường, thúc đẩy sản xuất, tăng thu nhập cho nông dân. Và vấn đề mấu chốt là người tiêu dùng đã thật sự tin tưởng vào chất lượng RAT. "Mỗi ngày có 25-30 ô tô của thương lái đến mua RAT. Hiện RAT Văn Đức sản xuất không đủ để tiêu thụ và cung cấp cho thị trường các tỉnh" - Chủ nhiệm HTX Văn Đức khẳng định.

Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản Nguyễn Như Tiệp cho rằng, việc triển khai dán tem nhãn nhận diện RAT tại Văn Đức đã tạo điểm nhấn quan trọng để RAT có vị trí trên thị trường. Tuy nhiên, mô hình mới chỉ dừng lại ở việc dán tem cho các lô RAT bán buôn, tức mới kiểm soát được từ nơi sản xuất tới cơ sở bán buôn. "Từ năm 2013 trở đi mới mở rộng sang việc dán tem cho các lô hàng bán lẻ để kiểm soát chất lượng RAT tới tận tay người tiêu dùng" - ông Nguyễn Như Tiệp cho biết thêm.