Chuẩn bị nguyên liệu làm đệm lót sinh học bao gồm: theo tỷ lệ 2 kg chế phẩm BALASA N01 cần 15 kg bột bắp, còn trấu và mùn cưa bảo đảm rải đủ độ dày 60 cm. Chế phẩm BALASA N01 cần ủ với bột bắp và nước sạch theo tỷ lệ thích hợp trong thời gian 24 giờ trước khi dùng. Các bước làm đệm lót sinh học như sau: Rải lớp hỗn hợp trấu và mùn cưa dày 30 cm, dùng vòi phun nước sạch đều lên lớp trấu và đảo để trấu ẩm đều và san phẳng mặt; tưới đều dịch men đã chuẩn bị trước sau đó rải đều bột bắp đã xử lý men lên lớp đệm trấu và mùn cưa; tiếp tục rải thêm một lớp mùn đệm trấu và mùn cưa dày 30 cm rồi làm tương tự như công đoạn vừa thực hiện.
Qua thực tế, đệm lót sinh học ức chế và tiêu diệt hiệu quả sự phát triển của hệ sinh vật có hại, bảo vệ sức khỏe vật nuôi, tiết kiệm đến 80% lượng nước trong chăn nuôi, vừa hạn chế tối đa sự ô nhiễm môi trường. Ngoài ra, còn giảm được công chăm sóc, chất lượng sản phẩm chăn nuôi ngày một tốt hơn, đáp ứng được yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm. Trong suốt quá trình chăn nuôi, không cần dọn phân và rửa chuồng, giảm tỷ lệ mắc bệnh tiêu chảy lợn con, chất độn trong quá trình chăn nuôi tận dụng làm phân hữu cơ bón cho vườn cây. Qua tính toán, chăn nuôi theo mô hình đệm lót sinh học giảm được chi phí sản xuất bình quân 300 nghìn đồng/con/chu kỳ vụ (nuôi ba tháng). Với 200 con trong 12 ô chuồng áp dụng mô hình, nếu thời điểm giá lợn hơi chỉ ở mức 3,6 triệu đồng/tạ thì người nuôi vẫn có lãi. Còn hiện tại, giá lợn hơi dao động trong khoảng 5 - 5,3 triệu đồng/tạ, mỗi tạ lợn hơi nuôi theo mô hình đệm lót sinh học thu lợi nhuận từ 1,5 đến 1,8 triệu đồng, chỉ sau từ 3 đến 3,5 tháng tùy theo kỹ thuật chăn nuôi.