Tưới nước tiết kiệm ứng phó với biến đổi khí hậu
- Thứ bảy - 20/08/2016 23:04
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Tưới tiết kiệm nước là một trong những giải pháp quan trọng để đối phó với hạn hán (Ảnh minh họa, nguồn Internet) |
Hiện có nhiều công thức tưới, kỹ thuật tưới khác nhau. Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam đã thực hiện 01 mô hình nghiên cứu khảo nghiệm trên cây cà phê tại huyện Cư M’gar, gồm: Tưới dí truyền thống, tưới phun mưa tại gốc của Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên, tưới nhỏ giọt theo quy trình công nghệ của Israel và 01 mô hình tưới nhỏ giọt cho cây cà phê của nông dân huyện Cư Kuin, Đắk Lắk.
Kết quả cho thấy, việc áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước (tưới phun mưa tại gốc, tưới nhỏ giọt) kết hợp bón phân có thể đảm bảo đủ nước để cây cà phê bung hoa đạt tới 93 - 95%; so với kỹ thuật tưới truyền thống, áp dụng tưới phun mưa tại gốc và tưới nhỏ giọt có thể tiết kiệm đáng kể lượng nước tưới (17% đối với tưới phun mưa tại gốc và 50% đối với tưới nhỏ giọt); tiết kiệm từ 7 - 9% phân bón đối với tưới phun mưa tại gốc và 30 - 40% đối với tưới nhỏ giọt; giảm công chăm sóc và vận hành trên 50%.
Tại Quảng Trị, Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn và Sở Khoa học – Công nghệ đã xây dựng mô hình tưới khoa học tiết kiệm nước bằng ống phun cho cây lạc tại 2 xã Cam Hiếu và Cam Thủy (huyện Cam Lộ) với tổng kinh phí đầu tư 250 triệu đồng nhằm giúp các địa phương thực hiện tưới tiết kiệm nước trong điều kiện nắng hạn và thích nghi với biến đổi khí hậu.
Mô hình hoạt động theo hình thức đưa nước trực tiếp đến vùng gốc cây trồng qua hệ thống ống dẫn nước áp lực một cách liên tục, nước nhỏ từng giọt nhờ các thiết bị đặc trưng là các vòi tạo giọt. Lượng nước nhỏ liên tục từng giọt nhỏ nên tiêu hao nước không nhiều, hạn chế được sự thất thoát nước nhưng lại cho hiệu quả tưới cao nhờ nước tưới được cấp trực tiếp cho cây trồng. Thời gian tưới mỗi tuần một lần, mỗi lần tưới liên tục 16 giờ và tiến hành tưới vào ban đêm. Nguồn nước tưới được lấy từ các công trình thủy lợi nhỏ trên địa bàn.
Hiệu quả cách làm này mang lại trông thấy, năng suất lạc ước đạt 2,5 - 3 tấn/ha, tăng hơn 2 lần so với trước khi chưa ứng dụng tưới. Hơn nữa, nếu áp dụng tưới nhỏ giọt thì những diện tích đất màu thiếu nước trước đây người dân chỉ làm một vụ lạc Đông Xuân, năng suất thấp, sắp tới sẽ canh tác được 2 vụ lạc và 1 vụ ngô.
Tại Ninh Thuận, Hội Nông dân tỉnh Ninh Thuận đã phối hợp với Tổ chức Phát triển quốc tế (iDE) Việt Nam triển khai dự án “Giới thiệu mô hình tưới nước tiết kiệm cho nông dân nghèo Nam Trung Bộ”. Giai đoạn I của dự án (2011-2013) có tổng kinh phí 1,6 tỷ đồng, giúp 1.600 hộ lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm với tổng diện tích canh tác là 380ha. Giai đoạn II, dự án triển khai tại 2 huyện Bác Ái và Thuận Bắc, kinh phí trên hỗ trợ 550 triệu đồng. Đã có 700 hộ nông dân được dự án hỗ trợ lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm với diện tích canh tác 192ha.
Qua 5 năm thực hiện dự án đã có tổng cộng 2.350 hộ nông dân thuộc 40 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh được hỗ trợ lắp đặt hệ thống tưới nước tiết kiệm trên các diện tích trồng nho, táo, mãng cầu, mủ trôm, trồng cỏ và các loại rau màu khác. Hệ thống tưới nước tiết kiệm đã góp phần giảm chi phí nhân công lao động, hạn chế được sâu bệnh, bảo vệ tài nguyên nước, môi trường sinh thái. Sản phẩm nông nghiệp sản xuất ở những mô hình sử dụng hệ thống tưới tiết kiệm đảm bảo an toàn thực phẩm, được đông đảo nông dân hưởng hứng.
Tại Khánh Hòa, trước đây, ông Nguyễn Bá Lạt (thôn Suối Cát, xã Cam Hiệp Nam, huyện Cam Lâm) áp dụng phương pháp tưới xoay trên diện tích 2ha đất rẫy trồng xoài ở thôn Tân Lập, xã Cam Thành Bắc. Đến năm 2015, khi ông mở rộng quy mô lên 4ha thì giếng không đủ cung cấp nước tưới theo phương pháp này.
Cuối tháng 11-2015, ông Lạt đã áp dụng tưới nước nhỏ giọt theo công nghệ của Israel do Công ty Cổ phần Công nghệ tưới Khang Thịnh (đại diện Netafim của Israel tại Việt Nam) giới thiệu. Trên diện tích 4ha, ông đầu tư 124 triệu đồng cho đường ống, dây dẫn và công lắp đặt ống. Hệ thống đường ống được lắp đặt nhỏ dần, tới gốc xoài chỉ còn ống dây nhỏ đặt vòng quanh cách gốc 1m, đều đặn rỉ từng giọt nước. Ông Lạt cho biết, tưới nhỏ giọt chỉ cần 1/3 đến 1/4 lượng nước tưới trực tiếp vào gốc bằng vòi. Nếu trước đây, giếng nước của nhà ông chỉ đủ cung cấp cho 2 - 3ha xoài thì với công nghệ tưới nhỏ giọt có thể tưới được 12ha mà cây vẫn tăng trưởng tốt. Nhưng quan trọng nhất là hiệu quả thu hoạch, trái xoài lớn hơn và không bị rám nắng như khi tưới xoay. Vụ xoài năm 2015, với 8 sào đầu tiên cho trái, ông Lạt thu 12 tấn, tương đương 420 triệu đồng.
Tại Bến Tre, ông Võ Văn A (ở ấp Long Thạnh, xã Long Hòa, huyện Bình Đại) có 4.000m2 trồng ổi lê Đài Loan, 4.000m2 trồng nhãn Idol, mỗi năm thu lãi trên 100 triệu đồng. Đầu năm 2015, ông đã đầu tư trên 40 triệu đồng thuê Công ty MôSan - Chi nhánh huyện Giồng Trôm (Bến Tre) lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt theo công nghệ Israel cho vườn cây ăn trái của gia đình.
Theo ông A: Mỗi ngày tưới 1 lần và tưới trong vòng 1 giờ, thì độ ngấm nước toàn vườn đạt sâu trên 30cm, giúp đưa nước và chất dinh dưỡng trực tiếp đến vùng rễ tích cực của cây ăn trái. Ngoài ra, hệ thống còn có chức năng bón phân cho cây rất đồng đều và tiện lợi, không những tạo điều kiện cho cây hấp thụ phân bón triệt để, mà còn giảm chi phí bón phân, bảo vệ tốt môi trường thiên nhiên và sức khỏe cộng đồng.
Chi phí đầu tư theo phương pháp tưới nhỏ giọt Israel ban đầu khá cao, song chi phí đầu vào giảm được 3 lần so với tưới tràn và trong điều kiện thời tiết hạn, mặn. Áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp tiết kiệm 90% công lao động, trên 70% chi phí điện – nước và 30% lượng phân bón, đặc biệt không lo thiếu nước tưới.
Mặc dù việc áp dụng các công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước có nhiều đặc điểm ưu việt hơn so với phương thức tưới truyền thống như tiết kiệm nước, tiết kiệm phân bón, tiết kiệm nhân công, tăng năng suất... Tuy nhiên việc áp dụng những công nghệ này ở nước ta còn rất nhiều hạn chế do chưa thu hút được sự tham gia của các doanh nghiệp và nông dân.
Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hoàng Văn Thắng, việc phát triển giải pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho cây trồng cạn là một trong những giải pháp hết sức quan trọng để đối phó với hạn hán. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khuyến khích sự tham gia đầu tư của các doanh nghiệp, các nhà đầu tư theo hướng hợp tác công – tư đối với việc áp dụng các mô hình tiết kiệm nước, cung cấp nước tưới cho nông nghiệp. Theo Thứ trưởng để các công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước thực sự đến được với người nông dân cần phải tuyên truyền để nông dân thấy được hiệu quả kinh tế và tính bền vững của các công nghệ này. Bên cạnh đó cần xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ về vốn để khuyến khích nông dân tích cực áp dụng công nghệ.
Theo Quang Long/mtnt.hoinongdan.org.vn