“Thầy thuốc” của các loại hoa
- Thứ năm - 28/03/2013 02:58
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Người “thầy thuốc” tận tâm
Với hơn 30 năm làm nghề, ông Oanh là người trồng hoa lớn và nổi tiếng nhất vùng Xuân Quan. Tổng diện tích hoa của ông lên tới hơn 1ha với vườn lan hồ điệp rộng mênh mông, mỗi đợt cho thu hoạch trên 1.000 cây, chưa kể một vườn ly, cúc, đồng tiền và nhiều giống hoa lạ như các giống lan rừng, thược dược lùn, hoa báo xuân,…
Ngày nào cũng vậy, ông chăm hoa tỉ mẩn như một bác sỹ tận tình chăm sóc bệnh nhân. Niềm vui mỗi ngày của ông là ngồi giữa vườn bạt ngàn hoa đang khoe sắc, cầm chiếc kính lúp săm soi từng cánh hoa, từng kẽ lá để tìm sâu, phát hiện sớm bệnh cho cây. Nếu phát hiện sâu bệnh, ông lập tức tìm đủ mọi cách để chạy chữa, không chỉ vì lo mất mùa mà còn bởi lòng thương với những bông hoa. “Tôi đến với hoa vì lòng đam mê. Hoa cũng như con người, cũng có lúc ốm đau, tôi thích ngắm hoa đẹp nhưng cũng muốn thấy chúng luôn khỏe mạnh”, ông Oanh nói.
Có căn bệnh khoa học “bó tay” nhưng đối với những cây hoa bị sâu bệnh thì ông Oanh chưa bao giờ chịu thua. “Có đợt tôi trồng hoa cúc, lá cứ bị cháy từ gốc cháy lên, chữa bao nhiêu cách cũng không khỏi, mang mẫu đi hỏi khắp nơi mà người ta toàn lắc đầu. Tưởng sắp mất trắng thì tôi phát hiện ra nguyên nhân gây bệnh là một loại bọ trĩ chuyên phá cây vào ban đêm, ngày chui xuống đất, vì thế mà đánh thuốc vào ban ngày chẳng có tác dụng gì. Vậy là tôi chuyển sang phun thuốc xuống gốc vào ban đêm và cuối cùng đã có mùa hoa thắng lợi”, ông nhớ lại. Đã nhiều lần ông phải mang hoa đi chạy chữa khắp nơi nhưng không hề bỏ cuộc mà quyết tâm tìm cách chữa cho bằng được. Và cứ thế, ông đã cứu sống hầu hết những luống hoa của mình.
Ông Oanh không dùng thuốc cho hoa bừa bãi, chủ yếu chỉ sử dụng các loại thuốc sinh học, hạn chế đến mức tối đa thuốc hóa học. Theo ông Oanh: “Thuốc hóa học là con dao hai lưỡi. Đối với tôi, sử dụng thuốc hóa học phải đảm bảo ba đúng: đúng cách, đúng lúc và đúng bệnh. Nhiều người vì thiếu hiểu biết, chỉ thấy cái lợi trước mắt mà dùng bừa bãi, không biết nó rất nguy hiểm”. Có thời kỳ ông bỏ hoa hồng để trồng một loại hoa khác. Trồng hoa hồng cần sử dụng nhiều thuốc trừ sâu nên ông muốn hướng đến trồng những loài hoa sử dụng ít thuốc, những cây hoa có thể trồng trong nhà, như vậy sẽ an toàn hơn cho chính mình và người tiêu dùng.
Theo ông Oanh, điều đặt lên hàng đầu của nghề trồng hoa là chất lượng, nghĩa là hoa đẹp và không còn tồn dư thuốc bảo vệ thực vật. “Phun các loại thuốc độc lên hoa có thể diệt nhiều loại sâu bệnh, nhưng nó không chỉ gây hại cho người ngửi mà còn khiến môi trường đất, nước xung quanh nhiễm độc, vì vậy mà tôi hầu như chỉ dùng thuốc sinh học”, ông Oanh nói.
“Mình cho đi thì sẽ nhận lại”
Không chỉ hạn chế tối đa việc sử dụng các loại thuốc hóa học, ông Oanh còn tìm tòi những phương pháp trồng hoa hiện đại, hiệu quả. Ông đã áp dụng thành công mô hình trồng hoa chất lượng cao của Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển hoa, cây cảnh thuộc Viện Nghiên cứu rau quả Trung ương (Trâu Quỳ, Gia Lâm, Hà Nội). Nhờ đó, ông Oanh đã tạo dựng một hệ thống trồng hoa hiệu quả và an toàn.
Để có được môi trường tốt nhất cho hoa phát triển, ông Oanh cũng không ngại bỏ chi phí đi khắp nơi tìm hiểu, học hỏi các quy trình công nghệ tiên tiến nhất về áp dụng cho vườn hoa của mình. Lặn lội đến thăm những vùng trồng hoa ở Đài Loan, Trung Quốc và những nước có điều kiện môi trường tương tự như Việt Nam, mỗi nơi đi qua, ông Oanh đều quan sát, ghi chép kỹ những phương pháp hiện đại để đem về nước. Những tinh hoa chắt lọc được, ông không chỉ giữ cho riêng mình mà ông chia sẻ, phổ biến rộng rãi cho tất cả những nông dân trồng hoa như ông.
Ông cho rằng, đầu tư để có chất lượng hoa tốt, hoa sạch, không sâu bệnh, không nhiễm thuốc bảo vệ thực vật độc hại thì thị trường sẽ tự tìm đến mà không cần phải quảng cáo, chào hàng rầm rộ. “Mình cho đi thì sẽ nhận lại, càng dành thời gian, tâm huyết cho nghề trồng hoa thì rồi chính những bông hoa sẽ trả ơn mình bằng hương sắc, bằng thành quả”, đó là điều mà vị “thầy thuốc” của những bông hoa luôn tin tưởng.
Minh Tuấn (kinhtenongthon)