Tăng năng suất chất lượng nông nghiệp với cuộc 'cách mạng' về giống
- Thứ sáu - 24/06/2016 06:50
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Thực tế trong những năm qua, công tác nghiên cứu tạo chọn giống mới ở nước ta chưa được đầu tư quan tâm đúng mức. Phần lớn các loại giống đều phải nhập từ nước ngoài. Trong cả nước hiện mới chỉ có khu vực Đà Lạt (Lâm Đồng) là đặc biệt trú trọng đến việc nghiên cứu tạo chọn giống mới có năng suất, chất lượng cao, đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng và phù hợp với điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng của Đà Lạt.
Hiện nay, Lâm Đồng có khoảng 50 cơ sở ứng dụng công nghệ nuôi cấy mô thực vật. Hàng năm, các cơ sở này cung cấp cho thị trường khoảng 30 triệu giống cấy mô các loại. Đây là nguồn cây giống ban đầu phục vụ cho các vườn ươm tiếp tục nhân giống cho sản xuất. Đặc biệt, một số cơ sở đã có được những hợp đồng xuất khẩu cây giống in-vitro sang châu Âu với số lượng khoảng 10 triệu cây giống/năm.
Những năm gần đây, Trung tâm Nghiên cứu khoai tây, rau và hoa thuộc Viện Khoa học kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam đã nỗ lực thể hiện vai trò của mình trong việc nghiên cứu tạo chọn giống có năng suất cao, chất lượng tốt, phù hợp với điều kiện tự nhiên và thổ nhưỡng tại Đà Lạt. Đến nay, đơn vị đã nghiên cứu chọn tạo được hàng chục giống mới như giống dâu tây Langbiang 2, có khả năng kháng bệnh, năng suất đạt từ 25-30 tấn quả/ha/năm.
Hay giống khoai tây PO3 nhập nội, sản suất chiếm tới 80% diện tích tại Lâm Đồng hiện nay, năng suất trung bình đạt 30 tấn/ha/vụ. Giống khoai tây TK96.1 cho năng suất 35 tấn/ha/vụ, có khả năng kháng mốc, sương trong mùa mưa. Riêng về hoa, Trung tâm này đã nghiên cứu chọn tạo được 16 loại, như hoa cúc, đồng tiền, salem, cẩm chướng, địa lan… Những giống cây mới này đã góp phần đắc lực vào sự thành công của nền nông nghiệp ứng dụng CNC tại Đà Lạt.
Chọn tạo giống mới đem lại nên nông nghiệp hiện đại với năng suất chất lượng cao
Ông Phạm S - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết, tại địa phương hiện nay đã có một số công ty nước ngoài tới đầu tư xây dựng nhà máy, vùng nông trại sản xuất hạt giống cây rau, hoa, điển hình là Công ty TNHH sản xuất Bejo Việt Nam (huyện Lâm Hà), doanh nghiệp chuyên nghiên cứu, sản xuất, chế biến, xuất khẩu hạt giống rau, củ, quả.
Công ty này đã xây dựng mô hình thử nghiệm sản xuất giống cây trồng với vốn đầu tư lên tới 11,5 triệu USD, hàng năm sản xuất khoảng 7 tấn hạt giống các loại. Tuy nhiên, ông Phạm S cũng cho biết việc nghiên cứu tạo chọn giống hiện tại vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của nền nông nghiệp CNC.
Trước đó, Viện Khoa học nông nghiệp (KHNN) Việt Nam và Hiệp Hội Thương mại giống cây trồng Việt Nam (Hiệp hội) đã phối hợp tổ chức Hội nghị “Hợp tác chọn tạo và thương mại giống cây trồng giữa Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam và Hiệp Hội Thương mại giống cây trồng Việt Nam”. Tham dự Hội nghị có nhiều nhà khoa học, nhà quản lý và đại diện công ty giống cây trồng của nhiều địa phương trong cả nước.
Hội nghị được tổ chức nhằm tạo ra một diễn đàn để các nhà khoa học, các nhà quản lý và các doanh nghiệp tập trung thảo luận, trao đổi phương thức phối hợp để có hiệu quả cao nhất giữa viện nghiên cứu và các doanh nghiệp. Đây cũng là cơ hội cho các đơn vị giới thiệu các giống cây trồng mới có thể thương mại hóa.
Chia sẻ quan điểm của về vấn đề trên, ông Ngô Văn Giáo- Chủ tịch Hiệp Hội cho rằng, muốn có một nền công nghiệp hạt giống lớn mạnh thì cần phải có 3 trụ cột, đó là nghiên cứu chọn tạo giống, sản xuất hạt giống và khâu cuối vô cùng quan trọng là kinh doanh hạt giống, đưa hạt giống đến với người nông dân.
Ông Giáo nhấn mạnh, việc ký hợp tác thỏa thuận giữa Viện KHNN Việt Nam và Hiệp Hội có ý nghĩa lịch sử, là bước khởi đầu cho một hướng đi đầy triển vọng cho ngành giống cây trồng ở Việt Nam. Song để thực hiện được việc liên kết này có hiệu quả tốt nhất cần phải có sự chung tay của các cấp, ban ngành.
Theo Nguyễn Hương/vietq.vn