Quảng Nam: Ủ men vi sinh hoạt tính sản xuất thức ăn chăn nuôi
- Thứ hai - 05/09/2016 10:55
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Tháng 3/2016, Trạm Khuyến nông - Khuyến ngư huyện Nông Sơn phối hợp với Chương trình phát triển vùng tại huyện triển khai mô hình sản xuất thức ăn chăn nuôi từ phế phẩm nông nghiệp bằng men vi sinh hoạt tính tại xã Quế Lâm. Mô hình thu hút được 7 hộ tham gia thí điểm.
Gia đình ông Lê Ba (thôn Tứ Trung 2, xã Quế Lâm) nuôi 18 con bò, mỗi vụ mùa ông trồng hơn 5 sào bắp lai. Ông được cán bộ kỹ thuật Trạm Khuyến nông - Khuyến ngư huyện hướng dẫn áp dụng quy trình kỹ thuật sản xuất thức ăn chăn nuôi từ phế phẩm nông nghiệp. Theo đó, từ 100kg thân cây bắp đã thu hoạch, ông đem băm nhỏ, trộn với 250 g muối ăn, 1 kg cám gạo và 160 g men vi sinh hoạt tính. Sau đó trộn đều, rồi cho vào bao ni lông, ủ 60 - 90 ngày. Thực hiện đúng theo quy trình, sản phẩm thu được cho bò ăn rất hiệu quả. “Dùng loại thức ăn trên, tôi thấy bò sinh trưởng, phát triển nhanh hơn. Vụ hè thu này, gia đình tôi sẽ mở rộng mô hình để tận dụng nguồn phế phẩm nông nghiệp từ cây bắp để chế biến nguồn thức ăn dự trữ cho đàn bò vào mùa mưa lũ sắp tới”- ông Ba nói.
Sử dụng men vi sinh hoạt tính, chất lượng và mùi vị kích thích được sự thèm ăn của gia súc. Qua tính toán sơ bộ, một hộ gia đình chỉ đầu từ khoảng 900 nghìn đồng, có thể ủ được 600 kg thức ăn dự trữ cho 1 con bò có trọng lượng 200 kg ăn trong vòng 1 tháng.
Tham gia mô hình sản xuất thức ăn chăn nuôi từ phế phẩm nông nghiệp bằng men vi sinh hoạt tính này, người nông dân được tập huấn kỹ thuật, hỗ trợ các thiết bị vật tư gồm: 2 máy thái đa năng, bao ni lông, bao lát, men vi sinh hoạt tính... Anh Lưu Ngọc Chung (thôn Tứ Trung 1, xã Quế Lâm) cho biết: “Khi mới tham gia mô hình này, tôi còn dè dặt, chưa biết hiệu quả như thế nào nên ủ thử 120 kg cây đậu phụng. Sau 3 tháng ủ, đem ra thấy đàn bò rất thích ăn, tiêu hóa tốt, bò mượt lông, lớn nhanh hơn”.
Theo thông tin từ Trạm Khuyến nông - Khuyến ngư huyện Nông Sơn, mô hình này được triển khai đã góp phần tận dụng tối đa nguồn phế phẩm nông nghiệp trên địa bàn một cách hiệu quả, góp phần rất lớn vào việc bảo vệ môi trường sản xuất nông nghiệp tại địa phương. Thức ăn sau khi lên men sẽ bổ sung vào hệ tiêu hóa của gia súc một lượng vi sinh vật có lợi cho đường ruột. Điều này sẽ góp phần giảm chi phí thuốc men, giảm tỷ lệ mắc bệnh đường ruột cho trâu, bò. Điều quan trọng nhất gia súc khi sử dụng thức ăn sẽ sinh trưởng phát triển tốt, tăng trọng nhanh. Đồng thời, giúp bà con chăn nuôi tự chủ trong việc dự trữ được nguồn thức ăn cho vật nuôi vào mùa mưa lũ.
Ông Trần Văn Lưu - Trạm trưởng Trạm Khuyến nông - Khuyến ngư huyện Nông Sơn cho biết, thời gian tới, trạm sẽ tiếp tục duy trì và nhân rộng mô hình này đến các địa phương khác trên toàn huyện; hướng dẫn, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho những vùng lân cận cùng thực hiện.
Nguồn: baoquangnam