Thượng Lộc ứng dụng khoa học kỹ thuật cho cam chất lượng cao
- Thứ ba - 28/08/2018 09:22
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Hiệu quả với công nghệ tưới nhỏ giọt
Năm 2017, vợ chồng anh Nguyễn Quang Điền (thôn Sơn Bình) mạnh dạn đầu tư gần 200 triệu đồng xây dựng hệ thống tưới nhỏ giọt theo công nghệ Israel cho vườn cam hơn 3 ha của gia đình. Anh Điền cho biết: “Sau khi lắp đặt và vận hành hệ thống tưới nhỏ giọt, vườn cam phát triển đều, ít nấm bệnh; cam cho quả đều và đẹp hơn, năng suất tăng liên tục qua các năm. Làm hệ thống này, tôi không mất công di chuyển máy bơm và vòi nước, tiết kiệm được thời gian. Khi cần bón phân đạm, phân lân…, chỉ cần hòa phân với nước là chất dinh dưỡng cứ thế theo vòi chảy xuống các gốc cam”.
“Đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn toàn xã có gần 40 mô hình lắp đặt, sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt trong phát triển cây cam. Với vùng đất thường xuyên nắng hạn như xã Thượng Lộc thì hệ thống tưới này mang lại hiệu quả rất tốt. Người dân vừa tiết kiệm được nguồn nước tưới, vừa tiết kiệm được thời gian. Sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt, cây cam hấp thu được tối đa lượng nước, chất dinh dưỡng… trong quá trình sinh trưởng và phát triển” - Chủ tịch Hội Nông dân xã Thượng Lộc Đặng Tịnh cho biết thêm.
Nâng chất theo VietGAP
Cuối năm 2016, được sự hỗ trợ về kỹ thuật của Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh, xã Thượng Lộc bắt đầu triểu khai xây dựng mô hình “Thâm canh vườn cam đạt tiêu chuẩn VietGAP”. Thông qua chương trình, các hộ được hỗ trợ phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, được hướng dẫn sản xuất cam theo quy trình VietGAP, đáp ứng các tiêu chí về an toàn thực phẩm từ khâu chăm sóc đến đóng gói sản phẩm.
Ông Nguyễn Thu Khương (thôn Anh Hùng) - một trong những chủ vườn tham gia thực hiện mô hình chia sẻ: “Từ khi chuyển hướng phát triển cây cam theo tiêu chuẩn VietGAP, năng suất cam của gia đình tôi duy trì ổn định, đạt 16 tấn/ha, cao hơn nhiều so với thời kì chưa áp dụng quy trình. Bên cạnh đó, được cấp giấy chứng nhận VietGAP là cách để khẳng định sự phát triển của thương hiệu cam chanh Thượng Lộc, đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng. Nhờ đó, giá bán đạt 40.000 – 45.000 đồng/kg, thương lái đến tận nơi để mua. Năm ngoái, trừ các chi phí khác, tôi thu lãi gần 400 triệu đồng”.
Bên cạnh đó, nhiều hộ dân trong xã Thượng Lộc đã thay thế các loại thuốc hóa học bằng dung dịch hữu cơ tự chế hoặc chế phẩm sinh học thân thiện với môi trường để chăm sóc cây, hạn chế những tác hại của thuốc trừ sâu đối với sản phẩm.
“Sau quá trình tự tìm hiểu, tôi đã tự điều chế được các loại thuốc phòng sâu bệnh bằng dung dịch tỏi, ớt, gừng, riềng… ngâm với rượu để phòng trừ sâu bệnh cho gần 5 ha. Đồng thời, tôi tiến hành ủ phân hữu cơ theo quy trình, đảm bảo sự sinh trưởng đồng đều của vườn cam…” - chị Võ Thị Loan (thôn Anh Hùng) cho biết.
Để phát triển bền vững thương hiệu cam chanh Thượng Lộc, những năm qua, UBND xã Thượng Lộc đã chỉ đạo Hội Nông dân chủ động phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện, tỉnh tổ chức các lớp tập huấn, tham quan, chuyển giao KHKT cho hàng trăm hội viên nông dân trồng cam…
“Thời gian tới, xã sẽ có thêm các chính sách ưu tiên để phát triển bền vững giống cam chanh tại địa phương, đặc biệt là xây dựng các mô hình thâm canh đạt tiêu chuẩn VietGAP, sử dụng chế phẩm sinh học trong phòng trừ sâu bệnh, đảm bảo chất lượng sản phẩm…” - Chủ tịch UBND xã Thượng Lộc Nguyễn Viết Chuân cho hay.