Triển vọng phát triển nông nghiệp công nghệ cao

Triển vọng phát triển nông nghiệp công nghệ cao
Quyết sách dành gói tín dụng ưu đãi 50.000 – 60.000 tỷ đồng của Thủ tướng Chính phủ mới đây cho phát triển nông nghiệp công nghệ cao (CNC) đã mở ra nhiều triển vọng cho ngành nông nghiệp.
Trao đổi với Kinh tế & Đô thị,  Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường (ảnh) cho biết, việc tháo gỡ chính sách để thu hút DN đầu tư ứng dụng CNC vào nông nghiệp là ưu tiên hàng đầu của Bộ trong thời gian tới. 
Còn nhiều rào cản
Ứng dụng CNC vào sản xuất là vấn đề được đặt ra nhiều năm nay và Bộ NN&PTNT cũng dành hẳn một chương trình nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ (KHCN) phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Kết quả đạt được đến nay ra sao, thưa ông?
- Năm 2016, thực hiện Kế hoạch thúc đẩy nghiên cứu và ứng dụng KHCN phục vụ tái cơ cấu ngành, Bộ NN&PTNT đã tập trung nguồn lực về KHCN đối với các sản phẩm chủ lực xuất khẩu, đặt hàng trực tiếp cho các đơn vị nghiên cứu đến sản phẩm cuối cùng. Đặc biệt ưu tiên giải quyết các vấn đề bức xúc của thực tiễn sản xuất như cơ cấu giống, chất lượng vật tư nông nghiệp, phòng trừ dịch bệnh, tái canh cà phê, tưới tiết kiệm… Đồng thời phê duyệt Chương trình nghiên cứu trọng điểm cấp Bộ đặt hàng phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn.
Tuy nhiên, cũng phải thẳng thắng nhìn nhận, việc chuyển giao ứng dụng CNC vào sản xuất nông nghiệp vẫn còn những hạn chế nhất định. Việc đổi mới tổ chức sản xuất còn chậm, các hình thức tổ chức sản xuất hiệu quả chưa được đánh giá tổng kết và nhân rộng. Kinh tế hộ nhỏ lẻ vẫn chiếm tỷ trọng cao và đang ngày càng bộc lộ những hạn chế, yếu kém cản trở quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp. Điều đáng nói, bên cạnh những DN đầu tư bài bản, chuyên nghiệp, còn nhiều DN đầu tư chủ yếu dựa vào việc khai thác nguồn lực tài nguyên mà chưa quan tâm đầu tư một cách căn cơ, ứng KHCN để tăng giá trị gia tăng.
Có vẻ như lĩnh vực nông nghiệp, nhất là nông nghiệp CNC chưa có sức hút với DN?
- Hiện mới chỉ có khoảng 5.000 DN đầu tư vào khu vực nông nghiệp trên tổng số hơn 500.000 DN của cả nước, tức là chỉ chiếm khoảng 1%. Thu hút đầu tư tư nhân, đầu tư nước ngoài (FDI) và các nguồn lực xã hội vào thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp còn hạn chế. Bên cạnh đó, sự hợp tác, liên kết giữa DN với các nhà khoa học và nông dân trong chuỗi giá trị sản xuất còn ít và chưa chặt chẽ, dẫn đến chi phí cao, khả năng cạnh tranh thấp. Đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP) mới ở giai đoạn thí điểm, quy mô nhỏ, phạm vi hẹp. Cả nước đến nay mới chỉ có trên 20 DN được công nhận là DN ứng dụng CNC trong nông nghiệp.
Những rào cản nào đang cản trở DN đầu tư vào nông nghiệp?
- Những khó khăn, hạn chế nêu trên có nhiều nguyên nhân. Thứ nhất, sản xuất nông nghiệp tiềm ẩn nhiều rủi ro do chịu tác động trực tiếp từ thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu. Thứ hai là bất cập về chính sách đất đai. Trong một thời gian dài, chúng ta áp dụng chính sách giao đất và phát triển kinh tế hộ gia đình nên đất đai đã giao quyền sử dụng cho các hộ, ruộng đất bị chia nhỏ, manh mún. Bên cạnh đó, quy định về hạn điền theo Luật Đất đai cũng là rào cản lớn cho DN khi muốn có đất để sản xuất quy mô lớn. DN muốn thuê đất sản xuất hoặc xây dựng liên kết chuỗi thông qua mô hình cánh đồng lớn cũng phải chịu chi phí trung gian và chi phí quản lý lớn do ký hợp đồng với nhiều hộ nhỏ lẻ. Thứ ba, cơ sở hạ tầng chậm phát triển, giảm sức hút đầu tư của DN về nông thôn. Thứ tư, chất lượng và năng suất lao động thấp cũng là một trở ngại cho việc thu hút DN đầu tư trong nông nghiệp. Tỷ lệ lao động qua đào tạo, có kỹ năng và tay nghề còn thấp, không đủ đáp ứng nhu cầu của các DN. Thứ năm, chính sách thu hút DN nông nghiệp còn nhiều bất cập, nhiều chủ trương, chính sách chưa đồng bộ, thiếu tính khả thi, nhất là về nguồn lực thực hiện.
Tạo cơ chế thông thoáng
Thời gian qua, một số DN lớn đã chuyển hướng đầu tư vào sản xuất nông nghiệp, trong đó có những mô hình ứng dụng CNC để sản xuất nông sản sạch. Ông đánh giá như thế nào về ý nghĩa của “làn sóng” này?
- Việc đầu tư của DN vào lĩnh vực nông nghiệp trong thời gian qua đã có những thay đổi lớn cả về lượng và chất. Đặc biệt, riêng năm 2016, có gần 1.500 DN đầu tư vào khu vực nông nghiệp, trong đó có những DN rất lớn như TH, Dabaco, Công ty VinEco, Công ty CP Him Lam, Công ty CP Thủy sản Việt Úc… Những đơn vị này đã đầu tư khá bài bản từ tập trung đất đai quy mô lớn đến áp dụng nhiều quy trình sản xuất hiện đại, thiết bị công nghệ mới và đã cho những kết quả ban đầu khá tốt.
Nhiều DN nông nghiệp lớn đóng vai trò trung tâm phát triển chuỗi giá trị, đi đầu trong tiếp cận ứng dụng CNC, xác định thị trường, xây dựng thương hiệu, đẩy mạnh xuất khẩu như Vinaseed, Công ty Giống cây trồng miền Nam, Tổng Công ty Giống cây trồng Thái Bình, Tập đoàn Lộc Trời, Mía đường Lam Sơn… Việc các DN lớn đã bắt đầu tập trung đầu tư vào khu vực nông nghiệp cho thấy sức hút của lĩnh vực nông nghiệp và phần nào phản ánh chính sách của chúng ta đã bắt đầu đi vào cuộc sống. Tuy nhiên, trên thực tiễn phải khẳng định, chính sách đưa ra nhiều nhưng ở nhiều nơi, nhiều loại chính sách còn bất cập.
Nắm bắt được những bất cập đó, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý dành gói tín dụng ưu đãi 50.000 – 60.000 tỷ đồng cho DN, tổ chức, cá nhân sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC. Ông đánh giá như thế nào về quyết sách này và làm sao để chính sách đi vào cuộc sống?
- Quyết sách này của Thủ tướng cho thấy, Thủ tướng và Chính phủ rất quyết tâm trong việc cải thiện môi trường đầu tư, đưa ra những chính sách khuyến khích, ưu tiên đối với các DN vào khu vực nông nghiệp, trong đó có lĩnh vực nông nghiệp CNC, nông nghiệp công nghệ sạch. Bên cạnh gói tín dụng ưu đãi này, sau khi có Nghị quyết của Quốc hội trong kỳ họp vừa qua về tiếp tục tập trung cho tái cơ cấu nền nông nghiệp gắn với quá trình xây dựng nông thôn mới, có một nhiệm vụ mà Thủ tướng Chính phủ đã giao cho các ngành phải tập trung làm trong thời gian ngắn là nghiên cứu chỉnh sửa Nghị định 210-NĐ/CP về chính sách khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.
Để cụ thể hóa được chính sách này đòi hỏi Ngân hàng Nhà nước cùng với một số bộ, ngành liên quan và các địa phương phải thể chế hóa cụ thể bằng những quy định, hình thức một cách đơn giản nhất, nhanh nhất để nguồn lực này đi vào cuộc sống. Có như vậy mới giúp các địa phương, DN, HTX, người dân tiếp cận được nguồn vốn tín dụng ưu đãi, ứng dụng CNC vào sản xuất nông nghiệp.
Chính phủ đã chỉ đạo nêu cao tinh thần kiến tạo, đồng hành và tạo động lực cho DN, nhất là khâu khởi nghiệp. Bộ NN&PTNT sẽ thực hiện đồng hành, hỗ trợ cùng DN nông nghiệp, nhất là thu hút DN đầu tư vào nông nghiệp CNC như thế nào?
- Quán triệt tinh thần trên, Bộ NN&PTNT đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp trong nông nghiệp như chương trình xúc tiến mở rộng thị trường, hỗ trợ đào tạo khởi nghiệp, bồi dưỡng nguồn nhân lực, hỗ trợ pháp lý cho DN ngành nông nghiệp… Trong thời gian tới, Bộ NN&PTNT sẽ tăng cường phối hợp với các bộ liên quan, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), các hiệp hội DN, Liên minh HTX Việt Nam… cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh tạo thuận lợi cho DN.
Có thể nói, CNC là một xu hướng chung của nền nông nghiệp thế giới, trong đó đặc biệt Việt Nam phải coi đây là một lợi thế, một cơ hội. Để thu hút mạnh mẽ DN đầu tư ứng dụng CNC trong nông nghiệp, Bộ NN&PTNT sẽ tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, đảm bảo nhanh gọn và hiệu quả hơn, không gây phiền hà cho DN. Đồng thời hoàn thiện trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chiến lược tăng cường thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông lâm ngư nghiệp Việt Nam đến năm 2030”.
Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!
Đến nay, Bộ NN&PTNT đã giới thiệu chuyển giao vào sản xuất được 105 công nghệ, xây dựng được 85 mô hình ứng dụng KHCN vào sản xuất, 50 mô hình liên kết giữa DN và nông dân theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ...
Mục tiêu của Bộ NN&PTNT đến năm 2020, phấn đấu gia tăng cả số lượng và chất lượng DN. Số lượng DN đầu tư vào nông nghiệp tăng tối thiểu 2 lần so với năm 2015 khoảng 700 DN mỗi năm.
Nguồn: ktdt.vn