“Sản xuất sạch” để nâng cao chất lượng trái cây đặc sản

Trong xu thế hội nhập như hiện nay, chất lượng sản phẩm phải là mối quan tâm hàng đầu. Việc sản xuất theo kiểu mạnh ai nấy làm thời gian qua đã khiến cho trái cây Việt Nam khó cạnh tranh với trái cây nước bạn. Các nhà khoa học, chuyên gia kinh tế đã chỉ ra rằng, chỉ có sản xuất áp dụng tiêu chuẩn GAP, tập trung thành những vùng nguyên liệu sản xuất và thu hoạch đồng loạt, tham gia vào các tổ hợp tác, hợp tác xã để có pháp nhân trên thị trường là những việc người nông dân cần phải làm để tồn tại và phát triển.
Áp dụng tiêu chuẩn GAP vào mô hình trồng bưởi da xanh

Chọn giống và xử lý thiên địch

Bến Tre hiện có khoảng 33 ngàn héc-ta cây ăn trái, sản lượng hàng năm trên 388 ngàn tấn. Trong đó, có các loại trái cây đặc sản như bưởi da xanh, chôm chôm, măng cụt, nhãn. Tuy nhiên, năng suất và chất lượng trái cây trong tỉnh chưa được khẳng định thương hiệu đúng với tiềm năng của nó.

Tiến sĩ Bùi Thanh Liêm - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chợ Lách nhấn mạnh: Khâu chọn giống là yếu tố quyết định để cây trồng có hiệu quả cao nhất. Bởi giống quyết định năng suất, chất lượng và dạng trái đẹp; tính thích nghi, chống chịu với các điều kiện môi trường và dễ cho trái rải vụ. Ngoài ra, các khâu khác như kỹ thuật chăm sóc khoa học, chọn và cách bón phân, thời điểm thu hoạch là những yếu tố quyết định chất lượng trái cây đặc sản.

Cùng quan điểm, kỹ sư Nguyễn Thị Nguyệt - Chi cục phó Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh cho rằng, khâu phòng trừ ký sinh “thiên địch” trong quá trình chăm sóc vườn cũng là yếu tố quyết định sức khỏe của vườn cây. Nhiều nông dân hiểu lầm là chỉ cần làm tốt công tác vệ sinh, tăng cường phun xịt thuốc trừ sâu để vườn sạch sẽ hơn thì trái cây sẽ cho năng suất cao và trái có chất lượng hơn. Nông dân không hiểu rằng, vườn cây cũng là một hệ sinh thái và cũng có quy luật phát triển của nó. Nghĩa là trong các loại thiên địch, có những vi khuẩn, sâu bọ có lợi song song tồn tại đối kháng với những vi khuẩn, sâu bọ có hại. Vì thế, nếu chúng ta lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật chẳng những dẫn đến nguy cơ hủy hoại môi trường mà còn vô tình cắt đứt, phá hủy hệ sinh thái bền vững của vườn cây. Điều đó sẽ có hại cho sự phát triển của vườn cây cũng như hương vị đặc sản vốn tự nhiên của trái cây.

Cần áp dụng “nông nghiệp sạch” vào sản xuất

Trong thời buổi kinh tế thị trường và hội nhập như hiện nay, cũng như những sản phẩm khác, trái cây chịu sự cạnh tranh khốc liệt với trái cây nhập khẩu từ nước ngoài. Vì thế, chẳng những khâu chọn giống, chăm sóc quan trọng mà khâu thu hoạch, bảo quản sau thu hoạch và tìm thị trường cũng hết sức quan trọng.

Tiến sĩ Lê Quốc Điền, công tác tại Viện Cây ăn quả miền Nam, cho rằng: Nông dân trồng cây ăn trái ở Bến Tre nên dành ít nhất 2 năm để cải tạo vườn và làm quen dần với kiểu sản xuất khoa học, tuân thủ những quy hoạch vùng chuyên canh, cho trái rải vụ theo mô hình “sản xuất sạch GAP” để có thể tận dụng hết lợi thế về điều kiện thiên nhiên ưu đãi mà giữ được sân nhà trước sự du nhập của trái cây nước bạn trong điều kiện hàng rào thuế quan sắp dỡ bỏ.

Đến năm 2018, trái cây Việt Nam sẽ phải cạnh tranh công bằng với trái cây nhập khẩu mà không có lợi thế nào về giá cả. Chúng ta cần phải áp dụng “sản xuất sạch”, không có cách nào khác. Trên thực tế, ở Bình Thuận, Lâm Đồng, nông dân đã quen dần với việc áp dụng phương pháp sản xuất sạch. Riêng nông dân Bến Tre chưa quen với việc ghi chép trong quá trình chăm sóc và thậm chí còn xem thường việc làm đó, cứ mặc nhiên sản xuất thiên về số lượng, để rồi thường xuyên phải chấp nhận điệp khúc “trúng mùa rớt giá”; “trồng chặt - chặt trồng”. Để thực hiện được GAP, vai trò của chính quyền địa phương cực kỳ quan trọng. Thế nhưng  thực tế hiện nay, một số lãnh đạo địa phương chưa quan tâm tuyên truyền, bởi ngay cả bản thân họ cũng chưa hiểu nhiều về GAP. Ở Bình Thuận, Chủ tịch UBND tỉnh đã mạnh dạn ra quyết định rằng tất cả chủ tịch UBND các xã, huyện phải tham dự tập huấn và có chứng nhận sản xuất GAP trước khi nhậm chức và nhờ đó, họ đã làm rất bài bản đối với cây thanh long.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Hòa - Viện trưởng Viện Cây ăn quả miền Nam cũng cho biết: Khâu thu hoạch và bảo quản đóng vai trò vô cùng quan trọng để có được thị trường tốt. Việc cẩn thận thu hoạch sẽ giúp trái cây ít bị tổn thương và sẽ rất hiệu quả trong khâu bảo quản, vận chuyển trái cây đi xa. Việc áp dụng “sản xuất sạch” sẽ làm minh bạch nguồn gốc trái cây trên thị trường. “Người ta ăn sẽ biết ngay trái cây đó của vườn nhà ai, rồi họ sẽ an tâm hơn. Khách du lịch đến từ các nước phát triển đánh giá rất cao, đồng thời cảm thấy thân thiện với xứ sở mà họ đến thông qua yếu tố này. Như thế, việc sản xuất sạch chẳng những giảm thiểu ảnh hưởng của môi trường đến sức khỏe người nông dân, trái cây có chất lượng cao, bán được giá mà còn có ý nghĩa kích cầu du lịch phát triển” - Tiến sĩ Hòa khẳng định. 

“Tôi có dịp đi tham quan nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp ở nhiều nước trên thế giới. Lần đến Đài Loan gần đây, tôi nhớ trong đoàn có nông dân sản xuất giỏi của Bến Tre về trồng cây có múi. Vườn cam của nông dân Đài Loan cùng diện tích với nông dân này và cả 2 đều thu nhập trên 1 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, sản lượng của nông dân Đài Loan chỉ 20 tấn/ha, trong khi nông dân Bến Tre gần 100 tấn/ha. Cây trong vườn của nông dân Đài Loan rất thấp, thưa cây, cho trái rất ít nhưng trái rất đều, đẹp. Vườn của nông dân Bến Tre rất sai trái, cây khít rịt nhưng số lượng trái đạt chuẩn chưa tới 30%. Vườn cây của nông dân Bến Tre sẽ mất tuổi thọ ít nhất 50% và trái cây của anh sẽ không thể xuất bán sang bất kỳ nước nào có kiểm định về chất lượng nông sản sạch”, Tiến sĩ Nguyễn Minh Châu - nguyên Viện trưởng Viện Cây ăn quả miền Nam nói.

Nguồn: báo Đồng Khởi