Trồng lúa giảm phát thải khí nhà kính

Trồng lúa giảm phát thải khí nhà kính
Với mong muốn hướng đến một nền sản xuất nông nghiệp bền vững, vừa tăng thu nhập cho người nông dân, vừa góp phần bảo vệ môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh phối hợp Trường đại học Cần Thơ, cơ quan Phát triển quốc tế Australia và Quỹ Bảo vệ môi trường Mỹ đã triển khai thí điểm thực hiện dự án canh tác lúa giảm phát thải khí nhà kính tại xã Phú Thành (Phú Tân).

Với mong muốn hướng đến một nền sản xuất nông nghiệp bền vững, vừa tăng thu nhập cho người nông dân, vừa góp phần bảo vệ môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh phối hợp Trường đại học Cần Thơ, cơ quan Phát triển quốc tế Australia và Quỹ Bảo vệ môi trường Mỹ đã triển khai thí điểm thực hiện dự án canh tác lúa giảm phát thải khí nhà kính tại xã Phú Thành (Phú Tân).

Mục tiêu của dự án nhằm chuẩn hóa các số liệu đo đạc khí thải, từ đó đưa ra quy trình chuẩn canh tác lúa thích ứng biến đổi khí hậu, cải thiện sinh kế thông qua tập huấn nâng cao năng lực canh tác lúa cho nông dân, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất giúp hạ giá thành sản phẩm. Đồng thời, chứng minh lượng giảm khí thải như carbonic, oxit nitơ, metan khi nông dân ứng dụng tốt các tiến bộ kỹ thuật. Phó Chủ tịch UBND xã Phú Thành Nguyễn Sấm Phước cho biết, dự án canh tác lúa giảm phát thải khí nhà kính được thực hiện tại Hợp tác xã Phú Thượng (xã Phú Thành) trong thời gian 2,5 năm (tương đương 5 vụ), bắt đầu từ vụ đông xuân năm 2012-2013 đến cuối vụ hè thu năm 2014. Sau đó, các chuyên gia mới có thể đánh giá một cách chuẩn xác về mô hình và có hướng mở rộng sản xuất. Với lợi thế của địa phương là trồng nếp nên trong vụ đông xuân vừa qua có 9 hộ dân được chọn và chia làm 3 nhóm thực hiện thí điểm dự án trên. Trong đó, có 3 hộ trồng nếp theo kiểu ngập khô xen kẽ, với diện tích 1,6 héc-ta; 3 hộ trồng theo kiểu nếp ngập khô xen kẽ kết hợp xử lý bằng Tricho, với diện tích 2 héc-ta và 3 hộ dân trồng nếp theo kiểu truyền thống, với diện tích 1,65 héc-ta. Sau quá trình theo dõi chặt chẽ sự sinh trưởng của cây nếp và lấy mẫu các loại khí thải, các nhà khoa học mới chọn ra mô hình thích hợp với điều kiện tự nhiên của địa phương.

Do dự án chỉ mới được triển khai trong một mùa vụ nên các nhà nghiên cứu chưa có sự đánh giá chuẩn xác về mô hình. Thế nhưng, trong thực tiễn sản xuất nhiều nông dân đã thấy được những lợi ích thiết thực của dự án và rất hăng hái tham gia. Nông dân Nguyễn Văn Tánh, ngụ ấp Phú Thượng, xã Phú Thành chia sẻ: “Ngày nay tụi tui đã biết đến ứng dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất như “1 phải, 5 giảm”, giờ lại có thêm một chương trình mới “1 phải, 6 giảm”. Tui thấy mô hình này cũng hay hay vì vừa có thể tiết kiệm được nhiều chi phí sản xuất, vừa giảm được chất độc hại thải ra môi trường, mà các chất này lại trực tiếp ảnh hưởng đến sức khỏe của bà con và con cháu quê mình. Do vậy, tôi đã tự nguyện tham gia để các nhà khoa học sớm áp dụng mô hình một cách rộng rãi”. Trong vụ đông xuân vừa qua, hộ ông Tánh đã trồng 4 công nếp, với loại giống xác nhận CK92 (dự án hỗ trợ 100% giống), theo kiểu tưới ngập khô xen kẽ kết hợp xử lý Tricho. Với sự hướng dẫn của cán bộ chuyên trách, ông đã thực hiện đúng quy trình dự án đề ra như sử dụng loại giống tốt, nhờ vậy giảm được các loại bệnh trên cây nếp như vàng lá, cháy bìa lá, giảm thuốc bảo vệ thực vật, nông dân chỉ sử dụng thuốc khi mức nhiễm bệnh nặng và với sự đồng ý của cán bộ hướng dẫn, giảm cữ phân bón và lượng phân bón cho cây, giảm nước tưới để phân bón có thể ngấm sâu vào đất tránh tình trạng bay hơi phát sinh các loại khí độc hại, ứng dụng máy móc để giảm tình trạng thất thoát sau thu hoạch, dùng Tricho để rơm rạ tự phân hủy thành chất dinh dưỡng cho đất, không đốt đồng tạo nhiều khí thải như cách làm cũ của người dân. Chính nhờ cách làm trên, ông Tánh đã thu hoạch nếp với năng suất 648 kg/công (1.000m2), bán với giá ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm với Công ty Cổ phần Gentraco 6.600 đồng/kg, trừ tất cả chi phí ông còn lời gần 8,9 triệu đồng. So với cách làm truyền thống của người dân thì mức lợi nhuận cũng chưa cao lắm nhưng đây mới chỉ là bước đầu thử nghiệm, các chuyên gia sẽ tiếp tục nghiên cứu để giảm chi phí cho người dân, nâng cao năng suất, chất lượng cây nếp mà vẫn giữ nguyên mục đích xuyên suốt là giảm tác hại của khí nhà kính lên môi trường.

Ông Trần Văn Tài, cán bộ đặc nhiệm của dự án cho biết, thông qua dự án nông dân ngoài việc được tiếp cận thêm một phương pháp trồng lúa (nếp) mới, họ còn được tích lũy những kinh nghiệm trong sản xuất, mà quan trọng là việc ghi chép một cách cẩn thận để biết được các mặt mình đã làm tốt và các mặt còn hạn chế. Mỗi nông dân trong dự án đều được phát một cuốn sổ nhật ký nông hộ để theo dõi sinh trưởng, phát triển của cây lúa và sâu bệnh, mực nước ruộng, chi phí mua vật tư, phân bón, nhiên liệu, thiết bị, chi phí thuê mướn lao động. Bên cạnh đó, một số hộ dân còn được hướng dẫn một số kỹ thuật cơ bản lấy khí thải sau mỗi đợt bón phân để gửi về các trung tâm phục vụ cho việc nghiên cứu của các nhà khoa học.

Với mô hình trên, nếu được trồng thí điểm thành công sẽ mang lại rất nhiều lợi ích cho người dân, ông Nguyễn Sấm Phước nhận định. Ông cho biết thêm, toàn xã có 1.736 héc-ta đất trồng nếp và lúa, nếu mô hình được triển khai đại trà chắc chắn sẽ góp phần giảm lượng khí thải rất lớn thải ra môi trường. Đồng thời, góp phần tạo thu nhập mới cho bà con bằng việc tập hợp các khí thải nhà kính và bán chúng cho các tổ chức đang có nhu cầu ứng dụng một số loại khí vào các công nghệ sản xuất khác.

Báo An Giang Online