Thuốc bảo vệ thực vật - "Con dao hai lưỡi"

Thuốc bảo vệ thực vật - "Con dao hai lưỡi"
Tại hội nghị toàn quốc triển khai thực hiện tái cơ cấu lĩnh vực trồng trọt do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức mới đây, đại diện Cục Bảo vệ thực vật, cho biết: 80% thuốc bảo vệ thực vật mà người nông dân phun lên cây trồng không đúng cách.
Việc nông dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật không đúng cách đã được các chuyên gia cảnh báo từ khá lâu, nhưng đến nay, chỉ có 20% thuốc bảo vệ cây trồng được sử dụng đúng khuyến cáo là điều không thể không lo lắng, nhất là khi nước ta vẫn là một nước nông nghiệp, phần lớn cư dân gắn bó với nghề nông.
Căn nguyên sâu xa dẫn tới tình trạng 80% thuốc bảo vệ thực vật được sử dụng không đúng cách là do một bộ phận không nhỏ nông dân thiếu hiểu biết về tác hại của việc này. Dùng sai thuốc bảo vệ thực vật không những sẽ kém hiệu quả trong bảo vệ cây trồng, làm tăng chi phí sản xuất, mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người, gây ô nhiễm môi trường, khiến người tiêu dùng e ngại dùng nông sản, nhất là khó xuất khẩu.

Nông dân nên hết sức cẩn trọng khi phun thuốc bảo vệ thực vật. Ảnh:Nông dân nên hết sức cẩn trọng khi phun thuốc bảo vệ thực vật. Ảnh: NLĐ
Cùng với sự thiếu hiểu biết của một bộ phận nông dân trong sử dụng thuốc bảo vệ thực vật là nguyên nhân sâu xa, thì trách nhiệm chưa tròn, chưa cao của các cơ quan chức năng, của chính quyền cơ sở, của các hợp tác xã... là nguyên nhân trực tiếp gây nên tình trạng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật tràn lan, vô tội vạ. Nếu như người dân thường xuyên được tuyên truyền, hướng dẫn, được kiểm tra giám sát và "được" cả những hình thức phê bình, xử lý tùy theo mức độ nguy hại khi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật tùy tiện, thì chắc chắn sẽ hạn chế được tình trạng nguy hiểm này.

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, nước ta hoàn toàn có thể cắt giảm tới 50% thuốc bảo vệ thực vật mà không lo ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng thu hoạch của cây trồng. Chính vì vậy, bà con nông dân cần phải có nhận thức sâu sắc, thấu đáo hơn nữa về việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng chủng loại, pha chế đúng liều lượng, nồng độ và phun đúng lúc, đúng cách; không vì quá đề cao năng suất, lợi nhuận mà "lợi bất cập hại" lâu dài cho con cháu. Đồng thời, các cơ quan chức năng phải chủ động có nhiều biện pháp khả thi, kể cả biện pháp mạnh để ngăn ngừa, hạn chế và tiến tới chấm dứt việc lạm dụng thuốc bảo vệ cây trồng. Với các cơ quan chức năng còn có trách nhiệm phối hợp, kiểm tra các cơ sở sản xuất, buôn bán thuốc bảo vệ thực vật, nâng cao trách nhiệm khoa học, trách nhiệm công dân của họ khi cung cấp những "con dao hai lưỡi" cho nông dân. Đây cũng là những giải pháp vừa góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, vừa tuân thủ đúng các tiêu chí “Thực hành sản xuất nông nghiệp tốt ở Việt Nam” (gọi tắt là VietGAP) mà Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đề ra từ năm 2008.

Người nông dân Việt Nam với bao phẩm chất cần cù, chịu thương, chịu khó, quanh năm tần tảo, lam lũ với đồng ruộng để vừa mưu sinh, vừa giữ gìn truyền thống nền văn minh lúa nước, văn minh trồng trọt mà tổ tiên để lại. Tuy nhiên, những phẩm chất đáng quý ấy phải được kết nối, cộng hưởng và “bắt mạch” với phương thức sản xuất nông nghiệp hiện đại, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhằm không chỉ tăng năng suất cây trồng, mà còn góp phần xây dựng, phát triển một nền “nông nghiệp xanh”, thân thiện với môi trường, bảo vệ giống nòi. Tin rằng, khi được quan tâm hướng dẫn, cảnh báo tác hại, bà con nông dân ta sẽ nhanh chóng khắc phục thực tế rất đáng báo động này. 
Theo qdnd.vn