Tính ứng dụng cao trong sáng chế của nhà nông

Tính ứng dụng cao trong sáng chế của nhà nông
Mỗi năm lại có hàng trăm sáng chế mới ra đời, trong đó có nhiều sáng chế hữu ích của nông dân - những người không được đào tạo, học hành bài bản nhưng cực kỳ tài hoa. Sáng chế không còn là điều mới mẻ, nhưng mỗi khi một loại máy mới xuất hiện lại là câu chuyện rất thú vị về tính sáng tạo, thông minh, ham học hỏi của nông dân thời 4.0.

Nhà sáng chế đa tài

tr15a.jpg

Nhờ những sáng chế của mình, anh Lai đã giúp nhiều nông dân tiết kiệm được sức lao động, tăng năng suất.

Xưởng cơ khí khang trang của anh Trần Đình Lai nằm ở mặt tiền tuyến tỉnh lộ chạy qua thôn An Xuân, xã Quảng An (Quảng Điền, Thừa Thiên - Huế). Sinh ra trong gia đình nông dân đông con, tuổi thơ của anh Lai là chuỗi ngày cực nhọc. Sau 2 năm học trường nghề tốt nghiệp loại ưu, anh được nhận vào làm tại một xưởng cơ khí ở trung tâm thành phố với thu nhập ổn định.

Thế nhưng nỗi trăn trở trước những vất vả của người nông dân quê nhà khiến anh quyết định về quê lập nghiệp. Ban đầu anh chỉ nhận sửa các loại máy nông nghiệp, sau chuyển từ việc sửa chữa sang sáng chế, sản xuất các loại máy móc phục vụ  nông nghiệp. Thấy vỏ trấu - loại chất đốt truyền thống - bị người dân đổ bỏ bừa bãi gây ô nhiễm môi trường do việc sử dụng bếp gas ngày càng phổ biến, anh nghĩ cần phải biến vỏ trấu thành củi cung cấp cho các cơ sở sản xuất công nghiệp.

Sau nhiều lần vận hành thử thất bại, đến đầu năm 2008, chiếc máy ép củi trấu của anh Lai mới hoàn thiện và cho ra sản phẩm chất lượng tốt. Đây cũng là năm anh đứng ra thành lập Doanh nghiệp tư nhân Bạch Lai để phát triển sản xuất kinh doanh.

Từ thành công trong việc sản xuất máy ép củi trấu, anh Lai tiếp tục nghiên cứu sáng chế ra hàng loạt máy móc khác như: sấy mùn cưa, máy cắt nước đá liên hoàn, máy sấy thực phẩm đa năng, máy hút thổi liệu, máy thái rau, máy ép viên thức ăn chăn nuôi, máy sấy lúa đa năng... Các loại máy do anh sáng chế đều ưu việt, tiện lợi, phù hợp với hoàn cảnh nhà nông hơn là máy nhập ngoại.

Từ năm 2009 đến nay, bình quân mỗi năm cơ sở của anh bán ra thị trường gần 50 máy ép củi trấu. Loại máy này không chỉ được tiêu thụ ở hầu khắp các tỉnh thành trong cả nước mà còn xuất khẩu sang Lào, Campuchia.

Hiện, mỗi năm cơ sở của anh Lai sản xuất và bán ra thị trường trên 200 máy móc các loại, mang lại doanh thu khoảng 3,5 tỷ đồng/năm, giải quyết việc làm thường xuyên cho 22 công nhân, chưa kể những lao động làm theo mùa vụ.

Với những sáng tạo trong sản xuất, anh Lai được trao tặng nhiều giải thưởng. Trong đó đáng kể nhất là Giải thưởng Lương Định Của năm 2011 cho nhà nông trẻ xuất sắc, bằng khen và kỷ niệm chương của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh về đề tài giải pháp ý tưởng sáng tạo tiêu biểu trong năm 2011; giấy chứng nhận bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu khu vực miền Trung- Tây Nguyên 2016; danh hiệu Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2017…

Máy nông cụ “5 trong 1”

Nhắc đến Vũ Quang Chiến, người dân thôn Lộc Trù, xã Tiên Thắng (Tiên Lãng - Hải Phòng) ai cũng thán phục bởi anh chính là người đã sáng chế chiếc máy đa năng “5 trong 1” không chỉ giúp người dân địa phương sản xuất hiệu quả mà còn khiến Ban giám khảo Hội thi “Sáng tạo kỹ thuật nhà nông TP. Hải Phòng lần thứ nhất năm 2016 - 2017” quyết định trao cho anh giải Nhất.  

tr15.jpg
Vũ Quang Chiến bên chiếc máy nông cụ “5 trong 1” của mình.

Chiến từng học nghề hàn ở Trường Cao đẳng Nghề công nghiệp Hải Phòng. Sau mấy năm làm ở một doanh nghiệp đóng tàu, anh về quê làm nông nghiệp. Anh tâm sự: “Vì đặc thù đồng ruộng vùng này nhỏ lẻ, lại dốc nên phần lớn nông dân vẫn phải làm thủ công, từ làm đất, gieo cấy, chăm sóc cho đến thu hoạch lúa. Mùa gặt, bà con dùng thuyền vận chuyển lúa, mà dùng thuyền thì phải chờ con nước. Mỗi tháng chỉ có 2 - 3 lần nước lên, có khi lúa đã gặt xong mấy ngày rồi mới có nước lên, đưa được lúa về. Tôi nghĩ, nếu có phương tiện nào đó kéo được lúa thì hay quá. Hình ảnh chiếc máy tời kéo trong xây dựng đã gợi ý cho tôi thiết kế một chiếc máy có thể kéo được lúa. Lúc đó, gia đình có chiếc xe máy cũ bị hỏng, nhưng động cơ còn chạy tốt, tôi tháo động cơ ra và bắt tay sáng chế chiếc máy tời kéo lúa”.

Chiếc máy đầu tiên hoàn thành năm 2013. Người gặt chỉ cần bỏ lúa vào bạt, buộc lại, máy sẽ kéo lên bờ rồi đưa thẳng về nhà. Máy chạy rất khỏe, kéo chiếc bạt chứa 20 gánh lúa mà chạy băng băng qua bờ ruộng, kênh mương, leo thẳng lên mặt đê. Nếu một người bó lúa rồi gánh về thì một ngày chỉ làm được một sào là nhanh. Nếu dùng máy tời kéo thì chỉ non nửa buổi sáng đã hoàn thành. Thấy máy khỏe, anh Chiến lại nghĩ, phải sáng chế được chiếc máy có thể kéo được cày, làm đất thay sức người. Cứ vừa suy nghĩ, vừa thử nghiệm, chỉnh sửa, đến nay, chiếc máy nông cụ của anh Chiến có thể làm được: cày bừa, kéo lúa, bơm nước, phay đất và lên luống. Các bộ phận có thể tháo lắp dễ dàng. Chỉ cần vặn 2 con ốc là có thể thay từ máy tời sang máy cày hoặc rút chốt là thay được loại bánh chạy máy trên ruộng sang bánh lốp cao su để di chuyển trên đường. Các bộ phận, chi tiết trên máy đều là đồ tận dụng: động cơ xe máy cũ, ống xả của máy nổ… Khung sườn máy, tay càng, vành xe đều được làm từ sắt cũ.

Hiện, nhiều người đặt mua máy nhưng anh Chiến làm không kịp. Anh dự định mở xưởng để vừa sản xuất, vừa tiếp tục cải tiến máy. Anh vẫn không thôi suy nghĩ, thử nghiệm để sản phẩm hoàn thiện hơn và có thêm nhiều chức năng khác như cấy, gặt…

Máy hút sâu “ông Hoàn”

ong-hoan.jpg

Chiếc máy hút sâu thân thiện với môi trường của ông Hoàn.

Gắn bó với cây chè gần 20  năm nay, ông Nguyễn Văn Hoàn, thôn Tiền Phong, xã Phú Lâm (Yên Sơn - Tuyên Quang) hiểu rõ sự cơ cực và ảnh hưởng đến sức khỏe của bà con khi mỗi lần phải phun thuốc bảo vệ thực vật để phòng trừ sâu bệnh cho cây. Sau nhiều đêm trăn trở, ông Hoàn quyết định bắt tay vào sáng chế chiếc máy hút sâu chè, rồi sau đó là máy hút sâu rau... Dù chưa từng được học qua bất kỳ trường lớp nào về thiết kế, hay chế tạo máy, nhưng sau 6 tháng miệt mài sáng chế, ông đã cho ra đời chiếc máy hút sâu chè, sâu rau với giá thành khá rẻ nhưng vô cùng hiệu quả.

Chiếc máy mỗi ngày có thể hút được sâu của gần 1ha chè, với mức tiêu hao nhiên liệu chỉ khoảng 2,5 lít xăng. Các loại sâu nguy hại cơ bản cho cây chè, cây rau có thể hút được như: Bọ cánh tơ, dày xanh, bọ xít muỗi, bọ nhẩy... Và lợi ích hơn cả, là nó vừa giúp cho nông dân bảo vệ được sức khỏe của mình, vừa bảo đảm được môi trường sống xung quanh.

Hàng chục năm qua, ông Hoàn đã tạo ra nhiều sản phẩm là những chiếc máy nông nghiệp giúp nông dân tiết giảm lao động chân tay, giảm chi phí sản xuất, nâng cao hiệu quả sản xuất như: Chiếc máy đốn chè được sáng chế từ chiếc máy cắt cỏ, máy tra hạt, máy nâng mía... Đến nay, nhiều chiếc máy do ông sáng chế đã có mặt ở khắp các tỉnh, thành trong nước.

Với những sáng chế hữu ích này, ông Hoàn đã được trao giải Nhì trong Cuộc thi Sáng tạo kỹ thuật nhà nông toàn quốc lần thứ III năm 2008 - 2009, cùng nhiều bằng khen, giấy khen của tỉnh Tuyên Quang cũng như của Trung ương.

Danh Hùng/kinhtenongthon.com.vn