Thức cùng đồng ruộng
- Thứ năm - 07/06/2012 04:57
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Do ảnh hưởng của rãnh áp cao, gần một tuần lễ (từ ngày 30/5- 3/6) trên địa bàn Hà Tĩnh liên tục xảy ra mưa trên diện rộng. Mưa kéo dài đã làm hàng trăm ha lúa đông xuân đến kỳ thu hoạch và mạ hè thu bị ngập úng. Ông Trần Hoài Đức, Trưởng phòng nông nghiệp Đức Thọ cho biết: “Những diện tích lúa bị ngập tập trung tại các xã như: Đức An, Trung Lễ, Đức Lạc, Đức Lạng… Đáng lo nhất là 100 ha mạ hè thu (quy đổi thành 1.000 ha lúa cấy) bị mất trắng, khiến người nông dân hết sức hoang mang. Hiện nay, huyện đang chỉ đạo bà con tập trung xuống đồng gấp rút bắc mạ bổ sung, nhằm đảm bảo khung thời vụ sản xuất hè thu”.
Nông dân và máy gặt cùng thức trắng với đồng ruộng |
Tình cảnh tương tự cũng xảy ra với các huyện vùng thượng khác như: Vũ Quang, Hương Khê, Hương Sơn… Tuy chỉ mang tính cục bộ, không ảnh hưởng nhiều đến năng suất lúa đông xuân nhưng việc “lấn sân” vụ hè thu đã hiện hữu khi thu hoạch đông xuân có khả năng kết thúc muộn hơn dự tính. Toàn tỉnh vẫn còn 5.000 ha trà lúa xuân sớm sẽ thu hoạch sau 15/6 khiến cho tình hình càng căng thẳng. Anh Nguyễn Hồng Thanh, Chủ nhiệm HTX Thống Nhất, Thạch Ngọc (Thạch Hà) cho biết: “Toàn xã còn khoảng 30% diện tích lúa trà xuân sớm. Trong tình thế gấp rút này, xã chỉ đạo bà con thu hoạch đến đâu, làm đất đến đó, tận dụng những mặt ruộng đã được giải phóng, cắt một góc ruộng để bắc mạ. Số mạ này sẽ dùng cho những diện tích lúa IR 1820 sau khi thu hoạch. Đồng thời, xã hỗ trợ mỗi sào 200 nghìn đồng tiền làm đất đối với những ruộng bắc mạ chân ruộng, nhằm khuyến khích bà con đẩy nhanh tiến độ sản xuất, đảm bảo đúng khung thời vụ”.
Đến nay, toàn tỉnh đã thu hoạch được 60% diện tích lúa đông xuân, tập trung ở các huyện Kỳ Anh, Cẩm Xuyên, Đức Thọ, Vũ Quang… Trong những ngày này, tại các vùng nông thôn, ban đêm luôn sáng rực đèn và những tiếng máy nổ phát ra từ máy gặt, máy tuốt lúa. Chị Bùi Thị Năm, xóm Tiến Bộ (Thạch Tân) cho biết: “Lúa chín dồn dập, trên trời thì mây vần vũ, ngày gặt không xong, chúng tôi phải tranh thủ cả ban đêm nữa. Mấy ngày nay máy tuốt lúa lúc nào cũng trong tình trạng “cháy”, chúng tôi phải đợi đến nửa đêm mới đến lượt mình. Đưa được lúa về đến nhà thì trời cũng tảng sáng rồi”. Thậm chí, nhiều vùng lúa chưa chín hẳn, bà con cũng nhanh tay gặt về, nhằm sớm giải phóng đồng ruộng cho vụ sản xuất tới: “Vụ này là thế, chưa kết thúc đông xuân thì hè thu đã đốc thúc sau lưng rồi. Không khẩn trương, chỉ cần chậm một ngày thì coi như bao nhiêu công sức đổ xuống sông xuống bể”, anh Nguyễn Văn Thành, Thạch Đài (Thạch Hà) tâm sự.
Còn tại Can Lộc, 23 máy gặt đập liên hợp làm việc liên tục hết công suất vẫn không đáp ứng nổi nhu cầu. Người nông dân phải chạy đôn chạy đáo để thuê được máy về cho ruộng nhà, thậm chí không quản cất công ngồi đợi để “đặt chỗ” cả buổi trời. Ông Phan Văn Cường, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện cho biết: “Bình thường, mỗi máy gặt đập liên hợp có công suất từ 3- 4ha/ngày, thế mà giờ đây phải tăng lên gấp 3- 4 lần, thậm chí chạy suốt đêm không nghỉ. Để kịp thời vụ, một mặt huyện đốc thúc bà con tận dụng mọi thời gian và lực lượng thu hoạch lúa, mặt khác chỉ đạo bà con tập trung làm đất ngay sau khi ruộng được giải phóng theo hình thức cuốn chiếu”. Nhờ vậy, chỉ trong vòng 2 ngày (4- 5/6), tiến độ thu hoạch đã tăng hơn 11%, đạt 55% so với 43,87 ngày 4/6. Theo đó, toàn huyện đã bắc được 158 ha mạ; gieo thẳng 320 ha và tiến hành cấy trên 60 ha, tập trung tại các xã Kim Lộc, Quang Lộc.
Trong ý kiến chỉ đạo sản xuất hè thu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lê Đình Sơn, khẳng định: Thời tiết bất thường trong nhiều ngày qua đã gây bất lợi cho sản xuất, lúa đông xuân chưa thu hoạch xong trong khi thời vụ xuống giống hè thu đã gần kết thúc. Trước 20/6, các địa phương phải hoàn thành việc tiến hành cấy lúa hè thu, nếu kéo dài hơn, lúa sẽ phải đối mặt với nguy cơ mất mùa khi mưa bão đến. Chỉ còn 15 ngày cho cả hoàn tất thu hoạch và xuống giống hè thu, bà con nông dân toàn tỉnh đang vắt chân lên cổ chạy đua với thời vụ, nhằm giành thế chủ động trong sản xuất.
Theo baohatinh.vn