Trồng xen canh cây ăn quả

Trồng xen canh cây ăn quả
Trang trại của anh Nguyễn Hải Tùng ở xã Di Trạch, huyện Hoài Đức, Hà Nội nhờ trồng cây ăn quả đã hái ra tiền. Trước khi bắt tay vào SX, vợ chồng anh đã có hơn chục năm buôn bán hoa quả.

Anh Tùng chia sẻ: “Ổi, táo là những trái cây mà thị trường rất cần, dễ tiêu thụ, vấn đề là giá thành lúc cao lúc thấp mà thôi. Đây cũng là những loại cây dễ trồng, dễ chăm sóc...”.

Khu vườn của anh Tùng có diện tích khoảng 4 mẫu, được thuê lại với mức giá trung bình 600.000 đ/sào. Anh kể trước đây là một vùng trũng, cỏ mọc um tùm, chỉ nhìn là lắc đầu ngán ngẩm. Hai vợ chồng phải mất nhiều tháng mới có thể thu dọn hết cỏ. Sau đó thuê máy múc đất đắp lên để trồng cây. Vùng trũng trở thành ao thả cá. Tính ra, anh phải đầu tư 400 triệu đồng để cải tạo vườn cây, ao cá như bây giờ.


Anh Tùng chăm sóc cây ổi

Hiện anh Tùng có 1 mẫu ao thả cá; 8 sào trồng ổi với khoảng 400 gốc; 300 cây táo; còn lại là đu đủ, vải thiều… Theo anh, mô hình trồng xen cây có kỹ thuật chăm sóc đặc biệt. Chẳng hạn với táo, anh chỉ trồng và thu hoạch trong vòng 2 năm, đến năm thứ 3 thì chặt bỏ. Táo để càng lâu năm, tán sẽ càng to, quả nhiều nhưng không thể để, vì cây càng to thì việc chăm sóc sẽ khó khăn hơn, hơn nữa ảnh hưởng đến sự phát triển của cây khác.

Còn đu đủ cần thay gốc thường xuyên, năm nay trồng ở vị trí này, năm sau trồng ở một chỗ đất mới hơn. Đối với ổi cũng thế, sau khi thu hoạch, anh cắt cành, không chỉ để quang đãng, mà còn cho cây kịp nảy cành mới và ra quả mùa sau.

Theo anh, trồng cây ăn quả nói chung và trồng ổi nói riêng phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết. Đã có năm gặp phải mưa nhiều, bị ngập nước, cây cho năng suất rất thấp, đu đủ bị thối rễ, ổi và táo thì mất mùa. Đặc biệt, cần chú ý đến việc phòng trừ sâu bệnh cho cây.

Từ 3 năm nay Tùng đều ăn, ngủ ở trang trại, chưa một đêm nào anh về nhà ngủ. Cả hai vợ chồng quần quật làm vườn cả ngày. Từ Tết đến giờ, do lượng công việc quá nhiều nên anh phải thuê thêm nhân công. Anh vui vẻ cho hay, vườn cây cho thu nhập vài ba trăm triệu mỗi năm, đủ ăn đủ tiêu với một gia đình 6 người và tích cóp được một khoản tiền để dành.

Với ổi, khi cây mới ra nụ hoa và quả non cần phun thuốc BVTV, vì đây là thời điểm dễ bị sâu bệnh nhất. Sau khi đã bọc lớp xốp bên ngoài thì không cần phun. Tùy vào thế của từng gốc ổi mà để số lượng quả cho phù hợp, nếu để nhiều quá thì cành bị gãy, mà quả cũng không to. Với mỗi gốc ổi từ 3 năm trở lên cho khoảng từ 70 - 100 quả.

Mùa ổi chính thường vào tháng 6, tháng 7 DL. Mùa ổi chiêm vào dịp sát Tết Nguyên đán. Anh Tùng cho biết, riêng mùa ổi chính năm vừa rồi, tính cả ổi găng và ổi bọc, vườn của anh thu hoạch được khoảng hơn 6 tấn.

Vườn rộng, chi phí đầu tư không phải là con số nhỏ. Ngay như số tiền để mua vỏ trấu để rải quanh các gốc cây, một năm cũng đã mất 17 triệu đồng. Khi hỏi anh tác dụng của việc rải trấu quanh gốc cây thế nào mà phải bỏ ra một số tiền lớn như thế, anh cho biết, rải trấu sẽ hạn chế được cỏ mọc, chống xói mòn đất và thuốc trừ sâu chảy xuống ao. Cứ trồng cây là nên rải trấu, tán cây to đến đâu thì rải đến đó.

Ngoài ra, phải bón phân theo vụ, mỗi lần bón tiền phân lên đến 100.000 đồng/gốc…
 

Nguồn: nongnghiep.vn