Trồng thanh long ruột đỏ ứng dụng công nghệ cao
- Thứ tư - 19/04/2017 22:32
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Là 2 huyện miền núi có diện tích đất đồi gò, cát và bạc màu chiếm diện tích khá lớn, việc cây thanh long ruột đỏ thích ứng phát triển có thể coi là tín hiệu vui với bà con nơi đây. Tuy nhiên, để trái thanh long ruột đỏ Bảy Núi phát triển bền vững, tăng tính cạnh tranh trên thị trường thì chất lượng, năng suất, phẩm chất trái bắt buộc phải được quan tâm hàng đầu. Nắm được tình hình và được Viện Cây ăn quả miền Nam chuyển giao công nghệ, Trung tâm Ứng dụng Tiến bộ Khoa học và Công nghệ (UDTBKH&CN) tỉnh đã tiến hành Dự án “Xây dựng mô hình và tập huấn kỹ thuật trồng cây thanh long ruột đỏ ứng dụng công nghệ cao tại 2 huyện Tri Tôn và Tịnh Biên”. Chị Trần Ngọc Phương Anh, Chủ nhiệm dự án cho biết, cây thanh long ruột đỏ trồng theo công nghệ mới của Đài Loan, kết hợp hệ thống tưới nước tiết kiệm, xử lý ra hoa nghịch vụ và gắn kết phát triển du lịch sinh thái ở địa phương. Như vậy, dự án giúp nông dân tham gia mô hình ứng dụng những tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào cuộc sống, tăng năng suất, chất lượng nông sản, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống.
Dự án được triển khai thực hiện trong 36 tháng (từ tháng 12-2015 đến tháng 12-2018), với 2 hộ dân tham gia ở huyện Tri Tôn và Tịnh Biên, kinh phí trên 531 triệu đồng, trong đó vốn của nông dân tham gia mô hình trên 122 triệu đồng, còn lại từ nguồn ngân sách sự nghiệp khoa học. Loại giống được chọn là giống thanh long ruột đỏ Long Định 1, vì khả năng thích nghi tốt trong điều kiện khí hậu địa phương, dễ chăm sóc; có nhiều đặc tính tốt như: Có khả năng ra hoa tự nhiên trong vụ nghịch, thịt quả ngọt, năng suất cao, đạt trung bình 40 tấn/héc-ta vào năm thứ 3 sau khi trồng… Bên cạnh đó, việc ứng dụng kỹ thuật của Đài Loan là trồng bằng ống thép mạ kẽm, theo từng dãy/hàng (mỗi hom được trồng bằng 1 ống thép, trồng cây cách cây 60-80cm), tỉa cành tạo tán ngay từ đầu… giúp người trồng dễ quản lý sâu bệnh hại, dễ tháo lắp, thêm vào đó là tỷ lệ cành sau khi trưởng thành ra hoa và đậu trái rất cao >80 cành (kiểu truyền thống thì chỉ có ≥ 20% cành phía bên ngoài ra hoa và đậu trái). Do vậy, năng suất rất cao, trung bình 60-80 tấn/héc-ta, cao hơn 50% so với cách trồng truyền thống. Song song đó, bằng việc ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt đã giúp tiết kiệm đến 30-60% nước so với phương pháp tưới truyền thống và hạn chế trôi phân bón.
“Thêm vào đó là áp dụng quy trình xử lý ra hoa nghịch vụ thanh long bằng ánh sáng đèn compact, mong muốn ghi nhận được hiệu quả của biện pháp đối với kích thích ra hoa nghịch vụ thanh long. Sau khi xây dựng thành công mô hình trồng cây thanh long ruột đỏ theo công nghệ mới, Trung tâm UDTBKH&CN sẽ hoàn thiện quy trình kỹ thuật trồng và phổ biến kỹ thuật này đến nông dân 2 huyện Tri Tôn và Tịnh Biên. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi về kỹ thuật để giúp nông dân mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng tại những nơi có điều kiện”- chị Phương Anh bày tỏ.
“Đến nay, sau 8 tháng xuống giống với diện tích 500m2/mô hình, tại 2 xã Tân Lợi (Tịnh Biên) và Lương An Trà (Tri Tôn), cây thanh long ruột đỏ đang phát triển tốt. Cây đang ra hoa, tỉ lệ cành mới bắt đầu ra hoa chiếm khoảng 5%”- chị Phương Anh cho hay.