Sản xuất lúa theo công nghệ sinh thái
- Thứ hai - 15/02/2016 06:52
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Mô hình canh tác lúa theo CNST “ruộng lúa bờ hoa” - Ảnh: Đặng Ngọc
Nâng cao chất lượng lúa gạo
An Giang là tỉnh đi đầu thực hiện mô hình CNST với diện tích lớn nhất khu vực ĐBSCL. Vụ đông xuân năm nay, toàn tỉnh có 164 mô hình sản xuất theo CNST với tổng diện tích 2.368 ha và dự kiến tiếp tục mở rộng trong các năm sau. Ông Nguyễn Hữu An, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật An Giang, cho biết việc áp dụng mô hình CNST nằm trong chương trình “1 phải, 5 giảm” nhằm tạo ra sản phẩm không tồn dư hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật; nâng cao chất lượng và giá trị lúa hàng hóa để đáp ứng nhu cầu xuất khẩu. “Cùng với sự phát triển không ngừng của xã hội thì yêu cầu của người dân về sản phẩm tiêu dùng chất lượng, đặc biệt là mặt hàng lúa gạo cũng ngày một tăng cao. Những thương hiệu lúa gạo có nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo chất lượng đang dần khẳng định vị thế của mình trên thị trường”, ông An nói.
Theo ông An, muốn giúp nông dân giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất, chất lượng và hạn chế ô nhiễm môi trường cần phải ứng dụng tổng hợp các tiến bộ kỹ thuật mới trong canh tác; từng bước hướng dẫn nông dân thực hiện nhiều giải pháp mang tính điều chỉnh như: san phẳng mặt ruộng điều khiển bằng tia laser, áp dụng tưới nước tiết kiệm, giảm lượng giống gieo sạ, bón phân hữu cơ, giảm lượng phân hóa học... Bên cạnh đó, nông dân cần hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật thông qua việc áp dụng mô hình CNST, sử dụng các chế phẩm sinh học để phòng trừ sâu rầy, xuống giống theo thời vụ để tránh thiên tai, lũ lụt, dịch hại… Việc áp dụng mô hình sản xuất này phải tiến hành một cách cụ thể, thống nhất nhằm đảm bảo phát triển sản xuất theo hướng bền vững, giảm ô nhiễm môi trường đồng ruộng, từ đó giảm chi phí đầu tư, tăng lợi nhuận cho nông dân; đồng thời hướng đến quy trình sản xuất công nghệ cao theo tiêu chuẩn GlobalGAP.
Nhân rộng mô hình
Ông An cho biết để mô hình sản xuất này ngày càng phát triển mạnh, tỉnh đã đứng ra tổ chức chương trình thi đua canh tác lúa theo CNST cho nông dân. Đây là hình thức tuyên truyền sâu rộng, góp phần nâng cao nhận thức của nông dân trong việc giảm thuốc trừ sâu rầy.
Theo ông Nguyễn Văn Bé Năm (xã Vĩnh Phú, H.Thoại Sơn), trước đây ruộng lúa của ông luôn được sạ dày. Từ năm 2009, khi được Trạm Bảo vệ thực vật huyện tập huấn chương trình “3 giảm 3 tăng” và “1 phải, 5 giảm”, ông bắt đầu thay đổi cách sản xuất. “Theo hướng dẫn, tôi trồng hoa trên ruộng lúa để dẫn dụ thiên địch nên giảm được 2 - 3 lần lượng thuốc phun ở giai đoạn đầu và trước khi thu hoạch. Đặc biệt, năng suất lúa luôn đạt từ 6 - 7 tấn/ha, tiết kiệm mỗi vụ khoảng 1,5 - 2 triệu đồng/ha”, ông Năm nói.
Còn ông Nguyễn Thanh Sang (ở xã Long Kiến, H.Chợ Mới), người đoạt giải nhất trong phong trào thi đua ứng dụng CNST ở vụ lúa đông xuân 2014 - 2015, cũng cho biết từ khi áp dụng CNST trong sản xuất, ruộng của ông trở nên đẹp hơn, đồng thời tiết kiệm mỗi vụ hơn 3 triệu đồng/ha. Vụ đông xuân năm nay, với diện tích canh tác 1,2 ha, ông trồng dọc theo bờ đê các loại hoa như sao nhái, cúc, hướng dương và đậu bắp. Bên cạnh đó, ông còn áp dụng chương trình “1 phải, 5 giảm” nên hiệu quả tăng lên rõ rệt, năng suất mô hình trồng hoa đạt 7,2 tấn/ha, lợi nhuận thu về gần 18 triệu đồng/ha, cao hơn gần 8 triệu đồng so với ngoài mô hình. “Không những tiết kiệm được chi phí mà tôi còn hạn chế tiếp xúc với thuốc trừ sâu, an toàn hơn cho sức khỏe. Những vụ lúa tiếp theo, gia đình tôi sẽ tiếp tục thực hiện và kêu gọi nông dân trong xóm cùng làm theo mô hình sản xuất này”.
Theo Đặng Ngọc/nongnghiep.vn