Thời của cây trồng biến đổi gen đã đến?

Thời của cây trồng biến đổi gen đã đến?
KTNT - hợp với Trường Đại học Nông - Lâm TP. Hồ Chí Minh tổ chức mới đây, các chuyên gia nông nghiệp đều khẳng định sự đóng góp tích cực của cây trồng biến đổi gen vào quá trình đảm bảo an ninh lương thực (ANLT), đồng thời nhấn mạnh, Việt Nam cần giữ 3,8 triệu hectađất lúa để đảm bảo ANLT bền vững.

Khu vực ruộng khảo nghiệm giống ngô chuyển gen tại Bà Rịa-Vũng Tàu.

Theo báo cáo của Tổ chức quốc tế về tiếp thu các ứng dụng công nghệ sinh học trong nông nghiệp từ năm 1996 - 2010, cây trồng biến đổi gen góp phần tích cực vào quá trình đảm bảo ANLT và phát triển bền vững, khắc phục biến đổi khí hậu… Chỉ riêng trong năm 2010, việc nghiên cứu về cây trồng biến đổi gen đã góp phần đem về 78,4 tỉ USD, đồng thời tiết kiệm được hàng trăm ngàn tấn thuốc trừ sâu, từ đó cải thiện môi trường và giảm tới 19 tỷ kilôgam khí CO2 (tương ứng lượng khí thải của gần 9 triệu xe ô tô vận hành trên đường).

Hơn nữa, cây trồng biến đổi gen cũng hướng tới đa dạng sinh học, góp phần bảo vệ, gìn giữ 91 triệu hecta rừng, giúp xóa đói giảm nghèo cho 15 triệu nông dân trên toàn thế giới.

TS. Rashmi Nair, Giám đốc Chính sách và Pháp chế các thị trường đang phát triển (Công ty Monsanto) chia sẻ: "Hàng trăm triệu bữa ăn hàng ngày của người dân trên thế giới đều có thành phần từ cây trồng biến đổi gen. Kể từ khi cây trồng công nghệ sinh học được thương mại hóa (năm 1996) đến nay, chưa thấy loại cây trồng biến đổi gen nào gây ra các loại bệnh hay nguy hại đến sức khỏe con người".

Theo TS. Rashmi Nair, toàn bộ cây trồng biến đổi gen trên thế giới đều được kiểm định an toàn để dùng cho thực phẩm và thức ăn chăn nuôi ở các nước phát triển. Hiện đang có nhiều nước nhập khẩu các loại thức ăn hoặc nguyên liệu sản xuất thức ăn từ các sản phẩm biến đổi gen.

ThS. Tôn Bảo Linh, giảng viên Khoa Công nghệ sinh học (Trường Đại học Nông - Lâm TP.Hồ Chí Minh) nhấn mạnh: "Vấn đề ANLT ở Việt Nam đang rất được quan tâm khi diện tích đất nông nghiệp ngày một giảm, trong khi dân số tăng không ngừng... Để đảm bảo ANLT, chúng ta cần giữ 3,8 triệu hecta đất lúa 2 vụ ở điều kiện đủ nước tốt nhất; đồng thời nên duy trì sản lượng 43 triệu tấn lúa/năm; phát triển chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản; đầu tư phát triển và áp dụng giống cây trồng công nghệ sinh học cho năng suất cao…".

Đề cập đến hiệu quả từ các loại giống cây trồng công nghệ sinh học trong thực tiễn, bà Shakilla Shahjihan, Giám đốc đối ngoại Công ty Monsanto cho biết: "Mục tiêu quan trọng nhất trong cam kết của chúng tôi là giúp nông dân trên toàn thế giới có thể tăng gấp đôi năng suất và sản lượng cây trồng khi sử dụng các loại giống của Monsanto và thực hiện theo mọi khuyến cáo kỹ thuật trong quá trình sản xuất…".

Theo bà Shakilla Shahjihan, để đạt được mục tiêu đó, Monsanto quyết định tài trợ 10 triệu USD cho chương trình học bổng MBBISP, nhằm tạo cơ hội học tập và nghiên cứu cho các đối tượng ở cấp độ tiến sĩ trên toàn cầu (trong đó có Việt Nam) về 2 loại cây trồng quan trọng là lúa gạo và lúa mỳ. "Công ty Monsanto đã có nhiều hoạt động nghiên cứu về các loại giống cây trồng biến đổi gen như bắp (ngô), bông vải, rau…, tuy nhiên chưa có hoạt động nào về lúa gạo và lúa mỳ, do đó Monsanto muốn đầu tư khuyến khích việc nghiên cứu chọn tạo 2 loại giống này và đang triển khai tại Việt Nam", bà Shakilla Shahjihan nói.

Minh Tuấn

Nguồn:kinhtenongthon.vn