Trong bối cảnh khách hàng ngày càng cần nhiều sự minh bạch, rõ ràng đối với sản phẩm hàng hóa mình mua, truy xuất nguồn gốc sẽ là "chìa khóa" khơi dậy niềm tin cho người tiêu dùng và lấy lại niềm tin với thực phẩm Việt.
Yêu cầu bức thiết
Là một trong số ít cơ sở chế biến thực phẩm nằm trong chuỗi chế biến thực phẩm an toàn huyện Đông Anh (Hà Nội), ông Nguyễn Minh Thoa – Chủ Cơ sở chế biến thực phẩm Mạnh Cường (số 29A, tổ 14, thị trấn Đông Anh) – cho biết: Từ khi sản phẩm có dán tem truy xuất nguồn gốc CheckVN, cơ sở không còn phải lo lắng trước những câu thắc mắc của khách hàng về an toàn thực phẩm. Người tiêu dùng chỉ cần một vài thao tác đơn giản trên điện thoại thông minh đã biết đầy đủ thông tin của toàn bộ sản phẩm như: quy trình sản xuất, nguồn gốc sản phẩm và hoàn toàn có thể yên tâm khi sử dụng.
Vừa là người tiêu dùng, nhưng cũng là chủ một cửa hàng ăn uống tại huyện Đông Anh, anh Vương Anh Quân cho hay, việc truy xuất nguồn gốc thực phẩm, nông sản là rất quan trọng, không chỉ bảo vệ sức khỏe của mình và gia đình mà còn bảo vệ chính sức khỏe của những khách hàng đến với cửa hàng. “Đây là ứng dụng hay cần nhân rộng để góp phần bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng như các đơn vị sản xuất, kinh doanh chân chính”, anh Quân nói.
Với những yêu cầu cấp thiết của toàn xã hội về nông sản, thực phẩm an toàn, cũng như để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, mới đây UBND huyện Đông Anh đã khai trương chuỗi liên kết sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn, đồng thời ra mắt Hệ thống thông tin điện tử truy xuất nguồn gốc nông sản an toàn của huyện. Ông Nguyễn Xuân Hà – Phó trưởng phòng Kinh tế huyện Đông Anh – chia sẻ: Các cơ sở sản xuất đều mong muốn có sản phẩm dán tem truy xuất nguồn gốc để minh bạch thông tin, khách hàng có thể biết đến nhiều hơn, đây cũng là cách các doanh nghiệp (DN) xây dựng thương hiệu của chính mình.
Trong xu thế hiện nay, tem truy xuất nguồn gốc được xem là một công cụ hiệu quả để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Thông qua việc dán tem truy xuất nguồn gốc, các sản phẩm nông nghiệp sản xuất theo quy trình đạt chuẩn, có chất lượng tốt sẽ dễ tiếp cận với khách hàng hơn.
Tạo niềm tin cho người tiêu dùng
Ông Tạ Văn Tường – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội – chia sẻ, hiện, có hai hình thức truy xuất gồm: Chứng minh nguồn gốc xuất xứ qua tài liệu hồ sơ giấy tờ; truy xuất nguồn gốc điện tử bằng mã QR Code hay mã vạch. Đây là việc hết sức cần thiết, tạo ra dòng chảy thông tin từ người sản xuất, đến người tiêu dùng. Vấn đề đặt ra ở đây là có sự kiểm chứng, kiểm soát của Nhà nước.
Cũng theo ông Tường, với những DN đã làm ăn bài bản, không chụp giật, để xây dựng thương hiệu nhất thiết phải quan tâm đến việc truy xuất nguồn gốc và chứng minh bằng được sản phẩm mình là an toàn đến người tiêu dùng cuối cùng.
Hiện nay, mặc dù dịch tả lợn châu Phi đang bùng phát ở nhiều nơi trên cả nước khiến người tiêu dùng có tâm lý e dè trong tiêu dùng thịt lợn và tác động đến cả các cơ sở sản xuất giò chả. Nhưng, tại Cơ sở chế biến thực phẩm Mạnh Cường, hoạt động sản xuất giữ "phong độ" như thời điểm chưa có dịch. "An toàn thực phẩm, minh bạch thông tin là yếu tố quan trọng để cơ sở giữ chân khách hàng. Chi phí phù hợp, con tem là phao cứu sinh chứng minh cơ sở làm thật, sản xuất thật. Chúng tôi mang đến niềm tin cho khách hàng thì khách hàng sẽ không quay lưng lại với chúng tôi. Trong đợt dịch tả lợn châu Phi chúng tôi vẫn duy trì được sản lượng sản xuất”, ông Thoa đại điện Cơ sở chế biến Mạnh Cường nói.
Liên quan đến hệ thống truy xuất CheckVN, bà Phạm Thị Lý – Giám đốc Trung tâm DN Hội nhập và Phát triển – cho hay: Mục tiêu của chương trình nhằm hỗ trợ DN nâng cao năng lực cạnh tranh cho hành hóa của Việt Nam và bảo vệ người tiêu dùng. Sự khác biệt giữa CheckVN với những giải pháp hỗ trợ cho DN sẽ hoàn toàn khác với các phương án kinh doanh bán tem, bán giải pháp truy xuất nguồn gốc hoặc bán mã nhắn tin SMS. “Với hệ thống CheckVN người tiêu dùng được đặt lên vị trí quan trọng nhất. Đó là vai trò của người kiểm soát, họ sẽ nắm được chuỗi sản xuất này được kiểm soát như thế nào, do sở, ban, ngành hoặc UBND quận/huyện nào quản lý. Đồng thời họ có thể tương tác với DN để hiểu hơn về sản phẩm trước khi quyết định mua hàng. Các bên đều được hưởng lợi ích trong quá trình lưu thông hàng hóa, DN có công cụ nâng cao năng lực cạnh tranh, chính quyền cũng có được biện pháp quản lý thị trường hiệu quả”, bà Lý nói.
Không chỉ đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng trong nước, truy xuất nguồn gốc còn giúp sản phẩm nông sản có được tấm “giấy thông hành” đến nhiều thị trường. Đơn cử, nhằm đáp ứng yêu cầu của phía bạn hàng Trung Quốc là từ ngày 1-4-2018 tất cả các sản phẩm nông sản xuất khẩu sang thị trường này phải truy xuất được nguồn gốc, ngay từ trước khi bắt đầu vụ vải 2018 UBND huyện Thanh Hà (Hải Dương) đã liên hệ với TP. Hà Nội và đề nghị UBND, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung tâm DN Hội nhập và Phát triển hỗ trợ công nghệ truy xuất nguồn gốc cho 3.900 ha vải. Sau vụ vải, không chỉ đáp ứng tốt nhu cầu của các bạn hàng Trung Quốc, có hộ gia đình cho hay đã bán được 25 tấn vải chỉ thông qua hệ thống truy xuất này. Hệ thống còn giúp các hộ gia đình kết nối được với khách hàng từ Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh... để bán hàng. Năm nay, dự kiến, phía Hải Dương sẽ tiếp tục mở rộng diện tích vải có truy xuất nguồn gốc.
Thị trường chính là mệnh lệnh dành cho nhà sản xuất, khi người tiêu dùng tự bảo vệ quyền lợi của mình, tự kiểm tra các thông tin minh bạch bằng truy xuất nguồn gốc hàng hóa trước khi đưa ra quyết định mua hàng thì đồng nghĩa với việc chúng ta đã xây dựng được văn hóa tiêu dùng mới. Đấy là văn hóa tự bảo vệ chính mình. Bằng cách đó, chúng ta cũng đang thúc đẩy nhà sản xuất phải đưa ra các sản phẩm có chất lượng và vì quyền lợi người tiêu dùng. Đó chính là văn hóa tự chịu trách nhiệm - một văn hóa mới của của nhà sản xuất.