Tiếng gọi nơi hoang dã

Tiếng gọi nơi hoang dã
“Trong cái không thể tránh khỏi là khủng hoảng kinh tế toàn cầu, điều hữu ích có thể làm được là cố gắng tìm ra một hướng đi mới. Đối với tôi, đó là hợp tác với người Nhật để phát triển một loại tằm mới ăn lá sắn” – Võ Đức Cường, Giám đốc Phú Cường Silk.
Kỳ 1: Chuyện về một làng nghề đã chết
Báo Nông nghiệp Việt Nam, trong số ra ngày 20.3 vừa rồi, có bài viết "Miền Trung - Tây Nguyên: Sắn đồng loạt phá vỡ qui hoạch nông nghiệp". Trong bài viết này, nhóm phóng viên đã lấy huyện Ea Kar, thuộc tỉnh Đắk-Lắk, là một trong những "case study". Diện tích trồng sắn ở huyện này đã tăng khoảng 50% trong có một năm, từ 4300 héc ta năm 2010 lên 6400 héc ta năm 2011, do giá sắn trên thị trường tăng cao.
Quan điểm của nhóm phóng viên đã được thể hiện rõ ràng trong sa-pô: "Diện tích sắn bùng phát tại miền Trung - Tây Nguyên không theo quy hoạch để lại quá nhiều hậu quả, mất rừng, môi trường xáo trộn, hoang hoá đất... Đáng buồn nếu nói dân đừng trồng loại cây trồng này là điều không thể, bởi đầu tư ít, dễ trồng, chịu hạn tốt lại chủ động được khâu thu hoạch. Chỉ một điều không ai lường được là giá cả."
Người viết bài này hoàn toàn không có quan điểm gì trái ngược, hay cần tranh luận thêm với các đồng nghiệp báo Nông nghiệp Việt Nam, hay các quan chức phụ trách nông nghiệp được nêu danh trong bài viết. Lịch sử nền nông nghiệp Việt Nam, kể từ sau năm 1975 tới giờ, đã chứng kiến không ít các thất bại đau đớn khi chạy đua theo phong trào, cũng như giá cả.
Có điều, từ câu chuyện của doanh nhân Võ Đức Cường của Phú Cường Silk, sẽ kể dưới đây, người viết muốn cung cấp thêm chút thông tin và dữ liệu cho các nhà làm qui hoạch và quản lý nông nghiệp tham khảo.

 
Mô hình thử nghiệm nuôi tằm hoang dã ở Eakar
 
"Trong cái không thể tránh khỏi là khủng hoảng kinh tế toàn cầu, điều hữu ích có thể làm được, theo tôi, là cố gắng tìm ra một hướng đi mới", Võ Đức Cường tiếp tục câu chuyện.
"Hướng đi mới" của Phú Cường Silk là từ giữa năm 2011 họ đã hợp tác với người Nhật để phát triển một loại tằm mới - tằm ăn lá sắn. "Đó là lý do chúng tôi đã chọn huyện Ea Kar, một trung tâm sắn của tỉnh Đắk-Lắk, để thử nghiệm mô hình mới của mình", ông Cường giải thích.
Cùng với Yoshida, một doanh nhân và cũng là một chuyên gia kỳ cựu của Nhật Bản về nghề tơ tằm, Cường thuê một mảnh đất rộng chừng 1 héc ta ở Ea Kar, trong đó diện tích dành cho nhà xưởng chừng vài ngàn m2.
"Đây hoàn toàn không phải là giống tằm ngoại nhập, mà người dân miền núi phía Bắc Việt Nam, như ở Hòa Bình hay Hoàng Liên Sơn đã nuôi từ bao đời nay. Ngoài ưu thế chỉ ăn lá sắn, giống tằm này lại có khả năng đề kháng bệnh tật rất tốt, và vì vậy người ta còn gọi là tằm hoang dã", ông Cường nói, và cho biết thêm chính một công ty quốc doanh của Việt Nam đã có công lên miền núi tìm hiểu từ bà con dân tộc và nhân giống đưa vào phía Nam.
Một khác biệt quan trọng nữa của tơ tằm hoang dã là không kéo được tơ trực tiếp kén mà phải đánh kén ra thành bông rồi xe thành sợi, hệt như với cotton. "Điều này thì không có vấn đề gì, bởi tôi đã có sẵn máy móc nhập của Trung Quốc để dùng để xử lý kén tằm dâu loại 2, loại 3", ông Cường nói.
Điều quan trọng hơn với dự án của họ là tìm thị trường cho loại sản phẩm dệt từ tơ tằm hoang dã. Theo ông Cường, loại lụa dệt từ tơ tằm dâu (sợi dọc) kết hợp với tơ tằm hoang dã (sợi ngang) có những ưu điểm vượt trội so với lụa tơ tằm dâu thuần túy.
"Thứ nhất, do khối lượng riêng của tơ tằm hoang dã nhỏ hơn nhiều, nên loại lụa mới có khả năng cách nhiệt tốt. Thứ hai, nó thấm được mồ hôi và không dễ nhàu, mặc rất thoải mái và tiện dụng. Còn bít tất thì anh đi giày mấy ngày liền mà không sợ hôi chân", ông Cường nói.
Tuy nhiên, đó là câu chuyện của những năm sắp tới, khi tơ tằm hoang dã được sản xuất với khối lượng lớn và ổn định. Chứ hiện giờ, sau khoảng 2 tháng khi thu được mẻ kén đầu tiên, mối quan tâm chính của ông Yoshida, người trực tiếp quản lý cơ sở ở Ea Kar, chỉ là thu được kén.

 
Lứa kén đầu tiên
 
"Mấy tháng nữa, ông Yoshida sẽ cho lắp đặt máy móc trên đó để sản xuất chăn bông tơ tằm, xuất về Nhật. Loại chăn này tôi mua một chiếc ở Trung Quốc, giá đắt gấp đôi chăn bông thường, nhưng, bù lại, đẹp hơn nhiều, đắp lại vừa nhẹ vừa ấm", ông Cường nói.
Theo kế hoạch, khi đã thành công với mô hình nuôi tập trung, họ sẽ chuyển giao kỹ thuật cho nông dân. Khi đó, cơ sở của họ chỉ nhân giống tằm con, đến khi phải sử dụng nhiều lá thì bán cho nông dân làm tiếp, và thu mua tơ của họ.
Nếu biết hái lá nuôi tằm đúng cách, người nông dân có thể thu hoạch củ sắn với năng suất còn cao hơn hiện nay. Nhưng cái lợi của người nông dân, theo ông Cường, không chỉ dừng ở đó.
"10 ký kén thì hết 8 ký rưỡi là nhộng rồi. Nếu tôi tìm được nơi tiêu thụ nhộng, với giá khoảng 30 ngàn một ký, bằng giá cá tạp ngoài chợ thôi, thì người dân ăn không cái bông (tơ) rồi", ông Cường cười lớn.
Nhưng cái khó là người dân Việt Nam chưa quen với loại nhộng hoang dã này. Ông Cường tính có khi phải qua Thái Lan, vương quốc của "ẩm thực côn trùng", để tìm thị trường tiêu thụ.
"Mọi thứ vẫn còn ở phía trước, chứ từ nay đến cuối năm, chúng tôi đặt mục tiêu họ sẽ hoàn thành giai đoạn kiểm tra sức đề kháng của tằm hoang dã và năng suất kén, trước khi giao dần cho các hộ nông dân làm", ông nói.
Khi người viết hỏi ông, tại sao không thí điểm mô hình này ở Điện Quang, nơi có truyền thống hàng trăm năm về nghề tơ tằm, mà lại chọn vùng dân tộc thiểu số ở Đắk-Lắk, bởi với khu đất mới mà lãnh đạo xã đã giao cho công ty hoàn toàn có thể trồng sắn nuôi tằm mà, ông cười:
"Làng nghề truyền thống là một lợi thế lớn, nhưng cũng là một bất lợi không nhỏ. Bởi khi mình phổ biến kỹ thuật mới, người ta phá lên cười và bảo rằng cha ông tôi bao đời làm nghề này rồi, kinh nghiệm đầy mình việc chi phải học. Vậy tốt nhất là chọn những người không biết gì, dạy từ đầu dễ hơn."
"Thử nghiệm nuôi tằm hoang dã tại chốn "hoang dã" đúng là thuận lợi hơn, kể cả về con người, khí hậu, và thổ nhưỡng. Tiếng gọi nơi hoang dã mà", người viết thầm nghĩ.

 
"Doanh nghiệp ở khu vực Kansai, Nhật Bản tìm đối tác Việt Nam có thể sản xuất / xuất khẩu sợi lụa làm từ tằm hoang dã để phục vụ sản xuất tại Nhật. Số lượng đặt hàng là 150kg ~ 200kg / tháng. Mục đích là để làm phần lõi của thắt lưng (obi) của bộ Kimono của Nhật"  - VCCI/HCM, 20.10.2011.
Kỳ 3: Những thách thức với lòng đam mê tơ tằm
 
Theo vietnamnet