Quảng Trị: Chọn lọc giống lợn đực ưu việt nâng cao chất lượng chăn nuôi

Quảng Trị: Chọn lọc giống lợn đực ưu việt nâng cao chất lượng chăn nuôi
Trong chăn nuôi, ngoài các yếu tố thức ăn, kỹ thuật chăm sóc, thì con giống quyết định rất lớn đến năng suất và hiệu quả sản xuất. Vì vậy những năm qua, Sở Nông nghiệp và PTNT đã chú trọng đầu tư cho lĩnh vực chọn giống để tạo được nguồn giống tốt phục vụ chăn nuôi trên địa bàn.
Giống tốt là một trong những yếu tố quyết định đến hiệu quả chăn nuôi lợn thịt

Đề tài “Chọn lọc giống lợn đực ưu việt nhằm nâng cao năng suất và chất lượng lợn nuôi thịt tại Quảng Trị” được Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh triển khai thực hiện trong 2 năm, từ tháng 8/2015- 8/2017 nhằm nâng cao chất lượng đàn lợn giống thương phẩm trên địa bàn tỉnh; chọn lọc được giống lợn thương phẩm năng suất, chất lượng cao, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế cho người chăn nuôi.

Thông qua việc thực hiện đề tài để xác định sức sản xuất của các nhóm lợn đực giống 1 máu ngoại, 2 máu ngoại, 3 máu ngoại; các chỉ tiêu về năng suất, chất lượng của 3 loại lợn đực giống khi nuôi tại tỉnh; các chỉ tiêu sinh sản của các giống lợn nái hiện đang nuôi tại tỉnh; đánh giá các chỉ tiêu về năng suất, phẩm chất thịt xẻ của các tổ hợp lợn lai nuôi thịt tại tỉnh; từ đó đưa ra kết luận, khuyến cáo tổ hợp lai nuôi thịt phù hợp và tối ưu nhất tại Quảng Trị và chọn lọc được giống lợn ưu việt đưa vào chăn nuôi đại trà nhằm nâng cao chất lượng đàn lợn giống thương phẩm trên địa bàn tỉnh, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế cho người chăn nuôi.

Hàng năm trên địa bàn tỉnh, thịt lợn hơi xuất chuồng chiến khá lớn trong tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng của tỉnh (chiếm khoảng 73- 75% tổng sản lượng thịt gia súc, gia cầm sản xuất được của tỉnh). Trước nhu cầu phát triển của nền kinh tế và mức sống của người dân được nâng cao, nhu cầu về thịt có chất lượng cao cũng ngày càng đòi hỏi nhiều hơn, đặc biệt về chất lượng thịt phục vụ cho xuất khẩu phải có tỷ lệ nạc cao, bắt buộc chăn nuôi trong nước phải phải thay đổi để đáp ứng nhu cầu thị trường tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Tuy vậy, sức sản xuất và xuất khẩu thịt lợn của cả nước nói chung và tỉnh Quảng Trị nói riêng vẫn chưa có sức cạnh tranh mà nguyên nhân chủ yếu là do năng suất, tỷ lệ nạc còn thấp và giá thành sản phẩm còn cao. Trong chăn nuôi thì giống, thức ăn, nuôi dưỡng và thú y là các yếu tố quan trọng quyết định đến sự thành bại của quá trình sản xuất, trong đó giống là yếu tố tiền đề, đóng vai trò rất quan trọng trong việc nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và hiệu quả kinh tế.

Trong thời gian gần đây, để tiếp tục nâng cao năng suất, hiệu quả chăn nuôi, bên cạnh những giống lợn nội tốt (như lợn Móng Cái) và các giống lợn ngoại tốt (như lợn Yorkshire, Landrace) thì tại tỉnh còn nhập nhiều giống lợn đực ngoại mới như Pietrain, Du roc và các lợn đực giống 2, 3 máu ngoại. Tuy nhiên, việc nhập lợn đực giống vẫn còn thực hiện ở mức độ cảm tính chứ chưa có những đánh giá giống lợn đực nào mang tính ưu việt, năng suất, chất lượng cao phù hợp với điều kiện chăn nuôi tại Quảng Trị để khuyến cáo cho người chăn nuôi và lai tạo được các giống lợn lai thương phẩm đạt chất lượng cao áp dụng vào sản xuất đại trà, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế trong chăn nuôi.

Ông Nguyễn Sinh Tung, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết: “Việc đánh giá đúng các chỉ tiêu kỹ thuật của các giống lợn đực có ảnh hưởng rất nhiều đến khả năng sản xuất của thế hệ con lai thương phẩm. Vì vậy định hướng, khuyến cáo cho người chăn nuôi về việc sử dụng đối tượng lợn đực giống và chọn lọc được tổ hợp lai thương phẩm nào cho năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế cao vào sản xuất đại trà hiện nay là vấn đề hết sức cấp thiết nên chúng tôi lựa chọn nghiên cứu đề tài này”.

Đề tài đã xây dựng nội dung, phương pháp nghiên cứu, xây dựng quy trình nuôi lợn đực giống; nuôi lợn nái các loại, các quy trình nuôi lợn thịt lai của các tổ hợp lai khác nhau, triển khai mô hình thí nghiệm, tập huấn nuôi và giám sát, theo dõi các chỉ tiêu trên các đối tượng lợn tại các mô hình, đồng thời điều tra, thu thập, tổng hợp và xử lý số liệu.

Trong quá trình thực hiện mô hình thí nghiệm có sự giám sát triển khai mô hình. Đề tài có sự tham gia của cán bộ nghiên cứu, kỹ thuật tại các trại giống và người chăn nuôi thực hiện mô hình thí nghiệm. Đề tài đã chọn các giống lợn nái Móng Cái, F1 và nái ngoại để làm thí nghiệm lai tạo cho 3 giống lợn đực là giống lợn được thuần ngoại, giống lợn đực ngoại lai 2 máu và giống lợn đực ngoại lai 3 máu.

Trong quá trình thực hiện, các trại giống nuôi lợn đực giống theo dõi và thu thập số liệu phẩm chất tinh; mỗi nông hộ tham gia mô hình nuôi lợn nái thí nghiệm phải nuôi 18 lợn nái để thực hiện các lai tạo và theo dõi, báo cáo số liệu lợn nái mang thai, chửa, đẻ, nuôi con và số nông hộ nuôi lợn thịt theo dõi và thu thập số liệu tăng trọng và chất lượng lợn nuôi thịt.

Đề tài có ý nghĩa quan trọng trong nghiên cứu khoa học cũng như trong thực tiễn sản xuất. Kết quả đề tài sẽ cung cấp thông tin về các chỉ tiêu sinh trưởng và khả năng sản xuất của từng giống lợn đực giống và các chỉ tiêu kỹ thuật của thế hệ con lai thương phẩm được tạo ra giữa các giống lợn đực và các giống lợn nái khác nhau; là cơ sở khoa học tiền đề phục vụ các nghiên cứu tiếp theo chuyên biệt về lợn đực giống, lợn nái sinh sản, lợn con theo mẹ và lợn thịt nuôi tại tỉnh Quảng Trị.

Sau gần 2 năm triển khai, qua những nghiên cứu khoa học và thí nghiệm thực tế, đề tài đang trong giai đoạn đưa ra những kết luận chính xác làm căn cứ cho người chăn nuôi trên địa bàn tỉnh lựa chọn sử dụng tinh của các giống lợn đực ưu việt nhất để phối với từng giống nái đang nuôi. Từ đó chọn lọc được giống lợn lai thương phẩm năng suất, chất lượng cao phù hợp với điều kiện chăn nuôi tại Quảng Trị.

Kết quả đề tài cũng là căn cứ xây dựng định hướng phát triển chăn nuôi lợn cho tỉnh trong thời gian tới, góp phần nâng cao chất lượng đàn lợn thương phẩm, tăng hiệu quả kinh tế cho người chăn nuôi.

Võ Thái Hòa
Nguồn tin: Báo Quảng Trị