Tính bền vững của nền nông nghiệp hữu cơ

Tính bền vững của nền nông nghiệp hữu cơ
Canh tác hữu cơ giống như tập quán canh tác hàng trăm năm qua như ông bà ta đã làm trước đây, lúc mà chưa có các loại thuốc bảo vệ thực vật, các loại phân hóa học, thuốc diệt cỏ, kích thích tố tăng trưởng, cây trồng biến đổi gen… như bây giờ
 

Nông nghiệp hữu cơ (NNHC),  theo định nghĩa của Liên Hiệp quốc, là hệ thống canh tác và chăn nuôi tự nhiên, không sử dụng hóa chất làm phân bón và thuốc trừ sâu, giúp giảm thiểu ô nhiễm, bảo đảm sức khỏe cho người và vật nuôi. Trước sự gia tăng của nông sản “ngậm” hóa chất như hiện nay, phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ là vấn đề trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.

Tổng quan về sản xuất NNHC ở nước ta hiện nay

NNHC là một hệ thống sản xuất nhằm duy trì sức khỏe của đất, hệ sinh thái và con người. Nó dựa chủ yếu vào các quy trình sinh thái, đa dạng sinh học và các chu trình thích nghi với các điều kiện địa phương. NNHC kết hợp phương pháp canh tác truyền thống với những tiến bộ khoa học kỹ thuật nhằm mang lại lợi ích chung cho môi trường, thúc đẩy mối quan hệ bình đẳng và nâng cao chất lượng cuộc sống cho tất cả những thành phần tham gia.

 

 

Nông dân xã Duyên Hà (Thường Tín, Hà Nội) thu hoạch cà chua “sạch” được trồng theo mô hình VietGAP. Ảnh: VIỆT HÙNG

Nhìn chung canh tác hữu cơ giống như tập quán canh tác hàng trăm năm qua như ông bà ta đã làm trước đây, lúc mà chưa có các loại thuốc bảo vệ thực vật, các loại phân hóa học, thuốc diệt cỏ, kích thích tố tăng trưởng, cây trồng biến đổi gen… như bây giờ. Nói đúng hơn, canh tác hữu cơ hiện đại là phương pháp canh tác trên nền tảng canh tác tự nhiên từ xa xưa nhưng có sự kiểm soát, tác động của tiến bộ khoa học kỹ thuật, nhất là công nghệ sinh học.

Vốn là quốc gia có nền sản xuất lúa nước, hoa màu nhiệt đới hàng ngàn năm nay, người nông dân Việt đã canh tác chủ yếu dựa trên nền tảng hữu cơ thông qua kinh nghiệm truyền đời dù năng suất, chất lượng sản phẩm không cao. Thực trạng hiện nay, dân số nước ta ngày một gia tăng, bình quân diện tích đất nông nghiệp theo đầu người lại vào hàng thấp nhất thế giới, cộng với kỹ thuật sản xuất còn lạc hậu, nên nền NNHC cho năng suất thấp, tính trên 1ha đất nông nghiệp và trên 1 người lao động nông nghiệp, đã không đủ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của con người.

Thừa hưởng những thành tựu khoa học của thế giới và trong nước về giống cây trồng, vật nuôi, kỹ thuật sản xuất sử dụng hóa chất trong cung cấp dinh dưỡng và bảo vệ cây trồng, vật nuôi, sử dụng máy móc và tưới tiêu nước bằng các công trình thủy nông, nền nông nghiệp nước ta về cơ bản đã trở thành một nền nông nghiệp “hóa học hóa” và cơ giới hóa một số khâu sản xuất, đã thay thế nền NNHC truyền thống.

Đặc  biệt, việc sử dụng rộng rãi các giống cây trồng và vật nuôi mới, cho năng suất cao, đòi hỏi trình độ thâm canh ngày càng cao, sử dụng nhiều phân bón hóa học, hóa chất bảo vệ thực vật, thuốc kháng sinh và kích thích tăng trọng trong chăn nuôi gia súc, gia cầm và nuôi trồng thủy sản. Mặt tích cực là, nền nông nghiệp nước ta, về cơ bản, đã đáp ứng đủ số lượng cho nhu cầu tiêu dùng của con người. Mặt tiêu cực là, nền nông nghiệp nước ta hiện nay đang tồn tại nhiều loại nông sản không đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm. Khi chính quyền thừa nhận một số địa chỉ cung cấp nông sản an toàn, thì đồng thời, mặc nhiên thừa nhận những địa chỉ còn lại- chiếm tỉ trọng rất cao - đang cung cấp nông sản không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm cho con người.

Hơn nữa, nền nông nghiệp “hóa học hóa” đã đóng vai trò lớn trong việc làm biến đổi khí hậu toàn cầu theo hướng tiêu cực, gây ô nhiễm môi trường sinh thái rất nghiêm trọng. Cả người sản xuất và tiêu dùng nông sản đang phải gánh chịu những tác hại nghiêm trọng do nền nông nghiệp hóa học hóa gây ra với những bệnh tật nguy hiểm, đặc biệt là bệnh ung thư. Mặt khác, do bình quân ruộng đất theo đầu người quá thấp (0,8ha/nông hộ ở đồng bằng sông Cửu Long, 0,35ha/nông hộ ở đồng bằng Bắc Bộ…), nên dù sản lượng nông nghiệp đã gia tăng, đủ đáp ứng về số lượng cho con người, nhưng doanh số và giá trị thu nhập tính trên 1ha đất nông nghiệp và 1 người lao động quá thấp, không đủ nuôi sống người làm nông nghiệp.

Định hướng phát triển NNHC

hứ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ Trần Quốc Khánh đã từng nêu lên những định hướng trọng tâm phát triển NNHC thời gian tới, đó là: Cần bảo vệ và cải thiện độ phì nhiêu của đất đai; Sử dụng công nghệ sinh học, khai thác tốt và tối đa hiệu quả của phân chuồng, phân xanh; Ngoài giống bản địa, cần sử dụng các loại giống có chất lượng cao, kháng bệnh tốt; Tăng cường chăn nuôi thủy sản bền vững; Khai thác tốt, tối đa nước phù sa cho cây trồng…

 

 

Người dân huyện Đông Anh (Hà Nội) đang thu hoạch rau  trên cánh đồng. Ảnh: HẢI ĐĂNG

Ông Vũ Trọng Khải, chuyên gia Kinh tế NN&PTNT nhận định, hiện nay nước ta đang tổ chức thực hành nông nghiệp tốt (GAP) theo tiêu chuẩn ViệtGAP hay GlobalGAP và quản lý theo chuỗi giá trị ngành hàng nông sản, dựa trên sự liên kết giữa nhà nông và nhà doanh nghiệp. Nhưng dù có thực hiện phổ biến GlobalGAP, nền nông nghiệp vẫn được phép sử dụng hóa chất theo những tiêu chuẩn, quy trình kỹ thuật nghiêm ngặt.

Việc ứng dụng công nghệ cao trong toàn bộ nền nông nghiệp, chứ không chỉ ở những khu nông nghiệp công nghệ cao, từ cung ứng nguồn lực đầu vào đến canh tác, nuôi trồng, khai thác, mua, chế biến, bảo quản, phân phối nông sản đến  tay người tiêu dùng, đang là giải pháp hữu hiệu để phát triển nền nông nghiệp. vừa bảo đảm tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, vừa cung cấp đủ số lượng cho nhu cầu tiêu dùng của người dân, bảo vệ môi trường sinh thái, đồng thời nâng cao hiệu quả kinh tế, gia tăng thu nhập của người lao động nông nghiệp.

Một trong những giải pháp khả thi để có thể thực hiện mục tiêu này là khôi phục và phát triển nền nông nghiệp hữu cơ đối với một số loại nông sản, ở một số vùng nông nghiệp sinh thái có lợi thế so sánh cao.

Theo ông Vũ Trọng Khải, để định hướng phát triển sản xuất NNHC, cần phải thực hiện theo những tiêu chí sau:

Thứ nhất, phải kể đến loại nông sản làm thuốc. Đó có thể là lâm sản ở những khu rừng nguyên sinh, rừng thuộc khu bảo tồn đa dạng sinh học, vườn quốc gia ở Tây Bắc, Đông Bắc, Bắc Trung Bộ và Tây Nguyên. Có thế khoanh nuôi, bảo vệ để các loại lâm sản này có điều kiện phát triển tự nhiên, như sâm Ngọc Linh (Kon Tum và Quảng Nam). Đó có thể là việc trồng hay nuôi các cây - con làm thuốc, ở những  vùng đồng bằng và trung du Bắc Bộ, Trung Bộ, như hươu lấy lộc nhung ở Hương Khê (Hà Tĩnh), cây Nghệ Vàng, Trinh Nữ Hoàng Cung ở Hưng Yên và Bình Thuận… Cần lưu ý rằng, cây, con làm thuốc chỉ có giá trị dược tính khi được nuôi trồng hoàn toàn bằng kỹ thuật hữu cơ. Bất kỳ một loại hóa chất nào được sử dụng để nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi làm thuốc đều làm giảm, thậm chí làm mất hẳn dược tính của chúng.

Người ta có thể thể chế biến các loại cây, con làm thuốc theo các bài thuốc của y học cổ truyền, theo kinh nghiệm dân gian, nhất là ở các vùng cao, nơi cư ngụ của các sắc tộc thiểu số, theo công nghệ hiện đại, để tạo ra các loại thuốc trị bệnh và thực phẩm chức năng đạt hiệu quả cao về kinh tế và chữa bệnh, góp phần nâng cao rõ rệt mức sống của dân cư bản địa.

Thứ hai, là nuôi trồng các loại cây, con làm thực phẩm có gen bản địa, mang đậm giá trị đặc sản vùng miền như gà Đông Tảo, gà Hồ, gà Mông, lợn Mường, khoai sọ Lệ Phố, na Chi Lăng (Lạng Sơn), cải Mông, nhãn lồng Hưng Yên, vải Thanh Hà (Hải Dương), gạo Tám Xoan, Dự Hương, nếp cải Hoa Vàng (Nam Định), nếp Tú Lệ (Yên Bái)… và các loại rau, củ, quả khác, như rau sắng (chùa Hương), rau bò khai, mướp hương…

Thứ ba,là các loại rau ăn lá, củ quả có nguồn gốc nhập, như rau cải, su hào, bắp cải, su su, khoai tây, cà rốt, cà chua… Các loại rau này có thể trồng phổ biến ở vùng trung du, dồng bằng Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, Tây Nguyên (chủ yếu là ở tỉnh Lâm Đồng). Loại rau, củ, quả này trồng theo kỹ thuật hữu cơ không chỉ cung cấp cho thị trường trong nước mà chủ yếu hướng ra thị trường Đông Bắc Á (Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc) và miền viễn đông của Nga. Ngoài ra các địa phương này lại có bình quân ruộng đất thấp nhất và đông dân nhất so với các vùng khác của cả nước, nên nhu cầu gia tăng doanh số và thu nhập trên 1ha đất nông nghiệp và trên 1 người  lao động  nông nghiệp là hết sức cấp bách.

Thứ tư, là các loại cây, con khác có thể áp dụng kỹ thuật nuôi trồng hữu cơ khi có thị trường, nhất là thị trường xuất cảng sang các nước phát triển cao, như lúa Japonica trồng ở đồng bằng sông Cửu Long để xuất khẩu sang Nhật Bản./.

Theo Chu Hồng Châu/langmoi.vn