Trồng nấm linh chi: Thu nhập cao

Trồng nấm linh chi: Thu nhập cao
Nhận thấy hiệu quả kinh tế cao từ mô hình trồng nấm linh chi, anh Đào Công Hoan ở ấp Phước Tân, xã Tân Phước (Đồng Phú - Bình Phước) đã mạnh dạn áp dụng. Nhờ chăm sóc đúng kỹ thuật nên trại nấm luôn cho năng suất cao, chất lượng tốt, gia đình anh có cuộc sống ngày càng khấm khá­.
 

Năm 2009, anh Hoan đầu tư trồng các loại nấm mèo, nấm rơm và nấm bào ngư nhưng do giá cả bấp bênh, khó tiêu thụ nên không mở rộng được mô hình. Trong một lần tình cờ đọc trên sách, báo thấy giới thiệu mô hình trồng nấm linh chi cho hiệu quả kinh tế cao, anh mày mò nghiên cứu, tìm hiểu kỹ thuật chăm sóc loại nấm này. Nắm bắt được kiến thức, cộng thêm kinh nghiệm trồng các loại nấm trước, năm 2012, anh mạnh dạn vay vốn ngân hàng trồng thử nấm linh chi hồng. Ban đầu anh trồng 6.000 cá thể (bịch) trong diện tích hơn 300m2. Vụ thu hoạch đầu tiên, tuy năng suất không cao nhưng phát triển ổn định, tỷ lệ cá thể ra nấm khá đồng đều. Từ thành công bước đầu, anh Hoan mạnh dạn đầu tư cho lứa nấm tiếp theo. Hiện, trại nấm của anh có hơn 13.000 bịch, với giá bán 500.000 - 600.000 đồng/kg, trừ chi phí, gia đình thu về hơn 100 triệu đồng/năm. Sản phẩm nấm làm ra được Trường Đại học Nông - Lâm TP.Hồ Chí Minh và Công ty Dược Bình Dương tiêu thụ ổn định. “Nhờ nắm bắt kỹ thuật chăm sóc nên nấm đạt năng suất, chất lượng cao, đặc biệt đầu ra sản phẩm tương đối ổn định. Ngoài việc trả được vốn vay ngân hàng, kinh tế gia đình tôi cũng dần ổn định”, anh Hoan nói. 

Theo anh Hoan, để nấm linh chi sinh trưởng, phát triển ổn định, trước hết phải nắm vững kiến thức, kỹ thuật. Thực tế, cách trồng và chăm sóc nấm linh chi hồng cũng gần giống các loại nấm ăn thông thường khác. Nguyên liệu chủ yếu để trồng nấm là mùn cưa từ cây cao su rồi trộn thêm vôi, cám gạo và một số chất khác theo tỷ lệ, sau đó ủ đóng bịch đưa vào lò hấp. 

Anh Hoan chia sẻ, trồng nấm linh chi không khó nhưng muốn thành công, phải tuân thủ nghiêm ngặt một số quy trình kỹ thuật như: Trại nấm phải được che kín để tránh mưa, nắng không trực tiếp chiếu vào, khử trùng trại sạch sẽ trước khi đưa nấm vào treo, nhiệt độ trong trại luôn đảm bảo từ 28 - 30 độ C, độ ẩm đạt 85% để nấm phát triển, mỗi ngày tưới từ 1 - 3 lần bằng bình xịt... Thời điểm trồng nấm từ tháng 1 đến tháng 3 hoặc từ tháng 8 đến tháng 9 dương lịch. Trước khi cho mùn cưa vào bịch phải hấp trong 10 giờ, với nhiệt độ trung bình 100 - 105 độ C. Sau khi hấp, để nguội trong khoảng 12 - 24 giờ trước khi cấy meo nấm vào. Khoảng 25 ngày bịch sẽ bắt đầu cho ra cá thể, sau 3 tháng có thể thu hoạch lứa nấm đầu tiên. Nếu chăm sóc tốt, trung bình mỗi tai nấm đạt trọng lượng 15 - 18g khô. 

Anh Hoan lưu ý, khi thu hoạch nấm, người trồng phải dùng dao sắc cắt sát bề mặt túi, dùng vôi quét lên vết cắt để ngăn ngừa một số vi khuẩn thâm nhập làm hại nấm. Khác với các loại nấm ăn thông thường, thu hoạch nhiều đợt với thời gian khá lâu, nấm linh chi hồng chỉ có thể thu được hai đợt duy nhất trong năm, song bù lại giá bán khá cao nên mang lại thu nhập cao cho người trồng. 

Bà Lê Thị Giá, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Phước cho biết, mô hình trồng nấm linh chi hồng của gia đình anh Hoan cho hiệu quả kinh tế khá cao nên được nhiều nông dân đến học hỏi và làm theo.
 

 

Theo Đông y, nấm linh chi hồng có tác dụng chữa trị nhiều chứng bệnh như: huyết áp, tiểu đường, ngăn ngừa và hỗ trợ điều trị bệnh ung thư, giải độc gan, ngăn chặn quá trình lão hóa,...

 

Quảng Bình

Nguồn kinhtenongthon.com.vn