Trái Đất có thể đối mặt với bão Mặt Trời lớn nhất
- Thứ năm - 08/03/2012 06:30
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Vụ nổ đầu tiên xảy ra hôm 4/3 khi Mặt Trời đột ngột phun ra một luồng lửa bức xạ cực mạnh kết hợp với gió Mặt Trời lớn xuất phát từ hoạt động vết lóa Mặt Trời và sự phun trào vật chất ở vành nhật hoa tại một khu vực hoạt động 1492 trên Mặt Trời.
Các tia lửa ánh sáng phun ra từ vụ nổ nhằm vào hướng Trái Đất với vận tốc 6,4 triệu km/giờ.
Tiếp theo đó, một vết lóa Mặt Trời khác cũng xảy ra vào ngày 7/3 tại khu vực tương tự trên bề mặt Mặt Trời, tạo nên một cơn bão từ và bức xạ Mặt Trời mạnh.
Cơ quan Hàng không vũ trụ quốc gia Mỹ (NASA) cho rằng vết lóa Mặt Trời thứ hai - được xếp vào cấp độ X - là một trong những vết lóa lớn nhất trên Mặt Trời kể từ năm 2007.
Theo các chuyên gia thiên văn học, nhiều khả năng một đợt sóng địa từ sẽ bắt đầu tiếp cận Trái Đất vào sáng sớm ngày 8/3 (theo giờ Mỹ) và kéo dài đến hết ngày 9/3. Đợt sóng địa từ này có thể tạo ra cực quang mà con người có thể nhìn thấy trên Trái Đất ở phía Bắc và phía Nam.
Với cấp độ X, nếu xâm nhập vào Trái đất, cơn bão này có thể làm gián đoạn các vệ tinh trong không gian, phá vỡ điện lưới, hệ thống định vị GPS, khiến máy bay phải thay đổi lộ trình xung quanh những vùng cực, và thậm chí gây nguy hiểm cho các phi hành gia trên Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS).
Các chuyên gia NASA cũng dự báo trong vài ngày tới, nhiều khả năng sẽ có nhiều cơn bão từ khác xuất hiện bởi khu vực 1429 trên Mặt Trời vẫn còn đang hoạt động.
NASA cho biết tần suất xuất hiện những vết lóa trên bề mặt Mặt Trời ở cấp độ X tăng lên nằm trong chu kỳ hoạt động 11 năm của năng lượng Mặt Trời. Trong chu kỳ 11 năm này, những tia lửa năng lượng Mặt Trời có thể đạt mức cực đại, và dự kiến năng lượng của nó sẽ tăng lên tối đa vào cuối năm 2013.
Bão Mặt Trời là những vụ bùng nổ trên tầng thượng quyển của Mặt Trời. Chúng mang theo những hạt electron và proton ở mức năng lượng cao. Những hạt này có khả năng thoát ra khỏi lực hấp dẫn của Mặt Trời.
Năm 1859, một cơn bão Mặt Trời lớn đã đốt cháy hệ thống dây điện báo trên khắp châu Âu và Mỹ.
Vụ bùng nổ mang tên "Carrington" - được đặt theo tên nhà thiên văn học người Anh Richard Carrington - đã làm 2/3 bầu trời Trái Đất chìm trong cực quang đỏ sẫm chỉ sau một đêm, đồng thời làm tê liệt toàn bộ hệ thống định vị và liên lạc trên toàn cầu. Những cơn bão từ Mặt Trời khác cũng đã và đang được các nhà khoa học quan sát trong những thập kỷ gần đây.
Gần đây hơn, vào năm 1989, một cơn bão Mặt Trời tương tự cũng đã khiến hệ thống điện ở tỉnh Quebec của Canada ngừng hoạt động trong nhiều giờ đồng hồ.
(Theo Vietnam+)