Sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP: hướng đi cho người dân và doanh nghiệp trong việc nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm

Sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP: hướng đi cho người dân và doanh nghiệp trong việc nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm
Sản xuất chè theo VietGAP là một chứng nhận giúp giám sát hoạt động sản xuất, chế biến và kinh doanh chè bền vững, an toàn và truy nguyên nguồn gốc sản phẩm. Chứng nhận đem lại lợi ích cho người sản xuất, thị trường và người tiêu dùng, bảo vệ môi trường sinh thái.

 
Chè sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP
 
Những năm gần đây, tỉnh ta đã thực hiện chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, hướng dẫn người trồng chè áp dụng quy trình sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGap nhằm nâng cao giá trị sản phẩm. Là xã nằm trong vùng trọng điểm sản xuất chè của huyện Kỳ Anh, Kỳ Thượng có tổng diện tích chè hơn 150 ha, trong đó có hơn 40 ha đang trong thời kỳ kinh doanh. Cây chè đã gắn bó mật thiết với người nông dân và là nguồn thu nhập chính của nhiều hộ trong xã. Xác định cây chè là cây công nghiệp mũi nhọn nên Đảng bộ và chính quyền xã Kỳ Thượng luôn tích cực vận động nhân dân trồng chè thay thế diện tích trồng các cây khác như sắn, lạc, đậu,… và đầu tư chăm sóc nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm chè. Tuy nhiên, nhu cầu về dinh dưỡng, về chăm sóc và bảo vệ sức khỏe, về nâng cao chất lượng sống, về vệ sinh môi trường và an toàn thực phẩm ngày càng cao. Để đáp ứng được yêu cầu trên năm 2015 dự án phát triển nông nghiệp Hà Tĩnh (CIDA) đã hỗ trợ triển khai mô hình sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP cho toàn bộ diện tích chè kinh doanh của xã nhằm đưa chuỗi sản phẩm chè phát triển có hiệu quả và bền vững. Mô hình được triển khai trên địa bàn xã từ tháng 5/2015, có 160 hộ đăng ký tham gia với diện tích hơn 40ha.  
Triển khai mô hình dự án đã thuê tư vấn hỗ trợ cùng với cán bộ phụ trách của Ban QLDA tiến hành khảo sát thực trạng vùng sản xuất chè của xã, cơ sở chế biến chè của Xí nghiệp chè 12/9, nắm bắt những điểm mạnh, điểm yếu, thuận lợi, khó khăn và những điểm cần khắc phục để phù hợp với yêu cầu. Tiến hành lấy mẫu đất, mẫu nước phân tích hàm lượng các kim loại nặng, lấy mẫu chè phân tích một số các chỉ tiêu sơ bộ và đề nghị Sở Nông nghiệp và PTNT công nhận vùng đủ điều kiện sản xuất chè an toàn; cơ sở đủ điều kiện chế biến đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Xây dựng quy trình thực hiện sản xuất, sơ đồ vùng sản xuất; điều tra tập quán, điều kiện sản xuất của các hộ trong xã để xây dựng quy trình sản xuất phù hợp với điều kiện thực tế. Tổ chức tập huấn kỹ thuật sản xuất chè theo quy trình VietGAP, thanh tra, kiểm tra nội bộ và các nội dung khác cho gần 300 hộ nông dân tham gia mô hình và các hộ nông dân vùng liền kề. Lập hồ sơ ghi chép nhật ký, lưu giữ hồ sơ, truy nguyên nguồn gốc và thu hồi sản phẩm, hướng dẫn các hộ ghi chép đầy đủ nhật ký sản xuất, nhật ký về sử dụng thuốc BVTV, phân bón, bán sản phẩm. Mời tổ chức chứng nhận kiểm tra, chứng nhận quy trình sản xuất chè theo quy trình VietGAP. Tất cả kinh phí triển khai mô hình đều do dự án hỗ trợ, ngoài ra tham gia mô hình các hộ dân còn được hỗ trợ tủ thuốc y tế, bảo hộ lao động theo quy định; hỗ trợ thành lập tổ dịch vụ bảo vệ thực vật và các trang thiết bị máy móc cho tổ hoạt động nhằm kiểm soát tốt hơn việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trên cây chè.
Sau hơn một năm triển khai thực hiện mô hình đã thành công và được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP cho sản phẩm chè búp tươi trên diện tích 40,35ha. Mô hình đã góp phần nâng cao nhận thức của các hộ dân thực hiện mô hình trong việc sản xuất và chế biến chè theo quy trình VietGAP; tiếp cận được quy trình sản xuất hàng hoá chất lượng cao, biết được tính cấp thiết của vấn đề an toàn thực phẩm trên cây chè trong giai đoạn hiện nay; đảm bảo sản phẩm sản xuất ra đạt tiêu chuẩn chất lượng, đáp ứng yêu cầu hội nhập; Tăng hiệu quả kinh tế của các hộ dân tham gia mô hình từ 15- 20 % so với trồng chè đại trà; giảm số lần phun thuốc từ 1-3 lần góp phần hạn chế ô nhiễm môi trường, bảo vệ sức khoẻ cộng đồng, giữ cân bằng hệ sinh thái.
Hiệu quả về kinh tế thì đã rõ, nhưng có lẽ cái được nhất đó là làm chuyển đổi nhận thức của người dân trong việc trồng và chế biến chè theo quy trình sản xuất sạch, đảm bảo chất lượng. Trước đây, người dân đã quen sử dụng phân sinh học chưa qua xử lý để bón cho chè, không quan tâm nhiều đến thời gian cách ly sau phun thuốc thì nay họ đã biết dùng phân vi sinh, thuốc bảo vệ chuyên sử dụng cho cây chè; ghi chép đầy đủ và tuân thủ thời gian cách ly mỗi lần phun cũng như thu hái,… Qua tìm hiểu ý kiến của những người trồng chè tại đây, đa số bà con nông dân đều cho rằng việc chăm sóc chè theo cách làm của VietGap mặc dù có tốn nhiều công sức hơn, tuy nhiên bù lại thì bà con thu hoạch được lượng búp chè nhiều hơn. Các hộ dân đều cho rằng, lượng búp đã tăng ít nhất từ 15- 20%; thêm vào đó, chất lượng chè ngon hơn, do đó giá bán được cũng cao hơn.
Dẫn chúng tôi đi thăm vườn chè của tổ, chị Nguyễn Thị Lệ, tổ trưởng Tổ sản xuất chè theo quy trình VietGap Tiến Quang giới thiệu: Mô hình sản xuất theo quy trình VietGap được triển khai trên địa bàn xã từ tháng 5/2015, có 160 hộ đăng ký với diện tích hơn 40ha. Nhờ có sự quan tâm giúp đỡ của Dự án về kinh phí và đầu tư thiết bị, bảo hộ lao động, các hộ dân lại tận dụng được rơm rạ dư thừa để sản xuất chè theo quy trình mới nên mấy lứa gần đây chè phát triển đều hơn, năng suất, chất lượng sản phẩm chè của tổ được nâng lên và bán được giá hơn, đặc biệt chè sản xuất ra đến đâu tiêu thụ hết đến đó.
Trong khi chiến lược phát triển cây chè đang được tỉnh và các ngành chức năng quan tâm phát triển theo hướng nâng cao giá trị sản phẩm, đảm bảo các tiêu chuẩn về an toàn, chất lượng, thì việc áp dụng tiêu chuẩn VietGAP trong sản xuất chè rất cần được nhân rộng ra nhiều vùng chè trong tỉnh. Vì vậy, tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, cuối năm 2016 dự án tiếp tục hỗ trợ xây dựng mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP cho diện tích chè toàn tỉnh, tập trung ở xã Sơn Kim huyện Hương Sơn, xã Hương Trà huyện Hương Khê và xã Kỳ Trung huyện Kỳ Anh nhằm đạt mục tiêu xây dựng thương hiệu chè Hà Tĩnh để phát triển sản phẩm ra các thị trường có giá trị cao hơn và thị trường nội địa từ đó nâng cao thu nhập cho các hộ nông dân.
 
Theo Đặng Thị Thuận/sonongnghiephatinh.gov.vn