Thanh Hoá: Dùng thuốc trừ sâu quá hạn, thuốc lào chết hàng loạt

Thanh Hoá: Dùng thuốc trừ sâu quá hạn, thuốc lào chết hàng loạt
Người trồng thuốc lào xã Quảng Định, huyện Quảng Xương vụ này xem như mất trắng khi rất nhiều diện tích thuốc lào trên địa bàn bỗng nhiên úa vàng, thối gốc và chết hàng loại, nguyên nhân là do người dân phun phải thuốc trừ sâu đã hết hạn sử dụng.

Đang chăm sóc những cây thuốc lào còn sót lại, thấy chúng tôi chị Phạm Thị Hà ở thôn 10, xã Quảng Định mếu máo: “Dân Quảng Định chúng tôi bao nhiêu năm nay no đói cũng từ cây thuốc lào này mà ra cả, giờ sắp đến ngày thu hoạch thì bổng nhiên chết hàng loạt thế này thì chúng tôi biết bấu víu vào đâu”.

“Nhà tôi trồng được 3 sào, ngày sau khi mua thuốc đầu cá sấu về phun được ngày hôm trước, hôm sau ra thấy cây non đã héo lá úa vàng, vài ngày sau cây già bắt đầu thâm gốc, thối dần lá dòn, vàng rồi rụng trắng gốc. Năm nay, cây thuốc lào gặp thời tiết thuận lợi nên phát triển rất tốt, cho năng suất cao, nếu giá cả vẫn ổn định thì 3 sào thuốc lào gia đình cũng thu về gần 100 triệu, giờ đây hơn 2 sào chết sạch, coi như công toi” – chị Hà cho biết thêm.
 

Cây thuốc lào chết vàng đồng do thuốc đã hết đát.


Gia đình chị Lê Thị Liên, ở thôn 11 cũng vậy, nhà có hơn 2 sào thuốc lào với số lượng hơn 3.000 cây, thấy cây thuốc xuất hiện sâu xanh, chi đã mua thuốc đầu cá sấu về dùng, chỉ 3 ngày sau, toàn bộ diện tích thuốc lào nhà chị đã bị héo rũ và chết. “Thuốc trừ sâu hiệu đầu cá sấu chỉ mới xuất hiện trên thị trường từ mấy năm nay. Như mọi năm tôi vẫn dùng thuốc này và thấy có hiệu quả. Ai ngờ năm nay bơm vào cây lại chết hàng loạt như vậy” - chị Liên bức xúc nói.

Không chỉ có gia đình chị Hà, chị Liên mà có rất nhiều hộ gia đình trồng thuốc lào trên địa bàn xã Quảng Định, huyện Quảng Xương cũng có diện tích chết sau khi dùng thuốc đầu cá sấu để giệt sâu. Được biết, thuốc đầu cá sấu mà người dân quen gọi đó là loại thuốc trừ sâu sinh học Golnitor, được đăng ký và phân phối bởi “HOABINH INTERNATIONAL CORP”, có địa chỉ số 5/20, Huỳnh Thúc Kháng, Láng Hạ, Đống Đa - Hà Nội.

Bà Trần Thị Hải, Trưởng thôn 11 cho biết: “Toàn thôn có diện tích gần 2 mẫu, nhưng hơn nửa tháng nay (kể từ khi phun vào ngày 17/3) đã có hơn một nửa diện tích bị chết do phun thuốc trừ sâu đầu cá sấu. Nhiều hộ gia đình bỏ ruộng vì vô phương cứu chữa. Số còn lại người dân trở nên hoang mang, không biết phải dùng loại thuốc nào cho phù hợp, trong khi sâu bệnh đang hoành hành”.

Trao đổi với PV KTNT, ông Đoàn Thành Lê, Phí chủ tịch UBND xã Quảng Định cho biết: “Sau khi nhận được phản ánh của các hộ dân, chúng tôi đã cho cán bộ xuống kiểm tra, lấy mẫu thuốc người dân về dùng và phát hiện thấy có nhiều gói thuốc đã hết hạn sử dụng đến 2 năm. Hiện, đã có 18 hộ dân báo cáo lên xã diện tích bị chết do thuốc và toàn xã đã có khoảng 2ha bị ảnh hưởng do thuốc, ước tính thiệt hại khoảng 500 triệu đồng”.

Loại thuốc mà người dân dùng để phun dẫn đến thuốc lào chết hàng loạt.


“Để kiểm tra chính xác hơn, xã đã mua một số hộp (một hộp thuốc có 10 gói) về bóc ra kiểm tra và phát hiện mỗi hộp có ít nhất 4 gói thuốc đã hết đát, thậm chí có hộp có đến một nửa đã quá hạn. Chúng tôi đã gọi công ty và công ty có cử cán bộ về kiểm tra và họ cũng xác nhận là do thuốc, và yêu cầu những người dân nào có diện tích chết thì báo cáo lên xã để công ty có phương án đền bù” – ông Lê cho biết thêm.

Đem thắc mắc về việc quản lý, cung ứng loại thuốc đầu cá sấu đã hết hạn nhưng vẫn được các địa lý bán cho người dân sử dụng thì ông Đỗ Hữu Quỳnh, Phó Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Thanh Hoá cho biết: “Chúng tôi cũng có nhận được phản ánh của người dân, có cho thanh tra về làm việc, mời công ty đến và họ hứa sẽ bồi thường 1,5 triệu đồng/sào cho người dân. Đây là loại thuốc không có trong danh mục dùng để phun cho cây thuốc lào, dân họ phun chúng tôi cấm làm sao được, trách nhiệm 1 phần là do người dân, 1 phần là do chính quyền địa phương không rat ay xử lý, ngăn chặn người dân nên mới xảy ra tình trạng trên”.

Theo tìm hiểu của PV. thì loại thuốc Golnitor (người dân gọi là đầu cá sấu), được dùng chủ yếu cho việc giệt sâu cuốn lá, rầy nâu trên lúa, sâu xanh trên bắp cải, rệp trên cây cải xanh, dòi đục lá trên cây cà chua, sâu khoang trên đậu tương, bọ trĩ, sâu xanh trên dưa hấu… là những loại cây trồng mà người tiêu dùng hiện nay đang sử dụng hàng ngày trên thị trường. Chính vì thế nếu một lượng thuốc đã hết đát này không dùng cho thuốc lào mà dùng cho những loại cây trồng trên thì hậu quả sẽ ra sao?

Về việc này thì ông Quỳnh lý giải: “Cũng có ảnh hưởng, nhưng đây là thuốc sinh học nên không nhiều”. Rồi ông phân trần: “Do lực lượng thanh tra mỏng, có 3 người trong khi đó tỉnh có tới 27 huyện thị, có đến hàng trăm, hàng nghìn đại lý bán thuốc nên chúng tôi làm sao quản lý hết được”.

Trước thực trạng cây thuốc lào chết hàng loạt do phun phải thuốc trừ sâu đã quá hạn, gióng lên cho các cơ quan quản lý về lĩnh vực này về cung cách quản lý, cũng như giám sát việc buôn bán, sử dụng loại hàng hoá độc hại này, bởi mục đích chính của loại thuốc này là dùng cho rau, củ, quả mà chúng ta đang ăn hàng ngày, nếu hát đát hậu quả sẽ ra sao?.


Thanh Tuấn (kinhtenongthon.com.vn)