Ứng dụng KHCN phát triển nông nghiệp, nông thôn

Những năm qua, KHCN đã tạo nên nhiều chuyển biến mới trong nông nghiệp và kinh tế nông thôn. Bộ mặt nông thôn được đổi mới, đời sống nông dân được cải thiện. Năng suất, chất lượng nhiều loại cây trồng, vật nuôi được nâng lên. Đã xuất hiện nhiều mô hình liên kết sản xuất hiệu quả dựa trên ứng dụng KHCN góp phần tích cực vào công cuộc xây dựng NTM của tỉnh.
Những năm qua, giống bưởi đỏ Tân Lạc được nghiên cứu phát triển rộng, đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2010 - 2020 của tỉnh được triển khai thực hiện từng bước, trong đó, việc đẩy mạnh hỗ trợ KHCN được toàn tỉnh chú trọng. Đây được xem là một trong những tiêu chí quan trọng nhất của xây dựng NTM.
 
Tỉnh đã xác định phải xây dựng một chiến lược phát triển KHCN cho nông nghiệp và nông thôn để từ nay đến năm 2020 các thành tựu KHCN sẽ đóng góp từ 40-50% GDP nông nghiệp, trong đó, sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao chiếm 30% giá trị sản xuất của các sản phẩm chủ yếu. Do vậy, một trong những giải pháp quan trọng để thực hiện xây dựng NTM thành công là ứng dụng KHCN để xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất nông nghiệp nâng cao thu nhập cho người dân.
 
Thời gian qua, các đề tài nghiên cứu khoa học được thực hiện có hiệu quả trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hoá, y tế, giáo dục theo hướng có trọng tâm, trọng điểm, bám sát nhiệm vụ phát triển KT-XH của tỉnh, phục vụ sản xuất, đời sống, phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Trong 5 năm qua (2011 - 2015) đã có 9 dự án cấp Bộ và 136 đề tài cấp tỉnh được nghiên cứu với nhiều đề tài ứng dụng thành công, trong đó, các đề tài tập trung cho lĩnh vực khoa học nông nghiệp chiếm 40%. Đã có 178 quy trình công nghệ được nghiên cứu, hoàn thiện và chuyển giao; xây dựng  62 mô hình sản xuất trình diễn; đào tạo trên 100 kỹ thuật viên và tập huấn cho gần 3.000 lượt nông dân. Từ đó hình thành tập quán canh tác theo kỹ thuật tiên tiến, tạo dựng cơ sở vật chất kỹ thuật cho công nghiệp hoá nông nghiệp nông thôn. Qua nghiên cứu đã lựa chọn được các giống cây trồng, vật nuôi thế mạnh có năng suất cao, chất lượng tốt, chống chịu sâu bệnh và phù hợp với sinh thái của tỉnh như các giống lúa, ngô chịu hạn, chịu lạnh; lựa chọn được các giống cam CS1, cam Canh, cam xã Đoài, cam V2...cho thu hoạch giải vụ từ tháng 10 năm trước đến tháng 4 năm sau. Ngoài ra còn những nghiên cứu ứng dụng công nghệ tưới, kỹ thuật canh tác hiện đại đồng thời tạo ra các vùng sản xuất hàng hoá có giá trị kinh tế cao như trồng cam tại huyện Cao Phong và mở rộng sang các huyện Lạc Thuỷ, Kim Bôi; hạt dổi Lạc Sơn; bưởi đỏ Tân Lạc; lặc lày Lương Sơn; mía tím Hoà Bình... Nghiên cứu thành công nuôi cá tầm trên lòng hồ, đẻ nhân tạo giống bỗng, cá trắm đen...Việc nghiên cứu, chuyển giao ứng dụng đều có sự liên kết 4 nhà từ nhà quản lý, nhà khoa học đến doanh nghiệp và nhà nông.
 
Đồng chí Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Nhìn chung, công tác hỗ trợ KHCN trong xây dựng NTM được Sở KH&CN triển khai đã bước đầu mang lại hiệu quả đáng khích lệ, góp phần nâng cao năng suất, hiệu quả trong sản xuất, tăng thu nhập, phát triển kinh tế cho người dân các xã và thúc đẩy tiến độ xây dựng NTM đã được UBND tỉnh đề ra. Để các ứng dụng KHCN đi vào thực tiễn cần khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX tham gia SX-KD trong chuỗi giá trị sản phẩm, đặc biệt là sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh. Nghiên cứu các chính sách về nông nghiệp, nông thôn và nông dân gắn với quá trình CNH-HĐH.
 
 
                                                             Theo Đinh Thắng/baohoabinh.com.vn