Ứng dụng Blockchain, "soi" nguồn gốc nông sản đến tận ruộng
- Thứ bảy - 01/06/2019 23:03
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Thái Duy, nhà sáng lập Vườn ươm doanh nhân Be Training tại hội thảo “Startup Công nghệ trong thời đại công nghiệp 4.0 và ứng dụng Blockchain trong doanh nghiệp” do Viện Nghiên cứu doanh nghiệp vừa và nhỏ tổ chức mới đây tại TP.HCM.
Các chuyên gia trong và ngoài nước nói về công nghệ Blockchain
Theo ông Duy, trong thời đại công nghiệp 4.0, công nghệ Blockchain hiện nay đã được ứng dụng trong nhiều ngành, nhiều lĩnh vực bởi tính minh bạch và tiện lợi của nó. Thậm chí ngay lĩnh vực nông nghiệp tại Việt Nam, công nghệ Blockchain đã được sử dụng để quản lý và truy xuất nguồn gốc đối với một số sản phẩm nông nghiệp. Chỉ cần quét mã QR code trên sản phẩm, người dùng có thể biết được quá trình sản xuất, đóng gói, vận chuyển, phân phối hay cách sử dụng của sản phẩm...
“Ưu điểm của Blockchain là được lưu trữ và bảo mật hiệu quả mà không thể can thiệp chỉnh sửa nên tránh được tình trạng sửa và gian lận thông tin sản phẩm khi đến tay người tiêu dùng. Bằng việc áp dụng công nghệ này, mọi giao dịch trong chuỗi giá trị nông nghiệp sẽ trở nên công khai và minh bạch. Đặc biệt, Blockchain còn là công cụ giúp sản phẩm nông nghiệp tiếp cận thị trường quan trọng và giúp tăng khả năng quản lý chuỗi cung ứng…”, ông Duy chia sẻ.
Ngoài ra, theo ông Duy, công nghệ Blockchain còn giúp kiểm tra tình trạng tiêu thụ nông sản và hàng tồn kho, từ đó người nông dân có thể xác minh giá trị thực sự của vụ mùa, dự đoán nhu cầu của người tiêu dùng trong thời điểm cụ thể, đồng thời tối ưu hóa quy trình sản xuất…
“Năm 2019 - 2020 là thời điểm tốt để các doanh nghiệp Việt phát triển mạnh vì hiện nay công nghệ smatphone nhiều, nền tảng internet tốt và công nghệ 5G đang bắt đầu thực hiện. Nếu nắm bắt được những uu thế của công nghệ Blockchain, các doanh nghiệp Việt có rất nhiều tiềm năng để phát triển, tức nền kinh tế chia sẻ của chúng ta cũng sẽ phát triển tốt”, ông Duy nói thêm.
Đồng quan điểm, ông Ngô Tấn Vũ Khanh, Giám đốc Kaspersky khu vực Việt Nam - Lào - Cambodia - Myanmar, chia sẻ, ứng dụng của Blockchain trong quản lý doanh nghiệp có vai trò rất lớn trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Điều này thể hiện rõ nhất ở khả năng truy xuất nguồn gốc hàng hóa, đặc biệt là lĩnh vực bán lẻ nói chung và thực phẩm, đồ uống nói riêng. Vấn đề lớn nhất về mặt dữ liệu mà các doanh nghiệp bán lẻ gặp phải, luôn là việc rất khó để có thể tìm ra chính xác hàng hóa của mình đang ở đâu và tại thời điểm nào.
“Điểm đặc biệt khi áp dụng Blockchain là doanh nghiệp sẽ giảm được tối đa việc gian lận thông tin, bởi với đặc tính chống chối bỏ và chống lại sự thay đổi dữ liệu. Mọi thông tin trên Blockchain đều được lưu trữ và bảo mật hiệu quả mà không một ai có thể can thiệp chỉnh sửa, thông tin. Việc này có tiềm năng giúp xóa bỏ các hậu quả lớn khi dữ liệu bị thay đổi trong bối cảnh thương mại toàn cầu”, ông Khanh nói.
Tiến sĩ Phạm Thế Hưng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Doanh nghiệp vừa và nhỏ, chia sẻ, trên toàn thế giới công nghệ 4.0 đang tác động mạnh mẻ đến nhiều ngành trên thực tế và hiện công nghệ Blockchain rất hiệu quả trong các lĩnh vực y tế, tài chính, nông nghiệp, an ninh quốc phòng,… Về công tác quản lý, Blockchain đảm bảo an toàn, bảo mật, trung thực, tạo cơ sở quản lý tốt cho doanh nghiệp.
“Trong số các công nghệ chủ chốt của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay, công nghệ Blockchain hay còn gọi là công nghệ chuỗi khối là một trong những công nghệ đột phá được dự đoán sẽ là dẫn dắt công nghệ trong vài thập kỷ tới. Chính vì vậy, các doanh nghiệp nên tiếp xúc với các khoa học, các chuyên gia chuyên sâu trong và ngoài nước, trao đổi học tập kinh nghiệm của các công ty đã thành công trong lĩnh vực này để có thể ứng phó kịp thời với những thay đổi trong bối cảnh hội nhập”, ông Hưng dự báo.
Cũng theo ông Hưng, cuộc cách mạng 4.0 đang tác động mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực, trong đó có sự xuất hiện của trí tuệ nhân tạo (robot) mang lại nhiều ứng dụng trong xã hội. Tại Việt Nam, cách mạng công nghiệp đang ở giai đoạn phát triển được tính theo cấp số nhân, kích hoạt các làn sóng tạo nên những đột phá xa hơn trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, làm thay đổi một cách toàn diện lối sống và cách chúng ta làm việc.
Chính vì vậy, việc cập nhật và hiểu được tác động của Blockchain cũng như những tiến bộ công nghệ của nó để ứng dụng trong mô hình kinh doanh và điều hành quy trình kinh doanh nhằm thích nghi với xu hướng thế giới công nghệ mới là rất quan trọng với các DN Việt.
Theo Quốc Hải/http://danviet.vn
Xem bài viết gốc tại đây