Rau quả "khủng" trồng bằng công nghệ vũ trụ: Tin được không?
- Chủ nhật - 09/09/2012 04:33
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Ớt to bằng dưa chuột, dưa chuột to bằng bí
Năm 2008, Viện Khoa học Nông nghiệp Quảng Đông (Trung Quốc) đã khiến giới nghiên cứu xôn xao khi đăng tải hàng loạt ảnh các loại rau củ ngoại cỡ mà họ giới thiệu là được trồng bằng hạt giống mang về từ vũ trụ.
Một bức ảnh chụp quả bí ngô to gấp 10 lần bình thường và nặng hơn 90kg nằm chễm trệ trên bàn cân. Giàn bí đao, dù được làm bằng loại thép tốt, vẫn trĩu xuống dưới sức nặng của những quả bí hơn 70kg. Nếu không được chằng buộc cẩn thận, hẳn chúng đã đứt cuống rơi xuống, gây tai nạn cho những người làm việc bên dưới.
Ớt to bằng dưa chuột |
Ớt to như quả dưa chuột, còn dưa chuột thì to như quả bí. Cà chua nhỉnh hơn quả bưởi và nặng trên dưới 1kg cũng không phải là của hiếm.
Không những thế, theo giới thiệu của các nhà khoa học Trung Quốc thì các loại rau quả này còn rất thơm ngon và bổ dưỡng. Hàm lượng vitamin C, các nguyên tố vi lượng như kẽm cao gấp vài lần các loại rau quả trồng bằng hạt thường. Tất cả đều là thành quả từ những hạt giống được gửi vào vũ trụ và mang về một vài năm trước đó.
Nhà nhà trồng cây vũ trụ
Theo các phương tiện truyền thông Trung Quốc, chương trình gửi hạt giống vào vũ trụ, bắt đầu năm 1987. Hạt giống được đưa lên quỹ đạo ở độ cao từ 200 đến 400km, lưu lại đó trong một thời gian nhất định trước khi được mang trở về Trái đất.
Chùm nho "vũ trụ" (bên trái) và nho thường |
Sau những đợt trồng thử nghiệm đầu tiên, nhận thấy hạt giống mang về từ vũ trụ cho năng suất và chất lượng cao hẳn mức thông thường, chương trình này đã được mở rộng. Năm 2006, Trung Quốc đã chế tạo một vệ tinh thu hồi mang tên Shijian-8, chuyên dùng để vận chuyển hạt giống qua lại giữa Trái đất và vũ trụ.
Với sự hoạt động của Shijian-8, không chỉ các cơ sở khoa học của nhà nước mà cả các trang trại tư nhân cũng có thể gửi hạt giống của mình vào không gian với chi phí khoảng vài trăm nhân dân tệ cho một hạt. Hiện Trung Quốc đã đưa hơn 400 loại hạt giống vào vũ trụ. Diện tích trồng các loại cây này đã phát triển lên hàng trăm nghìn hecta trên hàng chục địa phương.
Lạc quan và nghi hoặc
Lo Zhigang, một nhà khoa học Trung Quốc tham gia chương trình hạt giống vũ trụ cho rằng, bức xạ ngoài không gian, trạng thái vi trọng lực và từ trường có thể đã làm thay đổi cấu trúc gene của hạt. Có thể một số gene trong chuỗi gene bị hoán đổi vị trí cho nhau, hoặc một vài gene nào đó mất đi.
Theo ông Lo thì rau quả vũ trụ không gây ảnh hưởng đến sức khỏe người sử dụng cũng như môi trường, vì nó không phải là sản phẩm của đột biến, cũng không có gene có thể gây hại nào xuất hiện thêm. Với những ưu điểm về năng suất, chất lượng, khả năng chịu hạn và sức đề kháng sâu bệnh tốt, hạt giống từ vũ trụ là cơ hội tuyệt vời để giải quyết vấn đề khủng hoảng lương thực hiện nay.
Tuy nhiên, không phải ai cũng lạc quan như vậy. Một số nhà khoa học Mỹ cũng đã từng gửi hạt giống vào vũ trụ và khi trồng thử nghiệm cũng thu được những sản phẩm có chất lượng cao hơn. Nhưng theo họ, những thay đổi đó hầu như không đáng kể và vẫn nằm trong giới hạn thông thường. Kết quả thu được hoàn toàn không tương xứng với chi phí bỏ ra.
Tom Corbin (công ty công nghệ sinh học Pioneer Hi-Bred International) cho biết ông đã nghiên cứu rất kỹ những hạt đậu nành mang về từ vũ trụ nhưng không phát hiện ra bất cứ biến đổi nào trong cấu trúc gene.
Weijia Zhou, một chuyên gia giàu kinh nghiệm về chương trình hạt giống vũ trụ tại Trung tâm nghiên cứu Robot và Tự động hóa vũ trụ Wisconsin thì cho rằng không có bằng chứng đủ sức thuyết phục về việc xảy ra các biến đổi về gene trong vũ trụ. Bản thân nhóm của ông đã từng đề xuất với NASA một chương trình mang hạt giống lên vũ trụ, song bị từ chối vì NASA cho rằng chương trình đó không đáng để thực hiện.
Một số loại rau quả được Trung Quốc giới thiệu là trồng bằng công nghệ vũ trụ.
Bí ngô khổng lồ |
Bí "khủng" |
Dàn cây nặng trĩu, chi chít quả |
Hàng loạt loại rau quả có kích thước khó tin |
C.Q (Theo New Scientist, Telegraph)