Từ cánh đồng thông minh

Từ cánh đồng thông minh
Ứng dụng, thực hành nông nghiệp 4.0 không còn xa lạ với doanh nghiệp (DN) hiện nay. TS Nguyễn Thanh Mỹ, Chủ tịch Tập đoàn Mỹ Lan (Mylan Group) ở Trà Vinh là một trong những DN dẫn đầu ở ĐBSCL bắt tay cùng nông dân ứng dụng kỹ thuật công nghệ mới trên đồng ruộng.

Cùng làm nông 4.0

Mylan Group bàn giao thiết bị phao quan trắc (Rynan Technologies), đưa về xã Hòa Minh, huyện Châu Thành (Trà Vinh) để đặt trên sông Cổ Chiên. Trước đó, cuối tháng 7/2017 tại cầu Láng Chim, thị xã Duyên Hải (Trà Vinh) cũng là Mylan Group bàn giao phao quan trắc thứ hai neo đặt trên sông Láng Chim. Mỗi bộ thiết bị giá trị vài chục triệu đồng nhưng món quà hàm chứa ý nghĩa lớn hơn đối với bà con nông dân là ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới.

18-22-36_myln_group_bn_gio_pho_qun_trc_o_tinh_tr_vinh_-_nh_ct
Tập đoàn MylanGroup bàn giao phao quan trắc ở Trà Vinh

Rynan Technologies là 1 trong 3 dự án “khởi nghiệp” (Startup) từ năm 2015 của TS Nguyễn Thanh Mỹ - tạo ấn tượng ban đầu từ việc ứng dụng smartphone kết nối trực tiếp với phao quan trắc đặt dưới sông để cho bà con nông dân ở vùng cửa sông bị xâm nhập mặn theo dõi các chỉ số độ mặn, độ oxy hòa tan, nhiệt độ, độ pH…, thông tin được gửi lên hệ thống đám mây và báo kết quả cho nông dân có thể biết được thời điểm khi nào độ mặn thấp hơn mức cho phép để bơm lấy nước ngọt tưới tiêu. Nhờ vậy canh tác sản xuất thuận lợi hơn trước đây rất nhiều.

Hệ quả từ mùa khô hạn và xâm nhập mặn trong năm 2016, biến đổi khí hậu (BĐKH) và nước biển dâng, báo động đe dọa sinh kế người dân ĐBSCL. Khi đất ven biển ĐBSCL bị nhiễm mặn, bờ sông Cổ Chiên không có nước tưới cây, độ mặn 12‰ là mối nguy nhưng cũng là cơ hội cho sáng tạo. Nông dân và doanh nhân đang tìm cách thích ứng, giữ cho được đất và nước ĐBSCL mãi trù phú, phồn thịnh.

Trong đó có quá trình sáng tạo của doanh nhân TS Nguyễn Thanh Mỹ, Việt kiều (Canada) nổi tiếng với 200 bằng sáng chế được chứng nhận ở Mỹ, Canada, trở về Việt Nam với tâm huyết đầu tư nhà máy công nghệ cao chuyên ngành in thành công trong hơn 10 năm qua. TS Mỹ nói rằng năm 2015 ông tiếp tục khởi nghiệp với 3 dự án (Rynan Smart Fertilizer, Rynan Techonologies và Rynan Agrifoods) trong lĩnh vực nông nghiệp.

Về Đồng Tháp và ở Trà Vinh, ông “trình làng” chuỗi giải pháp mới “Ứng dụng công nghệ 4.0 trong sản xuất lúa” thông qua phương thức canh tác lúa, sử dụng phân bón thông minh, tăng thu nhập và giảm hiệu ứng nhà kính. Nông dân sẽ áp dụng theo nguyên tắc “1 phải, 7 giảm” (Phải sử dụng giống xác nhận và Giảm lượng hạt giống, giảm phân đạm bón thừa, giảm thuốc BVTV, giảm nước tưới, giảm tổn thất sau thu hoạch, giảm khí nhà kính, giảm công).  

Cánh đồng thông minh

Tỉnh Đồng Tháp “đặt hàng” và từ vụ lúa HT 2016 tại HTX dịch vụ nông nghiệp Tiến Cường, xã Phú Cường, huyện Tam Nông, Cty Rynan Agrifoods bắt tay xây dựng cánh đồng thông minh. Có 5 hộ nông dân tham gia thực hiện mô hình trên diện tích 1ha, trong đó sử dụng phân bón thông minh được chia ra trên 4 loại đất lúa khác nhau. Theo ông Lê Thanh Hiệp, Giám đốc HTX Tiến Cường, kết quả quá trình canh tác lúa giảm được khoảng 40% lượng phân bón, giảm 4 lần bón phân và giảm 3 lần phun thuốc BVTV, tiết kiệm chi phí sản xuất được khoảng 4 triệu đồng/ha.

Nông dân Nguyễn Bá Luận là một trong năm nông dân thành viên của HTX Tiến Cường, có 7ha ruộng lúa. Ông tách ra 2 công ruộng tham gia thí điểm sử dụng phân bón thông minh. Ông Luận so sánh, dùng phân thông thường phải bón phân 5 lần/vụ, còn phân bón thông minh chỉ cần bón 1 lần/vụ là do phân tan chậm theo từng giai đoạn phát triển của cây lúa. Chỉ riêng tiền thuê nhân công bón phân tốn 150.000 đồng/công. Mỗi vụ lượng phân bón thông thường tốn khoảng 50 - 60 kg/công, chuyển qua dùng phân thông minh bón cả vụ 37,5 kg/công. Năng suất lúa bón phân thông minh và lúa bón phân thông thường tương đương nhau nhưng ruộng bón phân thông minh chất lượng lúa gạo tốt hơn.

18-22-36_thnh_tuu_cong_nghe_phn_bon_thong_minh_v_bo_qun_nong_phm_ung_dung_trong_nong_nghiep_40_-_nh_hd
Thành tựu công nghệ phân bón thông minh và bảo quản nông phẩm ứng dụng trong nông nghiệp 4.0

Ở xã Mỹ Đông, huyện Tháp Mười (Đồng Tháp), TS Nguyễn Thanh Mỹ có dự án Rynan Smart Fertilizer phối hợp với HTX dịch vụ nông nghiệp Mỹ Đông 2 thực hiện mô hình “Canh tác lúa lý tưởng” trên cánh đồng 7,6ha. Mô hình này sử dụng phân bón thông minh áp dụng trên máy cấy lúa hiện đại cùng lúc thực hiện các chức năng cấy lúa, bón phân, phun thuốc diệt cỏ, diệt ốc… bên cạnh đó, áp dụng hệ thống cảm ứng mực nước thông minh. Nông dân theo dõi, điểu khiển mực nước trên đồng qua điện thoại thông minh (smartphone) khi lúa cần bơm nước vào hoặc rút nước ra. Việc tích hợp các giải pháp trong quá trình canh tác tiết kiệm chi phí sản xuất. Nông dân tham gia mô hình cho rằng dùng phân bón thông minh lúa không bị dư phân, quá trình sinh trưởng cây lúa phát triển rất tốt. HTX Mỹ Đông 2 cho biết, sau tổng kết mô hình hiệu quả sẽ mở rộng sản xuất lúa tăng lên 170ha.

Một số nông dân ở huyện Tiểu Cần (Trà Vinh) dùng phân bón thông minh năng suất lúa tăng lên thấy rõ. Nông dân Huỳnh Bá Vẹn ở xã Hưng Hòa cho biết, năng suất lúa đạt cao hơn dùng phân bón thông thường 3,17%. Nông dân Lâm Việt Tuyền ở xã Hòa Lợi đạt năng suất cao hơn 14,28%. Nông dân Quách Văn Hà ở xã Thạnh Mỹ, huyện Châu Thành (Trà Vinh) từng sử dụng phân bón thông minh cho thấy lúa đạt năng suất cao hơn bón phân thông thường từ 17,5% đến 22%...  

Chuyển đổi cách làm mới

“Ở nước ta một năm cần gần 12 triệu tấn phân bón, 73% chứa đạm, trong đó sản xuất gần 10 triệu tấn, nhập hơn 2 triệu tấn. Nếu mình dùng phân bón thông minh sẽ giảm được 50% nhu cầu phân bón, nông dân mình sẽ giàu có hơn”, TS Mỹ tính toán.

Các nhà nghiên cứu hệ thống canh tác trong nông nghiệp từng đưa ra khuyến cáo, chỉ cần giảm bón thừa phân đạm cây lúa sẽ ít sâu bệnh, giảm được thuốc BVTV và giảm lượng khí nhà kính. Bởi vì, chỉ 30 - 40% đạm cung cấp được cây lúa hấp thu, còn 60 - 70% đạm bị rửa trôi, bốc hơi gây ô nhiễm nguồn nước, bay lên không khí gây hiệu ứng nhà kính. Hơn nữa có thêm giải pháp sử dụng phân bón thông minh - phân tan chậm, tan chậm có kiểm soát là một trong những hướng rất hay cùng với kết hợp ứng dụng Internet vào hệ thống ngập khô xen kẽ.

Từ lâu, nhiều nước đã không còn làm nông nghiệp thuần túy, dù chịu điều kiện khắc nghiệt như Israel, khi công nghệ IoT với hệ thống cảm biến và đầu đo (sensor), việc tưới cây, bón phân đúng thời điểm và đủ cho cây trồng đã giúp tiết kiệm chi phí so với phương thức cổ điển. Công nghệ cao đã đưa các giải pháp tham gia chuỗi giá trị nông nghiệp, có thể ứng dụng trong tất cả các khâu, từ vật tư, canh tác, chế biến, phân phối, tiêu thụ.

Smatphone và công nghệ điện toán đám mây, robot, điều kiển từ xa, thiết bị chính xác không còn lạ lẫm với các nước tiên tiến. Các nước bước vào cách mạng công nghiệp 4.0 trên nền tảng 3 trụ cột chính: Kỹ thuật số, công nghệ sinh học, vật lý. Còn chúng ta, câu hỏi đặt ra là ai làm? Bắt đầu từ đâu? Làm như thế nào?

18-22-36_thnh_tuu_ung_dung_cong_nghe_dienn_ton_dm_my_-_n_tm_cnh_tc_lu_-_nh_hd
Cty Rynan Agrifoods (Trà Vinh) giới thiệu công nghệ điện toán đám mây - An tâm canh tác lúa

TS Lê Đăng Trung, Giám đốc Cty Phân tích thời gian thực (RTA) cho rằng: Nông dân Việt Nam có cơ hội hay không trong cuộc chơi này phụ thuộc vào cách tiếp cận, trong đó vai trò của chính sách cơ giới hóa, tự động hóa, là nền tảng chính để nông dân làm ra những sản phẩm theo nhu cầu thị trường, theo đúng số lượng, giá trị như người tiêu dùng mong muốn, từ đó sản xuất đạt hiệu quả cao nhất.

“Muốn vậy, nông dân phải làm đúng, bán giá đúng thực chất, công nghệ cao sẽ yểm trợ, đảm bảo cho nông dân làm đúng quy trình bằng cách sử dụng ngay chiếc điện thoại (smartphone) làm nhật ký. Nền tảng giúp nông dân thoát nghèo có hai cách làm sao giúp tăng được giá bán, giảm chi phí sản xuất. Giảm chi phí sản xuất bằng cách thực thi quy trình sản xuất tối ưu với công nghệ thích ứng, giảm chi phí bằng cách cung cấp đầy đủ thông tin giữa người bán và người mua…”, TS Trung phân tích.

Theo Hữu Đức/nongnghiep.vn